Al-Qaeda hồi sinh giữa lúc IS, Taliban hoành hành

Khi nước Mỹ đang bận đối đầu với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phiến quân Taliban, nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda dường như đang tái xuất tại Afghanistan.
Thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ảnh: AP
Thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ảnh: AP

Các trại huấn luyện của tổ chức khủng bố al-Qaeda đang mọc lên ở Afghanistan buộc Lầu Năm Góc và cơ quan tình báo Mỹ phải đánh giá xem liệu chúng có thể trở thành nơi ươm mầm cho những vụ tấn công nhằm vào Mỹ trong tương lai hay không.

Quy mô của phần lớn các trại huấn luyện này không lớn như những đơn vị mà trùm khủng bố Osama bin Laden từng xây dựng trước vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, kể từ khi tái xuất vài năm trước, trại huấn luyện của al-Qaeda đứng đầu danh sách các mối nguy hiểm tiềm tàng trong báo cáo tình báo hàng ngày được trình lên Tổng thống Barack Obama.

Trỗi dậy

Hiện nay, theo các quan chức Mỹ, các trại này chỉ là một trong nhiều mối quan tâm của Washington và không phải cấp bách nhất trong danh sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của al-Qaeda dường như khiến quan chức Mỹ và Afghanistan bất ngờ. Mùa thu 2015, giới chức Mỹ hướng sự tập trung vào các thủ lĩnh cấp cao còn sống của al-Qaeda, hiện lẩn trốn tại vùng đồi núi hiểm trở ở biên giới Afghanistan và Pakistan.

Trước công chúng, chính quyền Mỹ ít đề cập tới thách thức mới hoặc chiến lược đối đầu mối đe dọa từ al-Qaeda trong khi vẫn vội vã hỗ trợ chính quyền Afghanistan đối phó các mối đe dọa cấp bách hơn. Chúng bao gồm các vụ tấn công bạo lực ngày càng tăng từ Taliban, mạng lưới Haqqani và một nhánh mới của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các quan chức Mỹ từng làm việc với chính quyền cũ của Afghanistan chia sẻ thẳng thắn hơn về mối lo ngại của họ, đặc biệt là những người ở tuyến đầu của trận chiến tiêu diệt cấp chỉ huy trung ương của al-Qaeda.

“Tôi lo ngại trước sự hồi sinh của al-Qaeda tại Afghanistan vì danh sách các mục tiêu của nhóm này sẽ bao gồm chúng ta”, Michael Morell, cựu Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói. Ông Morell là tác giả cuốn Cuộc chiến vĩ đại trong thời đại của chúng ta, đề cập tới nỗ lực của chính quyền Bush và Obama nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh nhóm khủng bố khét tiếng một thời.

“Đó cũng là lý do chúng ta cần lưu tâm tới sự nổi dậy của phiến quân Taliban. Bởi cũng giống như trước đây, Taliban sẽ cung cấp cho al-Qaeda nơi trú ẩn an toàn”, ông Morell nói.

Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Obama đưa ra một cách nhìn nhận khác. Theo ông này, al-Qaeda đẩy mạnh hoạt động là kết quả của chiến dịch quân sự ở Pakistan nhằm tạo điều kiện để phiến quân vào Afghanistan qua đường biên giới, thay vì tuyển tân binh bên trong lãnh thổ nước này.

Chưa thể xóa sổ hoàn toàn

Trong tháng 10/2015, biệt kích Mỹ và Afghanistan, được các cuộc không kích của Mỹ yểm trợ, đã tấn công một trại huấn luyện của al-Qaeda ở phía Nam. Các quan chức cho rằng, trại này là một trong những hang ổ lớn nhất của nhóm khủng bố từng được phát hiện. Cuộc tấn công diễn ra trong hai ngày đã đập tan hai khu vực huấn luyện rộng 78 km2 với những đường hầm và công sự phức tạp. 200 phiến quân đã bị tiêu diệt.

Các quan chức cấp cao Mỹ cũng thừa nhận sự tồn tại các trại hoặc căn cứ của al-Qaeda, gồm một cơ sở ở tỉnh Helmand. Dù vậy, họ không thể xác định con số chính xác, đặc biệt sau vụ tấn công hồi tháng 10.

Phát ngôn viên của quân đội Mỹ tại Afghanistan, Đại tá Michael T.Lawhorn, từ chối thảo luận về bất kỳ thông tin tình báo hiện tại của Washington về các trại huấn luyện của al-Qaeda.

Hai khu vực đào tạo phần tử khủng bố nằm trong khu dân cư thưa thớt của tỉnh Kandahar, dọc biên giới phía Nam giáp Pakistan. Một số cơ sở tồn tại ở đây trong suốt một năm rưỡi mà không bị các điệp viên hay máy bay do thám của Mỹ hoặc Afghanistan phát hiện.

Một dây thòng lọng được treo gần căn cứ cũ của al-Qaeda tại Afghanistan năm 2001. Ảnh:New York Times

Một dây thòng lọng được treo gần căn cứ cũ của al-Qaeda tại Afghanistan năm 2001. Ảnh:New York Times

Tướng John F. Campbell, chỉ huy cấp cao của Mỹ tại Afghanistan, thừa nhận, rất nhiều cơ sở của al-Qaeda được đặt tại khu vực xa xôi của tỉnh Kandahar. Ông Campbell khẳng định trước quốc hội Mỹ hồi tháng 10 rằng, lực lượng an ninh Afghanistan “cho tới nay vẫn chưa thể xóa sổ hoàn toàn al-Qaeda”.

“Al-Qaeda đã cố gắng tái thiết các mạng lưới hỗ trợ và khả năng lập kế hoạch với mưu đồ tấn công Mỹ và các lợi ích phương Tây thêm lần nữa”, tướng Campbell nói.

