8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ ký cam kết xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hôm nay (24/5), Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và UBND 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, cùng các Hội, Hiệp hội đã ký cam kết hành động xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số”
Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số”

Hôm nay (24/5), Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban Tổ chức 248) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá-Thể thao và du lịch (VH-TT&DL), Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ (gồm: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận và Ninh Thuận).

Văn hóa doanh nghiệp là hình ảnh quốc gia

Hội nghị nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1925/VPCP-KGVX ngày 23/3/2021 về việc giao Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, với các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, cộng đồng; là cách giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc, toàn diện.

vt_van hoa 3.png
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại hội nghị

Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

“Sau hơn 6 năm triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban tổ chức đã tiến hành các hội nghị triển khai Cuộc vận động rộng rãi trên toàn quốc, góp phần lan tỏa thông điệp về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh đến đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho hay.

vt_van hoa 1.png
Quang cảnh hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Cuộc vận động. Đặc biệt, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

“Bộ Tiêu chí thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ với sự đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành; các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông với 2 phần, 5 điều kiện bắt buộc, 18 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường, là căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” hàng năm”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết thêm.

Bộ tiêu chí chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh

Theo ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức 248, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng Bộ tiêu chí đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

vt_van hoa 2.png
Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội nghị

Trong thời gian qua, Ban Tổ chức 248 đã triển khai phổ biến Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam tại khu vực Tây Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Bắc. Lần này, TP HCM được lựa chọn là địa phương tổ chức hội nghị triển khai Bộ tiêu chí và Quy chế xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ. Đây cũng là là cơ sở xét chọn và vinh danh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam tại Diễn đàn quốc gia “Văn hoá với doanh nghiệp” lần 3 – năm 2023 vào ngày 20/11/2023.

VT_ký kết.jpg
8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và một số Hội, Hiệp hội đã ký kết với Ban Tổ chức 248 về phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND 8 tỉnh, TP, cùng một số Hội, Hiệp hội trong khu vực Đông Nam Bộ và Ban Tổ chức 248 đã ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số

Cũng tại hội nghị này còn diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số” với sự tham gia của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số ở Việt Nam.

Đại diện các đơn vị đều nhấn mạnh việc coi trọng chuyển đổi số để phát triển đơn vị bằng văn hóa kinh doanh, như bộ giải pháp văn phòng số; xây dựng môi trường làm việc loại bỏ mọi giấy tờ, quy trình thủ công, giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, kiến tạo văn hóa làm việc số, từ đó gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhờ chuyển đổi số, các đơn vị kết nối chặt chẽ các nghiệp vụ bên trong và linh hoạt với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp; coi trọng công nghệ số, làm việc mọi lúc mọi nơi, tăng năng suất, tối ưu chi phí; công cụ quản lý điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả; kết nối với các ứng dụng khác giúp hội tụ dữ liệu.

Chuyển đổi số giúp các đơn vị giao việc, cập nhật tiến độ công việc; ký tài liệu tiện lợi, nhanh chóng ở bất kỳ đâu, loại bỏ chi phí in ấn, chuyển phát và thời gian chờ đợi; tự động hóa quy trình làm việc phối hợp liên phòng ban.

Việc chuyển đổi số giúp các đơn vị xây dựng và kiểm soát tốt quy tắc ứng xử, giúp cán bộ, nhân viên rèn luyện thói quen, văn hóa tốt; xây dựng môi trường làm việc học hỏi, sáng tạo, chủ động, chân thành và hành động có trách nhiệm theo một khối thống nhất để thực hiện tốt sứ mệnh phụng sự xã hội.