"Người giáo viên phải làm gì trong bối cảnh AI đang “xâm nhập” ngày càng sâu vào môi trường giáo dục?"
Nội dung trên được làm rõ tại Diễn đàn Giáo dục với chủ đề “AI và tương lai của giáo dục – cơ hội nào cho Việt Nam?” được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam ngày 29/7 trong khuôn khổ chương trình "Thúc đẩy tiến Trình Chuyển đổi số Quốc gia".
Diễn đàn nhằm mục tiêu nâng cao năng lực số, nâng cao nhận thức đúng – đủ về chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh AI cho lãnh đạo giáo dục, quản lý nhà trường, giáo viên nòng cốt. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Truyền thông số Việt Nam; các nhà nghiên cứu, các diễn giả khách mời là các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo nhà trường, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia giải pháp công nghệ trong giáo dục, các đơn vị giải pháp công nghệ giáo dục, báo chí giáo dục, giáo viên và phụ huynh.
Tại sao bàn về thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số giáo dục lại bàn về AI
Theo Ban tổ chức Diễn đàn, trong 2 trụ cột lớn của Chuyển đổi số giáo dục, bao gồm chuyển đổi phương thức quản trị vận hành cơ sở giáo dục, và chuyển đổi phương thức dạy – học của giáo viên và học sinh thì điều hiện lên rõ rệt nhất, điều có tính quyết định, điều có tính thời gian – thời điểm; điều cần suy nghĩ và ra những quyết sách thật kịp thời – điều không thể chần chừ bỏ lỡ để thay đổi chất lượng giáo dục từ bên trong mỗi nhân tố liên quan, đó chính là nhận thức đầy đủ về tình hình thế giới trong bối cảnh AI và tìm kiếm những cơ hội chuyển đổi có tính chiến lược, vững chắc trong điều kiện nguồn lực có giới hạn, tại đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Các nội dung trao đổi tại Diễn đàn bàn về cơ hội hay thách thức từ AI mang lại cho giáo dục, tập trung vào 3 trụ cột quan trọng: Chính sách thế nào để đảm bảo an toàn, công bằng và khai thác được lợi thế?; Tâm thế của người thầy – người dẫn dắt toàn bộ tiến trình chuyển đổi này – sẽ thế nào? Và những “người chơi” khác, những nhà cung cấp giải pháp AI trong giáo dục đã chuẩn bị những gì, có thể giải quyết những vấn đề nào trong việc dạy và học hiện nay?
Đó là lý do vì sao bàn về Cơ hội do AI mang lại trong bối cảnh mới, ngoài những thảo luận về chủ trương, chính sách và cơ hội từ AI mang lại, diễn đàn dành nhiều thời gian để bàn về tâm thế của người thầy. Người thầy nào sẽ dẫn dắt học trò của mình đi ung dung trên con đường chuyển đổi? Ai sẽ là người thầy đó? Làm sao để trở thành người thầy đó? Lộ trình nào cho một người thầy “analog” – người thầy truyền thống để trở thành một người thầy “digital” – người thầy của hiện tại và tương lai?
Xu hướng AI chắc chắn sẽ tác động đến giáo dục
Nhiều ý kiến đồng tình, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng tác động đến cuộc sống con người, nhiều công việc trước đây cần con người tính toán sắp xếp phân tích và tổng hợp thông tin đều được tự động hóa bởi AI. Chắc chắn xu hướng này sẽ có tác động đến giáo dục.
Việc dạy học của giáo viên trước tiên sẽ bị thay đổi, bởi việc học của học sinh trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, việc phải ghi nhớ những thông tin số liệu ngày càng trở nên kém cần thiết, việc phải thành thạo giải nhanh những bài tập nặng về áp dụng công thức tính toán khô khan mà không gắn với thực tế và vấn đề cuộc sống cũng không còn nhiều ý nghĩa. Điều này cũng có nghĩa việc dành hàng giờ để học thuộc lòng các kiến thức giãi bày trước trước bài tập thông tin không còn là cách học đúng trong thời đại của AI.
Theo ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, những điều mà chúng ta cần phải ưu tiên giáo dục học sinh chắc chắn phải tập trung vào những việc mà AI không làm được. Đó là ưu tiên giáo dục, học sinh thực sự thành thạo những kỹ năng tương tác giữa con người, biết giao tiếp hiệu quả biết hợp tác trong một tập thể, biết nhận biết và giãi bày cảm xúc của mình, có mục đích và ý chí và sự kiên trì trong cuộc sống.