Tuy nhiên, theo chỉ huy cấp cao của Mỹ tại Afghanistan, sức ép từ Mỹ và đồng minh Afghanistan nhằm xóa sổ al-Qaeda buộc nhóm khủng bố “tập trung vào sự sống còn hơn là lên kế hoạch và tạo điều kiện cho các vụ tấn công trong tương lai”. Ông Campbell cũng nhấn mạnh, áp lực là cần thiết đối với al-Qaeda nhằm giành chỗ đứng mới.

Hoạt động âm ỉ với nhánh khủng bố mới

Việc tìm ra các trại huấn luyện lớn của al-Qaeda trong vụ tấn công hồi tháng 10/2015 làm dấy lên câu hỏi về khả năng quân sự Mỹ trong việc phát hiện và tiêu diệt thành trì chính của nhóm khủng bố. Sự kiện diễn ra hơn 14 năm sau khi Washington can thiệp quân sự Afghanistan, đẩy lùi tổ chức này khỏi quốc gia Nam Á và quật ngã nhóm phiến quân Taliban hỗ trợ chúng.

Tướng Campbell cho hay, vào thời điểm diễn ra vụ tấn công, các trại huấn luyện do một nhánh mới của al-Qaeda với tên gọi al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) điều hành. Lãnh đạo nhóm khủng bố, Ayman al-Zawahri, thông báo thành lập nhánh này từ tháng 9/2014, với mục đích chính là đối phó IS.

Theo Seth Jones, chuyên gia về Afghanistan tại tổ chức RAND Corp (Mỹ), các tay súng AQIS di chuyển từ Bắc Waziristan và Đông Afghanistan tới các tỉnh phía Nam gồm Helmand và Kandahar năm 2014, sau khi Pakistan bắt đầu chiến dịch quân sự trong khu vực. Kandahar và Helmand vốn không phải là nơi trú ẩn của tổ chức khủng bố.

Nhiều phần tử trong số các chiến binh nước ngoài đến từ Trung Á và những kẻ khác chưa xác định được nguồn gốc. Trước đây, một số kẻ kết thân với al-Qaeda nhưng nhiều báo cáo cho rằng, nhiều tay súng thề trung thành với IS.

Một quan chức tình báo Mỹ tìm cách giảm nhẹ mối họa từ AQIS. Họ gọi nhóm này là “mối đe dọa khu vực” đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công ở Pakistan và thiết lập sự hiện diện tại Nam Á. "Dù Afghanistan là nơi trú ẩn an toàn, nhóm khủng bố không tấn công các mục tiêu Afghanistan hoặc mục tiêu phương Tây tại quốc gia này", quan chức nói.

Thông tin về các trại huấn luyện mới của al-Qaeda xuất hiện trong bối cảnh an ninh bất ổn tại quốc gia Nam Á. Báo cáo hồi tuần trước của Lầu Năm Góc cho hay, nửa đầu năm 2015, an ninh chung tại Afghanistan suy yếu với các vụ tấn công có hiệu quả của quân nổi dậy. Số thương vong của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Afghanistan (ANDSF) cũng như phiến quân Taliban tăng cao.

Nhánh al-Qaeda tại Tiểu lục địa Ấn Độ từng âm mưu tấn công ngoài lãnh thổ Afghanistan. Nhóm cố cướp ít nhất một tàu khu trục của Hải quân Pakistan vào tháng 9/2014 và dùng nó để tấn công các tàu Hải quân Mỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra chống khủng bố ở phía Tây Bắc Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vụ việc thất bại sau cuộc đọ súng. Theo giới chức Pakistan và Mỹ, một thành viên Hải quân Pakistan là kẻ đứng sau sự kiện này.

Trong tháng 5, lãnh đạo của nhánh al-Qaeda tại Tiểu lục địa Ấn Độ đã tung video thừa nhận là kẻ giật dây cho một nhóm hung thủ chém Avijit Roy, một blogger người Mỹ gốc Bangladesh tại một hội chợ sách ở Dhaka, Bangladesh hôm 26/2.

Tuy nhiên, New York Times cho hay, chi nhánh mới của al-Qaeda đang hứng chịu một số tổn thất, gồm việc phó thủ lĩnh của chúng là Ahmed Farouq, cùng 5 thủ lĩnh tình nghi khác bị tiêu diệt trong cuộc không kích do Mỹ thực hiện hồi tháng 1/2015. Farouq là một chiến binh sinh ra tại Mỹ. Y từng được coi là “ngôi sao đang lên” trong giới thánh chiến suốt một thời gian dài.

Đề cập tới Haqqani có trụ sở tại Afghanistan, tướng Campbell cho hay, mạng lưới này vẫn là “nhân tố” quan trọng cho lực lượng al-Qaeda. Theo ông, AQIS và Haqqani cùng có mục tiêu chung là đẩy lùi cuộc tấn công của liên quân, lật đổ chính phủ Afghanistan và tái thiết lập nhà nước cực đoan.

Ngoài các nhánh của al-Qaeda, theo tướng Campbell, nhánh của IS tại Afghanistan đang nhanh chóng tuyển quân bằng “tư tưởng cực đoan, hiểm độc”.

“Trong khi nhiều phần tử thánh chiến vẫn coi al-Qaeda là nền tảng tinh thần cho thánh chiến toàn cầu, chúng cũng xem Daesh là lực lượng quyết định hành động”, ông nói và nhắc tới tên tiếng Arab của IS. Tướng Campbell dẫn so sánh của Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani: “Nếu al-Qaeda là Windows 1.0, thì Daesh là Windows 7.0”.

Theo Zing