Dưới đây là những dấu ấn nổi bật của thị trường tài chính trong năm 2024 do Tạp chí VietTimes bình chọn.
Cởi nút thắt "Pre-funding"
Thông tư 68/2024, ban hành ngày 18/9 đã có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (Non Pre-funding).
Theo quy định trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch. Đây được xem là nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Trên thế giới, hiện còn rất ít thị trường sử dụng cơ chế ký quỹ trước khi giao dịch. Thay vào đó, họ sử dụng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro.
Thông tư 68 nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của các thành viên thị trường, nhất là các tổ chức quốc tế và tổ chức xếp hạng thị trường khi chính thức tháo gỡ nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi thứ cấp của FTSE Russell.
Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi
Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Luật được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.
Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Hủy bỏ đợt chào bán.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục tích cực
Sau giai đoạn khủng hoảng 2022-2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 phục hồi tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tính đến ngày 25/12, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 455 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, tổng giá trị quy mô phát hành trái phiếu ra công chúng là 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Những con số này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với thị trường tài chính đang dần được khôi phục.
Cùng với đó, thị trường ghi nhận sự cải thiện về chất khi có thêm nhiều tổ chức phát hành mới, đa dạng lĩnh vực hoạt động và đặc biệt xuất hiện sản phẩm trái phiếu xanh.
Dự báo năm 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ các sửa đổi trong Luật Chứng khoán mới tăng cường tính minh bạch và cải thiện dần chất lượng trái phiếu và hoạt động phát hành ra thị trường.
Làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán
Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của các công ty chứng khoán để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn, bổ sung vốn cho các hoạt động của công ty, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng tăng trưởng mới khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ được nâng hạng.
Năm 2024, các công ty chứng khoán đua phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, trong đó nổi bật là SSI, VCI, VIX, VND,LPBS... Thống kê trong năm nay, khoảng 22 đơn vị phát hành tăng vốn. Với gần 2,5 tỷ chứng khoán được chào bán, phát hành, các công ty chứng khoán đã huy động thêm gần 25.000 tỷ đồng để củng cố tiềm lực vốn cho kinh doanh.
Chuyển giao thành công 2 ngân hàng "0 đồng"
Sau một thập kỷ, hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có bước tiến mới. Tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn tất chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CBBank) cho Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng Quân Đội (MB).
Sau chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank là các ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Hơn 2 tháng sau chuyển giao, các ngân hàng "0 đồng" đã có nhiều chuyển biến tích cực. OceanBank đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV), nhanh chóng có "quả ngọt". Chỉ từ ngày 17/10 – 13/12, tăng trưởng huy động vốn của MBV đạt 1.229 tỷ đồng, tín dụng tăng thêm 555 tỷ đồng.
Đồng thời, MB và MBV đã triển khai các khoản bán nợ với quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Bộ máy nhân sự cũng được kiện toàn với sự tham gia của 80 nhân sự chất lượng cao do MB trực tiếp lựa chọn.
Còn CBBank kể từ khi về với Vietcombank cũng tập trung tái cơ cấu toàn diện. Ngân hàng đã 2 lần tăng mạnh lãi suất huy động để hút vốn.
NHNN cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện phương án chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém còn lại là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).
Theo Nghị quyết số 233/NQ-CP, NHNN sẽ phải trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12/2024. Đồng thời, sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tin tặc tấn công hệ thống của VNDIRECT
Từ 10h sáng 24/3, toàn bộ hệ thống của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến gián đoạn dịch vụ trên các nền tảng giao dịch của đơn vị từ ngày 25/3.
Sau đó, các công ty thành viên và liên quan của VNDIRECT cũng ghi nhận tình trạng tương tự, gồm: Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) và Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM).
Hai Sở giao dịch HOSE và HNX đã ngắt kết nối giao dịch từ xa và trực tuyến với VNDIRECT từ ngày 25/03. Đến sáng 01/04, hai Sở cùng có thông báo cho phép kết nối giao dịch trở lại đối với VNDIRECT.
Chủ tịch VNDIRECT Phạm Minh Hương thừa nhận: "Chúng tôi thiệt hại thật sự rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín. Nhưng nó không lãng phí, vì chúng tôi đã học ra được rất nhiều bài học quý báu trong quá trình này".
VNDIRECT đã đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ nhà đầu tư sau sự cố như: miễn phí giao dịch chứng khoán trong tháng 4, miễn toàn bộ lãi margin, miễn lãi nợ thấu chi quản lý vị thế qua đêm phái sinh trong thời điểm gặp sự cố...
Các cuộc tấn công bất ngờ của tin tặc là hồi chuông cảnh báo các công ty chứng khoán, các tổ chức tài chính cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh các hoạt động, dịch vụ đã được số hóa mức độ cao.
IPO thấp kỷ lục
Năm 2024, số doanh nghiệp lên sàn thấp kỷ lục. Thống kê cho thấy thị trường có 2 doanh nghiệp chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã cổ phiếu PTX, CAR) và 8 doanh nghiệp lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (mã cổ phiếu RYG, DSE, MCM, HNA, QNP, TCI, NAB, VTP). Như vậy, chỉ có vỏn vẹn 10 doanh nghiệp niêm yết mới.
Con số này đặt trong bối cảnh Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để quảng bá uy tín, thương hiệu và tiếp cận kênh huy động vốn này đang quá nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.
Xét xử nhiều đại án trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán
Năm 2024 chứng kiến loạt đại án được đưa ra xét xử, trong đó có 3 đại án lớn trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán là vụ án Vạn Thịnh Phát, vụ án FLC và vụ án Tân Hoàng Minh.
Đại án rúng động nhất là Vạn Thịnh Phát khi bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xác định gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng. Bà Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn, lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo… để rút tiền SCB. Với hành vi gây ra, bà Lan bị tòa 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt tử hình.
Với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, chủ mưu là ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. TAND TP Hà Nội đánh giá ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, hưởng lợi phần lớn số tiền gây thiệt hại 4.300 tỷ đồng nên phải chịu mức án nặng nhất trong 50 bị cáo - 21 năm tù.
Tại vụ án Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh được xác định là chủ mưu trong việc phát hành trái phiếu, huy động, chiếm đoạt của trên 6.600 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng và sử dụng vốn không đúng mục đích. Ông Đỗ Anh Dũng bị tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù, về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó được tòa phúc thẩm giảm 1 năm tù.