Ấn Độ bắt giữ hai quan chức hàng đầu của chi nhánh Vivo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ấn Độ lại có hành động chống lại nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Vivo bằng việc bắt giữ hai nhà quản lý cấp cao của chi nhánh Vivo Ấn Độ.

Ông Terry Hồng Húc Toàn, CEO tạm thời của Vivo Ấn Độ (bên trái) vừa bị bắt và người đồng nghiệp Ấn Độ (Ảnh: NOWnews)
Ông Terry Hồng Húc Toàn, CEO tạm thời của Vivo Ấn Độ (bên trái) vừa bị bắt và người đồng nghiệp Ấn Độ (Ảnh: NOWnews)

Theo Reuters ngày 24/12, cơ quan chống tội phạm tài chính của Ấn Độ đã bắt giữ 2 lãnh đạo hàng đầu của chi nhánh Vivo Ấn Độ. Cùng ngày, hãng tin Press Trust of India (PTI) dẫn nguồn tin cho biết có 3 người bị bắt là ông Terry Hồng Húc Toàn CEO (Giám đốc điều hành) tạm thời người Trung Quốc của chi nhánh Vivo Ấn Độ, CFO (Giám đốc tài chính) người Ấn Độ và một cố vấn của công ty. Công ty Vivo đã lên tiếng về vụ việc, tuyên bố họ sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết và thách thức những cáo buộc này.

Theo Reuters, một nguồn tin liên quan trực tiếp đến vụ việc tiết lộ rằng các nhân viên của Vivo bị bắt đã được đưa đến tòa án ở New Delhi vào ngày 23/12 và sau đó được đưa đến Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ để giam giữ. Nguồn tin cho biết họ sẽ ra tòa vào ngày 26/12. Vivo cho hay họ "vô cùng kinh ngạc" trước vụ bắt giữ. Người phát ngôn của công ty nói: "Hành động bắt giữ mới nhất chứng tỏ rằng hành vi quấy rối vẫn đang tiếp tục và tạo ra sự không chắc chắn trong toàn ngành. Chúng tôi sẽ kiên quyết sử dụng mọi con đường pháp lý để giải quyết và thách thức những cáo buộc này".

Đây không phải là lần đầu tiên nhà chức trách Ấn Độ ra tay với Vivo. Theo các tin từ các cơ quan truyền thông Ấn Độ như Hindustan TimesDeccan Herald, vào tháng 7 năm ngoái, Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ đã lục soát các văn phòng của Vivo và các công ty liên quan ở Ấn Độ vì nghi ngờ rửa tiền, cáo buộc chi nhánh Ấn Độ của Vivo đã chuyển "bất hợp pháp" về Trung Quốc 624,76 tỉ rupee (7,5 tỉ USD) để trốn nộp thuế ở Ấn Độ; sau đó Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho biết đã phong tỏa 119 tài khoản của Vivo Ấn Độ với tổng số 4,65 tỉ rupee. Đồng thời Ấn Độ tuyên bố đã phát hiện ra một đường dây rửa tiền lớn liên quan đến các công dân Trung Quốc và nhiều công ty Ấn Độ.

mot-vivo-store-o-an-do-1633.png
Một Vivo Store ở Ấn Độ (Ảnh: Sohu).

Trước đó, trong tháng 10, Cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ đã bắt giữ 4 nhân viên của chi nhánh Vivo tại Ấn Độ, trong đó có một công dân Trung Quốc. Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho rằng 4 người này bị tình nghi tham gia rửa tiền nhưng Vivo phủ nhận cáo buộc này. Vào ngày 7/12, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ đã gửi bản cáo buộc tới chi nhánh Vivo tại Ấn Độ về một vụ rửa tiền và Vivo bị coi là bị cáo chính trong vụ án.

Là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ có lượng người dùng tiềm năng rất lớn và tiềm năng tăng trưởng rất lớn về smartphone, đồng thời là “chiến trường” để các nhà sản xuất điện thoại di động lớn tranh giành triển khai sản phẩm của mình.

Tại thị trường điện thoại di động Ấn Độ, các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc chiếm tới một nửa thị phần. Số liệu của Counterpoint cho thấy trong quý 3 năm nay, các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc đã chiếm 4 trong số 5 nhãn hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại Ấn Độ, chiếm tổng cộng 57% thị phần. Vivo đứng thứ ba với thị phần 15,9%, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trở thành một trong những thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong top 5 thương hiệu.

Vivo tiến vào thị trường Ấn Độ từ năm 2014 và hiện có kênh bán hàng rất mạnh ở Ấn Độ. "Báo cáo ảnh hưởng đến Ấn Độ năm 2022" do trang web chính thức của Vivo Ấn Độ công bố cho thấy Vivo có hơn 650 cửa hàng chuyên doanh, hơn 650 trung tâm dịch vụ thuộc sở hữu hoàn toàn, 70.000 điểm bán lẻ và khoảng 10.000 công nhân Ấn Độ tại nhà máy sản xuất điện thoại đặt ở địa phương.

quang-cao-dien-thoai-trung-quoc-o-an-do-7239.jpg
4 trong số 5 nhãn hiệu smartphone hàng đầu ở Ấn Độ là các thương hiệu Trung Quốc
(Ảnh: Sina).

Ngay cả khi nhấn mạnh bản địa hóa kinh doanh, Vivo cuối cùng vẫn không thể tránh khỏi các cuộc điều tra có chủ đích của chính phủ Ấn Độ.

Đương nhiên, Vivo không phải là trường hợp duy nhất. Theo Wall Street Insights, bắt đầu từ năm 2021, nhiều nhà sản xuất điện thoại di động bao gồm Huawei, Xiaomi, Honor, Oppo, v.v. đã bị chính phủ Ấn Độ điều tra. Hàng trăm công ty Trung Quốc thuộc nhiều loại khác nhau phải chịu sự điều tra về thuế và quy chuẩn của Ấn Độ, đồng thời hơn 300 app của Trung Quốc đã bị cấm.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết, kể từ xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vào năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường giám sát các công ty và các dự án đầu tư của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm Huawei, Xiaomi, ZTE và OPPO đã bị các cơ quan liên quan của Ấn Độ điều tra và bị phạt thuế, tịch thu tài sản và phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Đối mặt với môi trường kinh doanh khó khăn, Triệu Minh Giám đốc điều hành hãng điện thoại Honor trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7/2022 tiết lộ rằng Honor đã rút khỏi Ấn Độ và sẽ áp dụng “cách tiếp cận rất an toàn” để tiến hành kinh doanh tại thị trường Ấn Độ trong tương lai.

Theo Sina, CFI