Ông Lê Đức Sảo phân tích, học sinh chắc chắn sẽ không thành thạo giải thích mạch lạc hay tính toán nhanh nhẹn các bài toán như AI, nhưng cần có một hiểu biết nền tảng về trí thức để phát hiện được các vấn đề trong cuộc sống, để có sự tò mò, biết đặt các câu hỏi cho mình và cho AI để giải quyết những vấn đề mình mong muốn. Và cuối cùng các em phải biết cách sống chung với AI, biết nó là gì biết dùng nó khi nào? AI có thể giúp các em làm được gì và không làm được gì và nhận thức rõ các vấn đề đạo đức liên quan đến AI.
Giáo viên sẽ không như một "thợ dạy" bởi AI làm thợ tốt hơn
Theo đó, công việc của giáo viên sẽ thay đổi như thế nào? giáo viên chắc chắn không thể như một thợ dạy được nữa vì AI sẽ làm thợ tốt hơn, chưa kể người thợ này cũng có thể luôn ở bên cạnh các em học sinh hướng dẫn và giải đáp bất kỳ điều gì các em muốn. Do đó công việc của giáo viên sẽ phải tập trung vào những điều mà AI không làm được, đó là tình cảm và sự quan tâm giữa thầy và trò, đó là sự lắng nghe động viên chia sẻ, đó là tấm gương cư xử trong cuộc sống.
Các diễn giả tại Diễn đàn cũng đồng tình, AI thực ra không làm lung lay vai trò của giáo viên, biến công việc của giáo viên trở nên không cần thiết, mà ngược lại công nghệ AI là cơ hội để đưa công việc của giáo viên trở về với đúng ý nghĩa của giáo dục. Giáo viên sẽ là người truyền cảm hứng khơi gợi trí tò mò, mong muốn tìm tòi và khám phá tri thức của học sinh. Giáo viên sẽ là nhà thiết kế trải nghiệm học tập giúp học sinh hình thành các kỹ năng, học cách vận dụng kiến thức và với cả sự trợ giúp của AI để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Cùng với đó, giáo viên sẽ như một huấn luyện viên đồng hành cùng các học sinh, biết cách tạo ra những mục tiêu để học sinh nỗ lực, biết lắng nghe động viên và chia sẻ để cho các em vượt qua chính mình và trở thành phiên bản tốt nhất dựa trên tài năng của các em.
Nửa thế kỷ trước Internet và điện thoại thông minh trở nên phổ biến, học sinh ngày nay đều được tiếp cận và được sử dụng trong nhà trường, giáo viên cũng ngày càng có những công cụ thông minh hơn cho công việc của mình. Do vậy AI cũng sẽ trở thành một công cụ giúp học sinh học tập và thầy cô trong việc dạy. Điều quan trọng là thầy cô sẵn sàng từ bỏ những cách cũ và trang bị cho mình những kỹ năng công nghệ để nắm bắt được những cơ hội mới này cho mình.
Nhiều tham luận từ các diễn giả được chia sẻ tại Diễn đàn với các chủ đề: Chủ trương, định hướng của chính phủ về Trí tuệ Nhân tạo (AI) tại Việt Nam; Tổng quan về AI trong giáo dục – Xu hướng và thành tựu thế giới; Tâm thế và năng lực của nhà giáo trong kỷ nguyên AI; Hệ thống học thích ứng sử dụng Trí Tuệ Nhân tạo (AI) tiên tiến giúp cá nhân hóa và nâng cao hiệu quả của việc dạy học; Cơ hội chuyển đổi giáo dục từ việc ứng dụng kịp thời và hiệu quả AI; Những thách thức phải đối mặt khi ứng dụng AI liên quan đến bình đẳng, quyền riêng tư và các vấn đề pháp lý khác; Cần chuẩn bị gì để lãnh đạo nhà trường, giáo viên và học sinh có thể sử dụng AI hiệu quả và an toàn; Các khuôn khổ và ứng dụng AI có thể cân nhắc tham khảo sử dụng tại Việt Nam; Lợi ích khi sử dụng AI vào việc dạy và học, điển hình tại các môn Toán – Tiếng Anh; Tiện ích khi sử dụng AI trong làm việc và hợp tác – kiến tạo không gian số trong cơ sở giáo dục…Với cách đặt vấn đề như vậy các diễn giả tại hội thảo đã đặt ra những bài toán cho giáo dục Việt Nam và đi tìm lời giải cho công cuộc đưa AI vào giáo dục.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu