Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, thời gian qua, VNISA đã tiến hành khảo sát gần 200 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT).
Kết quả cho thấy đã có những tín hiệu tích cực hơn so với năm 2022, khi có 36% tổ chức, doanh nghiệp có đủ nhân lực ATTT đáp ứng yêu cầu hiện tại (con số này năm 2022 là khoảng 24%). 63% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ kinh phí đầu tư cho ATTT để đáp ứng yêu cầu hàng năm (con số này năm 2022 là 68%).
Đối với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo - 2 lĩnh vực đặc biệt nổi bật trong thời gian gần đây, khảo sát của VNISA cho thấy: 26% tổ chức, doanh nghiệp cho rằng các nền tảng điện toán đám mây chưa an toàn và đủ tin cậy; gần 35% chưa có ý định đưa các ứng dụng và dịch vụ lên điện toán đám mây; 45% chưa ứng dụng trong công việc các công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch VNISA nhấn mạnh, sự bùng nổ của nền tảng đám mây và AI làm dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo ATTT của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu, vì dữ liệu là gốc, bảo vệ dữ liệu là bảo vệ trái tim trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thành Hưng cho biết trong năm 2023, VNISA đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023" lần thứ 16. Bên cạnh đó là cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin" lần thứ hai với sự tham gia của hơn 700 nghìn học sinh trung học.
Ông Hưng cam kết VNISA sẽ đồng hành với Chính phủ trong việc triển khai năm Dữ liệu quốc gia, Chương trình chuyển đổi số và Chiến lược an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam, tạo lập niềm tin số, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VNISA về bảo vệ an toàn dữ liệu, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng thế giới đang đứng trước nhiều sự thay đổi, đặc biệt là sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, có thể mở ra những cơ hội rất lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro, thách thức mới về quản trị và an toàn dữ liệu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, hiện nay khoảng 60% dữ liệu trên thế giới được lưu trữ trên đám mây. Chi tiêu của người dùng cuối trên toàn thế giới cho các dịch vụ đám mây công cộng ước tính lên tới 600 tỉ USD trong năm 2023. Riêng 3 công ty điện toán đám mây lớn nhất đã chiếm gần 60% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với đó, chi phí trung bình cho một vụ tấn công, vi phạm, làm lộ lọt dữ liệu cũng ở mức cao kỷ lục là khoảng 5 triệu USD.
Song song với đó, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một lĩnh vực công nghệ chiến lược mũi nhọn mà các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm, cạnh tranh để dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.
Thứ trưởng bày tỏ quan điểm trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây luôn mang đến những cơ hội và rủi ro đi kèm. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ và kịp thời tìm ra những giải pháp để chủ động ứng phó.
"An toàn thông tin mạng là để phát triển, thay vì là để đứng nhìn và tụt lại phía sau. Dữ liệu trước hết là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, bảo vệ dữ liệu trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin xuất phát từ chính mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, bàn về an toàn thông tin thì không thể không nói đến câu chuyện Make in Viet Nam ở một số khâu, một số phần chúng ta xác định cần chú trọng. Đó là ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp ATTT Việt Nam. "Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có những chuyên gia giỏi, có đầy đủ sản phẩm, có giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân", Thứ trưởng nói.
Trong bài tham luận tại Hội thảo, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin nói rằng về lĩnh vực an toàn thông tin, Việt Nam có đội ngũ những người làm công tác bảo mật có trình độ không thua kém so với thế giới. Hơn nữa, sinh viên ngành công nghệ Việt Nam cũng có kiến thức và trình độ tốt, đạt thành tích cao trong các cuộc thi khu vực và trên thế giới.
Dẫn số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, ông Khoa cho biết trong 11 tháng qua Cục đã ghi nhận, cảnh báo, xử lý hơn 11.400 vụ tấn công mạng, trong đó có hơn 10.200 cuộc tấn công phising (lừa đảo qua thư điện tử), hơn 400 cuộc tấn công deface (đánh sập website) và hơn 880 cuộc tấn công malware (phát tán mã độc), tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (các máy tính bị tin tặc chiếm quyền điều khiến bí mật từ xa) cũng tăng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Khoa nói rằng để hỗ trợ cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu thiết lập 3 nền tảng quốc gia giúp quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, giám sát, đo lường, bảo đảm ATTT, đó là: Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nền tảng điều phối ứng cứu sự cố; Nền tảng hỗ trợ điều tra số.
Đến từ Công ty cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS - một thành viên của tập đoàn Vingroup, ông Philip Hùng Cao - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược, Phát triển thị trường, Kinh doanh và Marketing, cho rằng năm 2024 sẽ là năm bùng nổ giải pháp xác thực mạnh không mật khẩu tại Việt Nam. Giải pháp này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ ở các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Theo thống kê, 41% các bộ phận CNTT tại APAC đã triển khai xác thực mạnh không mật khẩu. Thị trường toàn cầu cho giải pháp này được định giá 6,6 tỉ USD trong năm 2021, 8,33 tỉ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên 53,59 tỉ USD vào năm 2030.
Trước diễn biến ngày càng gia tăng của các vụ lừa đảo trực tuyến, ông Philip Hùng Cao nói rằng hệ sinh thái xác thực mạnh không mật khẩu sẽ là giải pháp giúp cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức giảm thiểu thiệt hại từ lộ lọt dữ liệu nhạy cảm.
Ông Hùng Cao cũng giới thiệu Việt Nam vừa gia nhập và là thành viên thứ 10 của Liên minh FIDO - một Hiệp hội công nghiệp mở với sứ mệnh phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn xác thực "giúp giảm sự phụ thuộc quá mức của thế giới vào mật khẩu".
Bên cạnh các bài tham luận tại phiên toàn thể, còn diễn ra 2 phiên Chuyên đề với các nội dung "Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng" và "Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân: Chính sách và công nghệ".
Khai trương Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội VNISA đã khai trương "Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ". Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ông Nguyễn Thành Hưng, ông Trần Đăng Khoa và một số lãnh đạo ngành đã bấm nút khai trương hệ thống.
Trao giải thưởng và bằng khen "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023"
Tại sự kiện này cũng đã diễn ra lễ trao giải thưởng cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023".
Cuộc thi do VNISA chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cuộc thi năm nay đã thu hút 233 đội thi đến từ 10 quốc gia ASEAN. Sau các vòng thi căng thẳng và trí tuệ, Ban tổ chức đã tìm ra 4 đội xuất sắc nhất để trao các giải Nhất và giải Nhì và 5 đội đạt giải Ba. Điểm đặc biệt là tất cả các đội đạt giải đều đến từ các trường của Việt Nam.
Giải Nhất của cuộc thi thuộc về đội của Học viện Kỹ thuật mật mã. Giải Nhì thuộc về 3 đội của Việt Nam gồm: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Duy Tân, phân Hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP.HCM.
Giải Ba thuộc về Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP.HCM; Đại học FPT phân hiệu Hà Nội và TP.HCM; Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông; Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HCM.
Ông Nguyễn Thành Hưng, đại diện VNISA và ông Tô Hồng Nam - Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao giải thưởng của VNISA và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội đạt giải Nhất và Nhì.