TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng tới thời điểm này còn tranh cãi việc cho nhập hay không cho nhập đường là quá chậm trễ. Việc này lẽ ra phải thực hiện cách đây nhiều năm thì mới tạo sức ép, mới có đủ thời gian cho ngành mía đường trong nước thay đổi.
Cứu người trồng mía
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt vấn đề: “Bảo hộ bao lâu nay thì người nông dân trồng mía vẫn khổ, vẫn nghèo; người tiêu dùng vẫn thiệt. Vậy tại sao phải duy trì chính sách này? Tại sao họ chỉ chăm chăm tìm cách ngăn cản đường ngoại? Phải chăng đây là sự bắt tay nhau giữa hiệp hội và các nhà sản xuất mía đường để bảo vệ quyền lợi của họ?”. Với quan điểm như vậy, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng nên nhập đường và chắc chắn không có người trồng mía nào “chết”. “Cho nhập đường, tạo ra sự cạnh tranh chính là cứu người trồng mía. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là các nhà sản xuất đường trong nước phải nâng cấp mình lên, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu giống tốt, chia sẻ quyền lợi với nông dân để họ không bỏ cây mía. Trường hợp ngược lại nếu DN không cạnh tranh nổi thì sẽ có DN khác mua lại, đầu tư lại. Thậm chí ngay cả khi không xảy ra 2 trường hợp trên thì hãy để người trồng mía chuyển sang trồng cây khác. Trồng mía là cực nhất rồi”, ông Bùi Trinh thẳng thắn nêu quan điểm.
Chính sách bảo hộ là để hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) và cơ quan có thẩm quyền trong ngành mía đường có thời gian đầu tư kỹ thuật, đưa công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu giống tốt, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân... Để khi mở cửa, ngành mía đường trong nước sẽ đủ sức cạnh tranh với đường ngoại. Nhưng thay vì như vậy, các DN đường trong nước lại tận dụng tối đa chính sách bảo hộ để thu lợi cho mình.
Lợi nhuận vào “túi” DN đường
Đây là một thực tế không thể chối bỏ. Bao năm qua, trong khi người trồng mía nghèo hoàn nghèo, người tiêu dùng và các DN chế biến thực phẩm phải mua đường với giá cao thì các DN sản xuất đường vẫn lãi lớn. Báo cáo tài chính của 6 công ty mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, bất chấp khó khăn của khủng hoảng kinh tế, bất chấp những than phiền “đến hẹn lại lên” của ngành này, năm nào họ cũng thu vào hàng chục, thậm chí hơn 100 tỉ đồng lợi nhuận.
Cụ thể, thống kê lợi nhuận trước thuế 3 năm liên tục từ 2012 - 2014 của CTCP đường Biên Hòa là 62,58 tỉ đồng, 50,27 tỉ đồng và 102,7 tỉ đồng; CTCP mía đường Lam Sơn là 40,3 tỉ đồng; 52,17 tỉ đồng và 61,94 tỉ đồng. CTCP đường Ninh Hòa là 88,7 tỉ đồng; 115 tỉ đồng và 139 tỉ đồng... Tại một cuộc họp giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng đại diện các công ty đường năm 2012, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khi đó nói thẳng với các DN đường: “Các anh cứ than vãn, nhưng tôi biết năm 2009 trung bình mỗi công ty đường thu lãi khoảng 50 tỉ đồng”.
Năm 2009 VN mới có 38 công ty đường với sản lượng bình quân của mỗi nhà máy khoảng 25.000 tấn nên số lãi trung bình 50 tỉ đồng cho mỗi DN không phải là con số nhỏ. Liên tục các năm sau đó, năm nào DN đường cũng thắng lớn. Đây là lý do hiệp hội và các DN ngành này luôn tìm đủ mọi cách để bảo vệ chính sách bảo hộ. Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, còn bảo hộ thì ngành mía đường sẽ không bao giờ chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, hãy để đường của các nước nhập vào thị trường nội địa.
“Khi đường từ Thái Lan, từ Lào và các nước khác được nhập vào với giá thấp hơn, giá đường trong nước buộc phải hạ xuống. Để cạnh tranh, các DN đường hiện nay hoặc đầu tư công nghệ, giống, giảm chi phí để tồn tại. Hoặc phá sản. “Đó là giải pháp hiệu quả nhất, chứ kêu gọi suông sẽ không hiệu quả đâu”, TS Ngãi nói.
