ACV trích lập dự phòng phải thu khó đòi với loạt công ty hàng không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu không nhờ doanh thu tài chính, ACV có khả năng báo lỗ năm 2021 khi kinh doanh dưới giá vốn, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
ACV trích lập dự phòng nửa nghìn tỉ đồng phải thu khó đòi với loạt công ty hàng không
ACV trích lập dự phòng nửa nghìn tỉ đồng phải thu khó đòi với loạt công ty hàng không

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (Mã CK: ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 960,1 tỉ đồng, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu dịch vụ hạ cất cánh đạt 277,9 tỉ đồng. Các nguồn thu trọng yếu khác như doanh thu phục vụ hành khách (PSC); doanh thu dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý; doanh thu cho thuê mặt bằng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Với giá vốn hàng bán lên tới 1.022,6 tỉ đồng, ACV báo lỗ gộp quý thứ hai liên tiếp trong năm 2021.

Luỹ kế cả năm 2021, ACV ghi nhận doanh thu thuần năm 2021 ở mức 4.758,4 tỉ đồng, giảm 38,7% so với năm trước. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng ghi nhận khoản lỗ gộp 685,7 tỉ đồng, trong khi năm 2020 lãi gộp 1.389,4 tỉ đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV tăng gần gấp đôi năm 2020, lên tới 1.316,1 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp này tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với giá trị lên tới 545,4 tỉ đồng (riêng quý 4/2021 đạt 349 tỉ đồng). Bên cạnh đó, ACV cũng ghi nhận khoản chi phí 200,3 tỉ đồng liên quan đến việc ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, tính đến ngày 31/12/2021, số dư các khoản nợ xấu (là tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi) của ACV lên tới 2.110,6 tỉ đồng, tăng 16,8 lần so với đầu năm.

Đồng thời, ACV cũng trích lập dự phòng 604,3 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với đầu năm, đối với các khoản nợ xấu này, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu phát sinh với các hãng hàng không trong nước như: Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines.

Trong khi hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, hoạt động tài chính của ACV đem về tới 3.250,2 tỉ đồng doanh thu, tăng 45% so với năm 2020. Trong đó, chủ yếu là lãi tiền gửi (1.742,3 tỉ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ (1.408,1 tỉ đồng).

Như VietTimes từng đề cập, ‘núi tiền’ mà ACV tích luỹ từ nhiều năm hoạt động kinh doanh có hiệu quả trước đó đã đem lại cho doanh nghiệp này những khoản tiền lãi đáng nể. Tại thời điểm cuối năm ngoái, ACV có tới 32.717 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn, chiếm 59,6% tổng tài sản./.