Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Cơ hội hợp tác đầu tư thiết bị máy móc công nghiệp và chính sách xuất nhập khẩu tại Việt Nam”.
Cụ thể, thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp với hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩuthuộc thế hệ những năm 60-70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao.
“Vì vậy mà bên cạnh một số lĩnh vực đã đổi mới và phát triển bứt phá như doanh nghiệp ngành sữa, chế biến thực phẩm, nhựa, gỗ ép…thì nhiều dự án của Việt Nam không thể tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn để xuất khẩu. Chúng ta chỉ là nhà gia công, hoặc chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu với giá trị thấp mà không thể sản xuất sản phẩm thu về giá trị gia tăng cao”, bà Trịnh Thị Bích Ngọc, Vụ Chính sách, Bộ Tài chính cho hay.
Theo ông Trịnh Đình Đề, chuyên gia tự động hóa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng công nghệ, thiết bị góp phần quan trọng để doanh nghiệp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh mở rộng thị trường. Tuy nhiên hiện còn rất nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, thậm chí gây tốn nhiên liệu sản xuất.
Hiện máy móc, thiết bị công nghiệp của Việt Nam chủ yếu là nguồn nhập khẩu. Số liệu nhập khẩu mặt hàng này những năm qua liên tục tăng cho thấy nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đã cải thiện. “Tuy nhiên, khảo sát từ chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP cho thấy tỷ lệ giá trị nhập khẩu công nghệ, thiết bị của Việt Nam mỗi năm chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong khi đó ở các nước phát triển tỷ lệ này là 40%”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Theo bà Ngọc, Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn trong xuất khẩu, mở rộng được thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do giữa các nước, hiệp định TPP, EU…
“Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản trong xuất khẩu đó là nhờ đổi mới công nghệ. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn cạnh tranh trên sân chơi thương mại tự do toàn cầu cần đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị nhiều hơn nữa. Miếng bánh kinh tế màu mỡ có rất nhiều người muốn được chia phần, doanh nghiệp Việt cũng không thể bỏ lỡ”, bà Ngọc khuyến nghị.
Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt chính sách thuế có nhiều ưu đãi đối với việc đổi mới công nghệ. Trong đó thuế nhập khẩu các máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được chủ yếu ở mức 0%.
Theo Vinanet