Ai đang trả cổ tức cao ?

Tình hình trả cổ tức năm 2014 của các công ty cho thấy sự phân hóa ngành trong vấn đề trả cổ tức không cao. Yếu tố quyết định mức cổ tức dành cho cổ đông là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và chiến lược sử dụng vốn. 
Vận tải là ngành có mức trả cổ tức khá cao, trung bình là 19%
Vận tải là ngành có mức trả cổ tức khá cao, trung bình là 19%

Xu hướng chung khiến doanh nghiệp thanh toán cổ tức một cách hào phóng là nhờ các khoản nợ ngắn hạn ở mức an toàn, lợi nhuận lớn so với quy mô vốn của doanh nghiệp.

Trước thềm họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, trong số gần 1.000 công ty đang niêm yết tại hai sở giao dịch hay có cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCom, mới chỉ có hơn 200 công ty đã trả cổ tức 2014 cho các cổ đông.

Ngành vận tải có các doanh nghiệp trả cổ tức khá cao. Trong 21 doanh nghiệp vận tải được nghiên cứu, tỷ lệ trả cổ tức trung bình là 19%. Tuy nhiên, chênh lệch về mức cổ tức giữa các doanh nghiệp ngành vận tải không nhỏ. Qua các đợt thanh toán cổ tức năm 2014, Công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 80% vốn điều lệ. CTCP Đại lý vận tải SAFI (HOSE: SFI) trả bằng tiền mặt qua nhiều đợt, tổng cộng là 50% vốn điều lệ.  Ngược lại, cổ tức của một số công ty vận tải xăng dầu lại rất thấp, chỉ ở mức một con số. CTCP Vận tải Xăng dầu đường thủy (HOSE: PJT) chỉ mới tạm ứng cổ tức bằng tiền 4% vốn điều lệ. CTCP Vận tải Xăng dầu VITACO (HOSE: VTO) chỉ mới tạm ứng 3%.

Nguyên nhân của sự chênh lệch ở trên là do cơ cấu nợ và vốn chủ sở hữu. Một số công ty có nhiều khoản nợ ngắn hạn ở mức cao trong khi tỷ trọng lợi nhuận gộp trong vốn chủ sở hữu ở mức thấp. VITACO hiện đang có một khoản nợ ngân hàng đến hạn phải trả lên tới 276 tỉ đồng nhưng lợi nhuận gộp của công ty chỉ ở mức 28,8 tỉ đồng (tương đương 3,6% vốn điều lệ). Tương tự, nợ ngắn hạn của PJT là 53 tỉ đồng, trong đó 21,5 tỉ đồng là nợ ngân hàng tới hạn trả nhưng lợi nhuận gộp chỉ có 11 tỉ đồng, một mức rất thấp so với vốn điều lệ.

Ngược lại, ở những công ty trả cổ tức cao như Đại lý vận tải SAFI, lợi nhuận gộp là 95,2 tỉ đồng, tương đương 92% vốn điều lệ. Ngoài khoản mục cước và các khoản thu hộ khác chiếm tới 152 tỉ đồng, cơ cấu nợ của SAFI khá ổn định. Công ty không có nợ ngân hàng tới hạn trả, các khoản phải trả cũng ở mức an toàn. Hay như CTCP Dịch vụ hàng không sân say Đà Nẵng, lợi nhuận gộp trong báo cáo kiểm toán 2014 là 24 tỉ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ.

Giống ngành vận tải, các doanh nghiệp thủy sản cũng có các mức trả cổ tức không đồng đều. Trong khi mặt bằng trả cổ tức bằng tiền mặt của đa số các công ty thủy sản đang niêm yết ở mức khiêm tốn từ 5-10% vốn điều lệ, Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) thanh toán cổ tức 2014 qua bốn đợt, trị giá lên tới 60% vốn điều lệ. Thủy sản Bến Tre là một trong số ít các doanh nghiệp niêm yết thực hiện thanh toán cổ tức hàng năm khá đều đặn và cao cho cổ đông. Theo báo cáo thường niên mới công bố, Thủy sản Bến Tre không có dự án đầu tư mới hay khoản đầu tư lớn nào trước mắt. Cùng với giá trị thặng dư vốn cổ phần khá dồi dào (287,7 tỉ đồng, gấp đôi vốn điều lệ), đây là nguyên nhân dễ hiểu vì sao công ty thực hiện thanh toán cổ tức đều đặn như vậy.

