“Người ta cứ chê việc VFF cho các đội V.League chơi 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch khiến cho đội tuyển quốc gia không có tiền đạo giỏi. Nhưng không ai nói vì sao hàng hậu vệ đội tuyển lại thi đấu chắc chắn như vậy. Nếu như không cọ xát với các chân sút ngoại binh, liệu Quế Ngọc Hải và đồng đội có tiến bộ được như thế không?”, quan chức VFF bắt đầu câu chuyện.
Hai mặt của một vấn đề
Trong thời hội nhập, sân cỏ Việt không thể tách rời bóng đá khu vực và châu lục. Nên các quyết sách của VFF vừa phải tính toán cho phù hợp với tình hình đất nước, lại bám sát vào hướng đi, xu hướng quốc tế. Đâu chỉ bóng đá mà ngay trong lĩnh vực kinh tế, cũng khó thể phát triển nếu không hội nhập với quốc tế, khu vực. Khi đóng cửa đường biên, cấm nhập-xuất hàng hóa những ngày trong đại dịch Covid thời gian ngắn là mọi người đã cảm nhận được.
Không cần phải phân tích nhiều, người ta cũng biết bóng đá Việt sẽ đi đến đâu, nếu V.League không có (hoặc hạn chế) ngoại binh mà Thai-League và các giải bóng đá khu vực cho cầu thủ nước ngoài thi đấu.
VFF là cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,4% vốn điều lệ thì việc họ giữ 3 vị trí trong 7 ghế HĐQT có gì sai? Ảnh VFF
|
Không nói đâu xa, 5 năm nay giải hạng Nhất không cho ngoại binh thi đấu cũng đã xuất hiện hàng loạt bất cập. Các đội hạng Nhất tiết kiệm kinh phí và có thêm suất đá cho nội binh nhưng khi lên V.League, cũng trầy trật bắt nhịp. Nhìn các cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hụt hơi khi Bruno, Luiz Silva (Viettel) tăng tốc thì không ít khán giả bên bờ nam sông Lam lo lắng.
Ngay cả các đội V.League khi đá play-off không có ngoại binh cũng gặp quá nhiều khó khăn, nhịp đấu phải điều chỉnh. Bất cứ một quyết định như thế nào cũng có 2 mặt tốt-xấu và phải rất cân nhắc mới được sự ủng hộ và mới giúp bóng đá Việt phát triển.
Rồi chuyện có nên cho cầu thủ nhập tịch thi đấu cho đội tuyển quốc gia hay không cũng đang có nhiều ý kiến tranh cãi ngược xuôi. Khoan hãy nói chuyện về mặt chuyên môn, chỉ nội việc nhìn thấy thủ môn Phan Văn Santos, đứng trong đội hình tuyển Việt Nam say sưa hát quốc ca Brazil trong trận chúng ta đối đầu với đội Olimpic Brazil cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ.
VFF và ông Park hẳng không phải không biết khả năng ghi bàn của Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo, nhưng nếu không đứng vào vị trí của họ, bạn sẽ khó thể hiểu hết những âu lo.
." Khen cũng đúng và chê cũng không sai nhưng làm thế nào để bóng đá Việt phát triển đúng quỹ đạo là điều không phải ai cũng nói được” một quan chức VFF chia sẻ. Ảnh HNFC |
Góc nhìn pháp lý
Tự nhiên gần đây dấy lên dư luận “Hầu hết thành viên Hội đồng quản trị là người của VFF. Nếu nhìn lại sự ra đời của VPF từ nỗ lực của các ông bầu để mong muốn các giải đấu đi theo con đường chuyên nghiệp thì thời điểm này có thể nói VPF nhìn vào chẳng khác gì “đứa con” của VFF. Ví dụ Chủ tịch và Tổng giám đốc VPF do người của VFF nắm giữ, đó là bầu Tú”.
Nói về vấn đề này, quan chức VFF thận trọng trao đổi: “Có vẻ như người ta quên, ngoài góc nhìn sân cỏ thì VPF là công ty cổ phần, hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,4% vốn điều lệ; 14 câu lạc bộ tham dự Giải V-League đóng góp 54,6% vốn điều lệ và 10 câu lạc bộ bóng đá tham dự Giải hạng Nhất quốc gia đóng góp 10% vốn điều lệ thì việc VFF giữ 3 vị trí trong 7 ghế HĐQT có gì sai"?
Với 24 CLB bóng đá chuyên nghiệp còn lại, cổ đông nhiều nhất 3,9% cổ phần, có 3 cổ động chỉ giữ 1% cổ phần thì việc chia nhau 4 chiếc ghế còn lại là chả cần phải bàn cãi gì. Người ta lại “nã pháo” vào bầu Tú khi giữa chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF là…không nên.
Thực ra, đây là công việc nội bộ của đại hội cổ đông và HĐQT VPF, hơn ai hết họ sẽ hiểu ai sẽ thay mặt các cổ động điều hành công ty tốt nhất. Mọi việc đang diễn ra đúng luật, đồng thuận cao và bộ máy cũng đang khá trơn tru nên các CLB thấy chả có lý gì phải thay đổi và thay đổi cũng chưa thấy có gì đảm bảo là nó sẽ tốt hơn.
Đúng là hiện tại Việt Nam cũng chưa thấy nhiều công ty CP mà 1 cổ đông chỉ chiếm 3,9% cổ phần (hoặc 1% cổ phần) lại nắm quyền lãnh đạo, còn nhóm nắm giữ 35,4% vốn điều lệ… lại ngồi chơi, xơi nước. Trong bối cảnh bóng đá Việt hiện nay, bất cứ quan chức CLB nào nắm quyền điều hành VPF đều có chuyện. Đốt đuốc giữa ban ngày thì người ta cũng không thể tìm được quan chức cấp CLB đủ tầm ngồi ghế nóng.
Đốt đuốc giữa ban ngày thì người ta cũng không thể tìm được quan chức cấp CLB đủ tầm ngồi ghế nóng như bầu Thắng. Ảnh LAFC
|
Vài khuôn mặt được cho là sáng giá như bầu Kiên, bầu Vượng…đủ sức lãnh đạo cả VFF lẫn VPF thì dù đã nhiều lần được người có chức sắc thân chinh trân trọng mời chào nhưng đã lịch sự khước từ. Bài học “đau lòng” Long An và Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng trên sân Thống Nhất còn sờ sờ ra đấy, ông bầu tâm huyết với bóng đá đã rời sân cỏ khi biết “dao sắc không gọt được chuôi”.
Bóng đá Việt vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Đội ngũ quan chức VFF, VPF vẫn chưa đưa ra được một hình mẫu chuẩn kinh doanh doanh bóng đá, rồi công tác trọng tài, y tế, dinh dưỡng, thành lập hiệp hội cầu thủ… và cận cảnh nhất, làm sao thoát khỏi vòng xoáy đại dịch Covid-19. Nghĩa là rất cần những ý kiến đề VFF, VPF phát triển, nhưng trước khi góp ý cũng cần phải hiểu, thậm chí là phải hiểu sâu nội tình sân cỏ Việt.