AIIB - Viên ngọc trai đầu trong chuỗi “chiến lược phối hợp” của Trung Quốc (P2)

Với tính thực dụng của Trung Quốc, việc Trung Quốc thúc ép các nước gia nhập AIIB trước ngày 31/3 có thể là một cách để gia tăng áp lực lên các định chế tài chính quốc tế nhằm cải thiện vị trí của Trung Quốc.
AIIB - Viên ngọc trai đầu trong chuỗi “chiến lược phối hợp” của Trung Quốc (P2)

(Tiếp theo phần 1)

Tạo nên thế cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế hiện có. Chúng tôi vẫn theo đuổi quan điểm cho rằng AIIB là một định chế tồn tại song song với các định chế hiện thời như ADB, IBRD chứ không phải là một sự phủ định của Trung Quốc với trật tự Bretton Woods. Bởi lẽ, với nhu cầu vốn về cơ sở hạ tầng tại châu Á lên tới 800 tỷ USD/năm (theo báo cáo năm 2012 của ADB) thì khoản cho vay của ADB và AIIB vẫn là quá nhỏ, cung vẫn chưa đủ cầu. Nhưng nếu câu hỏi đặt ra là, liệu AIIB có tạo nên áp lực cạnh tranh với ADB không? Câu trả lời hiển nhiên là “Có” – 57 quốc gia đã gia nhập ngay từ đợt đầu cho thấy áp lực cạnh tranh là có thật. Do đó, trong tương lai gần, quan hệ giữa AIIB với ADB có thể là cạnh tranh về thị phần trên thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi AIIB lớn mạnh, sự canh tranh có thể trở thành cạnh tranh về độc chiếm một thị trường nào đó (Đông Nam Á, Nam Á hay Trung Á).

Tuy nhiên, với tính thực dụng của Trung Quốc, chúng tôi cho rằng, việc Trung Quốc thúc ép các nước gia nhập AIIB trước ngày 31/3 có thể là một cách để gia tăng áp lực lên các định chế tài chính quốc tế nhằm cải thiện vị trí của Trung Quốc trong các tổ chức này. Chúng ta đều biết hiện Trung Quốc có một vị trí bất tương xứng với quy mô GDP của nước này trong các định chế tài chính quốc tế như IMF, ADB.

 Tỷ lệ quyền bỏ phiếu của Trung Quốc trong IMF. Nguồn: IMF

Có thể thấy, Trung Quốc hiện chỉ chiếm tỉ lệ bỏ phiếu tại IMF ngang bằng với Nhật Bản dù rằng hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đã có quy mô bằng 2 lần kinh tế Nhật. Năm 2011, nỗ lực cải thiện vị trí của Trung Quốc trong quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights) tại IMF đã thất bại bởi Quốc hội Mỹ không thông qua điều này. Chính vì vậy, trong cuộc họp của IMF vào năm 2015 nhằm thảo luận về quyền bỏ phiếu của các quốc gia, Trung Quốc cần có một sức ép mạnh hơn.

Thắng lợi ngoại giao quan trọng của Trung Quốc trong việc kêu gọi được 57 nước gia nhập vào AIIB đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đối với Mỹ: Trung Quốc có thể tự mình thành lập các định chế tài chính quốc tế mới nếu không được đảm bảo về lợi ích tốt hơn trong các định chế cũ. Song song với thông điệp này, Chu Tiểu Xuyên – thống đốc PBoC – cũng đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh quá trình tự do hóa tài khoản vốn của nước này. 

Trong lĩnh vực an ninh và quan hệ quốc tế. Sự xuất hiện của AIIB cũng như hàng chục sáng kiến khác của Trung Quốc chỉ trong vòng 1 năm qua nhằm tạo ra sự liên kết về kinh tế giữa Trung Quốc với châu Á, còn đem lại cho Trung Quốc nhiều ích lợi về quan hệ quốc tế và an ninh. Trước hết, đây có thể coi là đợt “tấn công quyến rũ mới” của Trung Quốc với châu Á sau khi liên tục xuất hiện những căng thẳng về ngoại giao giữa quốc gia này với các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á. Việc Trung Quốc hành động ngày càng táo bạo trên Biển Đông khiến nhiều nước nghi ngờ về khẩu hiệu trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Với các đề xuất về AIIB hay “một hành lang một con đường”, Trung Quốc có thể xoa dịu các bất đồng, ổn định các xung đột với các nước láng giềng châu Á.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, quan trọng hơn cả, sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế và đi liền với ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ra khu vực còn giúp Trung Quốc thử nghiệm vai trò mới cho các chính sách ngoại giao của mình. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc trước nay luôn theo đuổi chính sách không can thiệp và không liên minh, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài có thể mở đường cho chính sách liên minh của Trung Quốc. Các cảng quan trọng như cảng Gwadar ở Pakistan hoàn toàn có thể mang tính chất một cảng lưỡng dụng (dân – quân sự) nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bênh cạnh đó, với việc đưa ra sáng kiến AIIB và “một vành đai một con đường”, Trung Quốc đang có điều kiện thuận lợi để xây dựng và điều chỉnh năng lực quản trị khu vực của mình, trước khi hướng tới vai trò của một cường quốc có kinh nghiệm quản trị toàn cầu. 

(còn tiếp)


(*) Bài viết có sử dụng kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM

Tác giả bài viết: TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Bizlive