Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, tiền vay có nguồn gốc là Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc nên việc chấp nhận sẽ đi kèm nhiều hệ quả.
Ông Lê Đăng Doanh cho biết số tiền 300 triệu USD (khoảng gần 7.000 tỷ đồng) mà Trung Quốc cho Việt Nam vay được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là, ông Doanh phân tích, điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.
“Trung Quốc hiện nay đang thừa quá nhiều thép và xi măng. Năng suất hằng năm của Trung Quốc đối với mặt hàng thép là 1.200 triệu tấn, Trung Quốc chỉ dùng 600 triệu tấn, số dư còn lại đang tìm cách đẩy sang liên minh châu Âu, sang Mỹ cũng như các nước khác... và đang bị các nước chống đối kịch liệt. Cho nên, bây giờ Trung Quốc dùng miếng “mồi” 300 triệu USD này. Nếu Việt Nam nhận lời vay vốn thì Việt Nam phải nhập toàn bộ thép, xi măng, thiết kế thi công, công nhân lẫn giá, sát của Trung Quốc,” ông Lê Đăng Doanh cho hay.
Ông Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng đòn bẫy của Trung Quốc còn ở chỗ ban đầu họ đưa ra thiết kế rất thấp tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giá cứ bị “đẩy lên”, dần dần giá chào rẻ ban đầu sẽ trở nên “rất đắt”. “Dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông là bài học nhãn tiền”, ông Doanh nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Doanh, cần xem xét thận trọng và hoàn toàn không nên là chấp nhận những điều kiện hết sức áp đặt của Trung Quốc gây nên nhiều bất lợi đối với Việt Nam.
Dẫn ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải khi cho rằng ngoài Trung Quốc thì chưa có đối tác nào muốn đầu tư vào dự án, ông Doanh cho rằng Việt nam có thể hỏi thêm Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Mặc dù ngân hàng AIIB cũng là của Trung Quốc, tuy nhiên, ông Doanh cho rằng nó vẫn “đỡ hơn” vì có những yếu tố quốc tế ràng buộc chứ không như Quỹ hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc.
“Việt Nam không nên ham số vốn này, nó chính là bẫy, là mồi nhử để Việt Nam mắc câu, rất dễ dẫn đến tình trạng há miệng mắc quai, quẫy đạp mãi không thoát được như ví dụ nhãn tiền của tuyến đường Cát Linh – Hà Đông”, ông Doanh kết luận.
Theo Trí Thức trẻ