7 phát minh thay đổi thế giới nảy sinh từ những giấc mơ

VietTimes -- Giấc mơ có thể là một hiện tượng bình thường với nhiều người nhưng những giấc mơ đôi khi không chỉ gợi lại những hồi ức, vẽ nên một thế giới khác mà còn mang đến những ý tưởng độc đáo cho tương lai. Một số thiên tài khoa học đã phát minh ra những thứ vĩ đại từ trong giấc mơ của chính mình.

1. Máy may tự động

Kỹ sư người Mỹ thế kỷ 19, Elias Howe, đã nảy ra ý tưởng về chiếc máy may tự động đầu tiên trên thế giới từ một giấc mơ. Lúc đầu, ông đã cố gắng thiết kế một máy may sử dụng kim khâu nhưng không thành công. Không biết tại sao lại thất bại, ông chợp mắt và ông mơ thấy bị tấn công bởi những người đàn ông bộ lạc bằng cây giáo. Ông nhận thấy mỗi cây giáo đều có lỗ hình ở đầu. Tỉnh dậy, ông đã lập tức đặt cái lỗ ở giữa kim khâu tự động.

Ông đã xin cấp bằng sáng chế thiết kế cho máy may khâu vào ngày 10/9/1846, hai năm sau giấc mơ. Thiết kế cho phép sản xuất quần áo với số lượng hàng loạt và giảm chi phí.

2. Vòng benzen

Friedrich August Kekule - một nhà hóa học người Đức đã khám ra vòng Benzen. Nó là một cấu trúc hóa học được sử dụng trong việc bảo quản xăng và rất quan trọng đối với ngành công nghiệp hóa dầu.

Friedrich đã viết một cuốn sách giáo khoa hóa học nhưng mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Sau đó, ông mơ thấy các nguyên tử biến thành một khuôn hình uốn lượn như con rắn. Con rắn sau đó tự cắn lấy 'đuôi' và xoay quanh. Khi tỉnh dậy, ông viết xuống lý thuyết của mình về cấu trúc của Benzen với 6 nguyên tử cacbon liên kết tạo thành một vòng lục giác. Ngày nay, mặc dù Benzen bị tránh sử dụng trong nhiều trường hợp vì có thể gây ung thư nhưng phát minh này đã mở màn cho việc phát hiện những cấu trúc tương tự trong hóa học.

3. Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là phát minh vĩ đại của nhà khoa học người Nga Dmitri Mendeleev.

Năm 1869, Dmitri Mendeleev đã tạo ra những khái niệm cơ bản đầu tiên về các nguyên tố hóa học, khi ông viết tên của từng yếu tố lên mỗi tấm thẻ khác nhau. Thế nhưng, ông không biết làm cách nào để sắp xếp chúng theo một sơ đồ thật hoàn chỉnh và logic. Sau ba ngày đêm làm việc ở bàn làm việc không ngủ, ông đã ngủ thiếp đi. Điều kỳ diệu xảy ra khi trong lúc ngủ, Dmitri mơ thấy một sơ đồ hoàn chỉnh, với các nguyên tố được đặt theo những vị trí chính xác.

Khi thức dậy, ông đã lập tức ghi lại ngay vào giấy những gì mình mơ thấy. Tất cả mọi thứ mà ông trăn trở bấy lâu nay về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

4. Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud

Sigmund Freud - một nhà tâm lý học người Do Thái, đã công bố Thuyết phân tâm học sau khi nghiên cứu giấc mơ của mình. Ông phát hiện ra rằng ông có thể chạm vào những suy nghĩ sâu nhất, thường là những suy nghĩ vô thức bằng cách tập trung vào giấc mơ hoặc những hình ảnh gợi lên trong trạng thái thoải mái. Ông sẽ nằm xuống và thư giãn, để cho bất kỳ suy nghĩ hay hình ảnh nào đi vào tâm trí anh và sau đó viết nó xuống, khám phá động cơ hoặc mong muốn thực sự. Cuốn sách The Interpretation of Dreams xuất bản năm 1899 được quốc tế đánh giá cao. Đây là lần đầu tiên một nguyên tắc khoa học được áp dụng cho giấc mơ.

5. Dầu Lorenzo

Khi Lorenzo Odone được chẩn đoán mắc chứng suy thượng thận (ALD), các bác sĩ thông báo với cha mẹ cậu bé rằng cậu không qua khỏi sinh nhật lần thứ 10.

Quá đau lòng, cha mẹ cậu bắt đầu tìm kiếm tài liệu y khoa để chữa bệnh cho con. Một lần, trong lúc nghiên cứu về các chất béo tốt và độc hại, cha của Lorenzo ngủ thiếp đi. Ông mơ thấy con trai bé bỏng kéo cả hai bộ kẹp giấy ra từng cái một. Ông nhận ra rằng, cả hai loại chất béo đều từ cùng một loại enzyme và chất béo này có thể bị phá hủy bởi axit oleic. Từ giấc mơ này, ông đã có thể xây dựng một phương pháp điều trị chiết xuất từ dầu ô liu và dầu hạt cải dầu. Thật đáng kinh ngạc, cậu bé Lorenzo vẫn sống cho đến sau sinh nhật lần thứ 30 của mình, một tình huống trước đó chưa từng xảy ra với bệnh nhân ALD.

6. Bộ phim Avatar

Đạo diễn phim nổi tiếng thế giới - James Cameron đã tiết lộ với báo chí rằng hình ảnh thần kỳ trong bộ phim Avatar của ông xuất phát từ những giấc mơ mà ông thường liên tục mơ khi còn là một sinh viên ở trường đại học. Nhiều bom tấn Hollywood khác của ông cũng đến từ giấc mơ. Bộ phim khoa học viễn tưởng nổi danh nhất mọi thời đại - Terminator xuất phát từ cơn mộng mị khi James Cameron thấy hình ảnh một con robot bước ra khỏi vụ nổ, trên tay cầm những con dao nhọn. Thậm chí một số cảnh trong bộ phim bom tấn Titanic năm 1997 cũng không ngoại lệ.

7. Insulin điều trị bệnh tiểu đường

442 Adelaide St. N., London, Ontario là nhà của Frederick Banting, nhà khoa học đầu tiên sử dụng insulin trên người. Một trong những điểm thu hút của căn nhà này là chiếc giường của Banting, nơi ông đã đưa ra ý tưởng về cách làm thế nào để sử dụng insulin điều trị bệnh tiểu đường.

Vào ngày 31/10/1920, Banting đã đi vào giấc ngủ và mơ về một thí nghiệm đặc biệt. Khi ông tỉnh dậy, ông đã thực hiện các thí nghiệm đó và chứng minh rằng insulin có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Phát hiện này sau đó giúp ông giành được giải thưởng Nobel năm 1923 về Sinh lý học và Y học.

Theo Wonder List