Am hiểu và gắn bó với người nông dân, GS Võ Tòng Xuân khẳng định, cho nhập khẩu đường ngay bây giờ là hướng đi đúng. Nếu không làm như thế, các DN mía đường trong nước sẽ tiếp tục ỷ lại vào chính sách bảo hộ và năng lực cạnh tranh sẽ là con số không. “Đường của Thái Lan chở tới biên giới nước ta chỉ 8.000 đồng/kg nhưng đường của VN từ nhà máy ra đã lên tới 12.400 đồng/kg. 1 tấn mía ở Thái Lan chỉ có 30 USD, của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào chỉ từ 25 - 30 USD/tấn nhưng ở VN từ 45 - 55 USD/tấn. Nếu ta tiếp tục bảo hộ thì sự yếu kém này tiếp tục duy trì. Vậy làm sao cạnh tranh được khi thực hiện cam kết mở cửa?”, GS Võ Tòng Xuân đặt vấn đề.
Bắt tay để hưởng lợi?
Đề nghị không nêu tên, một chuyên gia nông nghiệp nói, ông đã chứng kiến cảnh đường lậu tràn vào VN ở Tây Ninh, đã chứng kiến ở biên giới Lao Bảo cả những người phụ nữ cũng lao vào việc vận chuyển đường lậu vào thị trường nội địa để kiếm lời. Đây là hậu quả của việc chênh lệch giá đường giữa VN và các nước xung quanh. Vì vậy, phải nhanh chóng cho nhập đường để tạo thị trường cạnh tranh. Còn bảo hộ là còn bảo kê cho đường lậu, còn duy trì sự trì trệ. Chỉ có tự do hóa thương mại thì mới trượt tiêu được vấn nạn này.
“Có rất nhiều việc mà hiệp hội và các DN đường trong nước cần phải làm nhưng bao năm nay, tôi chỉ thấy họ tìm mọi cách đuổi đường ngoại. Nhưng đuổi sao nổi. Chúng ta đã ký các hiệp định song phương, đa phương... chúng ta phải thực hiện các cam kết với tự do hóa thương mại. Tôi cho rằng phải cho nhập nhiều hơn để đường trong nước giảm giá, có lợi cho người tiêu dùng, có lợi cho các DN chế biến, có lợi cho quốc gia”, vị chuyên gia trên phân tích.
Quyết liệt hơn, GS Võ Tòng Xuân cho rằng tư duy “nhập đường là DN nội chết” là tư duy lạc hậu và tư duy này sẽ không thể sống nổi trong thời buổi hội nhập hiện nay. “Nhập đường là một sự cảnh tỉnh với ngành mía đường trong nước để thay đổi tư duy. Đây đâu phải thời bao cấp mà đòi bảo hộ mãi. Phải cho nhập ngay”, ông nhấn mạnh.
Tự đứng dậy thì sẽ biết đi
TS Nguyễn Viết Ngãi phân tích: “Một đứa trẻ nếu cứ bế ẵm hoài sẽ chậm, thậm chí không biết đi. Hãy thả nó ra, nó có thể ngã nhưng sẽ tự đứng dậy và sẽ biết đi. Hãy xóa dần chính sách bảo hộ với mía đường. Hiệp hội Mía đường VN luôn đặt vấn đề vì người trồng mía nhưng bảo hộ bao lâu nay thì họ vẫn nghèo, vẫn khổ đấy thôi”. TS Ngãi nhận xét nếu không đủ năng lực cạnh tranh thì hãy để người khác làm, nông dân trồng mía không hiệu quả thì chuyển sang trồng cây khác chứ không thể hy sinh quyền lợi của người tiêu dùng mãi được. “Tôi nói thật, giảm giá đường sẽ khiến toàn thể nông dân có lợi chứ không ai chết đâu”, TS Ngãi nói.
Cùng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Tiếp tục bảo hộ là tiếp tục quên lãng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo con người và ngành mía đường của ta tiếp tục thua các nước bên cạnh”.Theo Thanh Niên