Trước quyết định hủy niêm yết cổ phiếu MPC trên sàn HOSE vào ngày 31-3-2015, nội bộ cổ đông của Thủy sản Minh Phú năm vừa qua xảy ra khá nhiều mâu thuẫn trong đó có cả bất đồng về cổ tức. Trước sức ép mạnh mẽ của các cổ đông nhỏ lẻ, hội đồng quản trị của Minh Phú đã phải trả cổ tức đợt 1-2014 lên tới 50% vốn điều lệ. Mới đây, lãnh đạo công ty cũng thông qua nội dung họp đại hội đồng cổ đông và quyết định trả cổ tức 2014 lần 2 là 50%. Kết thúc 2014, nợ ngân hàng tới hạn trả của Thủy sản Minh Phú là gần 6.000 tỉ đồng; Trị giá hàng tồn kho lên tới 4.500 tỉ đồng. Với việc hủy niêm yết, công ty sẽ đối diện với nguy cơ thiếu thanh khoản do mất đi một kênh huy động vốn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau hợp nhất cho cổ đông của công ty mẹ 2014 là 755 tỉ đồng, bằng 280% lợi nhuận năm 2013. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, lãnh đạo của Minh Phú không còn xem thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn hiệu quả đối với công ty. Sau khi hủy niêm yết, công ty sẽ tiến hành phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng và 2.500 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Nhiều khả năng, những cổ phiếu phát hành thêm sẽ dành cho cổ đông chiến lược tiềm năng của công ty.

Cùng ngành cao su, nhưng cổ tức 2014 cho cổ đông của Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR), Cao su Sao Vàng (HOSE:SRC), Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) lại khả quan hơn rất nhiều so với các công ty cao su còn lại (cổ tức thấp hoặc chưa có kế hoạch thanh toán). Với khoản lợi nhuận gộp 709 tỉ đồng, gấp rưỡi vốn điều lệ (430 tỉ đồng) và các khoản phải trả ngắn hạn ở mức thấp, Cao su Đồng Phú đã trả cổ tức cho cổ đông lên tới 30% vốn điều lệ qua hai đợt (mỗi đợt 15%). Cao su Sao Vàng trả 25% vốn điều lệ (15% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu). Cao su Phước Hòa trả 20%.

Ngoại trừ CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (HOSE: DMC) và CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) mới thanh toán cổ tức đợt 1 lần lượt là 8% và 10% vốn điều lệ, mặt bằng thanh toán cổ tức năm 2014 của các công ty ngành dược - y tế khá cao, từ 20-40% vốn điều lệ. Sau khi hủy niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM nhằm thay đổi cơ cấu kinh doanh, CTCP Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR vẫn tiếp tục kết quả kinh doanh khả quan. Năm 2014, sau khi trích hơn 100 tỉ đồng từ lợi nhuận gộp vào quỹ đầu tư phát triển, công ty tiếp tục phân phối nốt lợi nhuận để trả cổ tức năm 2014 lên tới 40% vốn điều lệ.

Tỷ lệ trả cổ tức của các công ty mía đường năm 2014 không cao, tính trên trung bình chỉ 7% vốn điều lệ. Đường Biên Hòa (HOSE: BHS), Đường Lam Sơn (HOSE: LSS), Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS), Đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT), Đường Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC) đều mới chỉ tạm ứng cổ tức 2014 bằng tiền là 5% cho cổ đông. Duy nhất có Đường Sơn La (HNX: SLS) tạm ứng đợt 1 cổ tức 2014 lên tới 20% bằng tiền mặt trong quí 4-2014. Năm 2013 nhờ lãi cao, cổ tức của Đường Sơn La cũng được trả là 35% vốn điều lệ, mức khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Lợi nhuận sau thuế 2014 của Đường Sơn La sụt giảm do giá đường đi xuống nhưng công ty vẫn trả cổ tức hậu hĩnh do các dây chuyền đầu tư mới đều đã hoàn thiện, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn ở mức khá cao so với vốn điều lệ (59/68 tỉ đồng) và các khoản nợ ngắn hạn đều nằm trong khả năng thanh toán.

Các công ty niêm yết ngành xuất bản và thiết bị giáo dục cũng có tỷ lệ cổ tức thanh toán bình quân khá thấp, từ 8-16%. Nguyên nhân là do đặc thù các công ty ngành xuất bản, giáo dục có quy mô ở mức nhỏ. Vốn điều lệ của đa số các công ty thấp hơn 30 tỉ đồng.  Bên cạnh đó, phần lớn cổ phần của các công ty do Nhà nước nắm giữ qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên việc sử dụng các nguồn tiền và vốn cũng gặp nhiều bị động.

Theo TBKRSG