Ông Nguyễn Duy Khiêm cho biết, giai đoạn Covid vừa qua, nhu cầu sử dụng thanh toán qua mã QR đã tăng lên nhanh chóng. Cục đã ghi nhận số lượng thanh toán qua mã QR năm 2022 tăng 225% so với năm 2021, giá trị tăng 243%. Điều này cũng song hành với tình trạng lừa đảo mã QR gia tăng cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Tháng 8 vừa qua, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng lên tiếng cảnh báo về việc kẻ xấu sử dụng hình thức lừa đảo bằng mã QR.
Cũng trong tháng 8, báo chí đã lên tiếng về hiện tượng một số cửa hàng bị mất thu nhập do kẻ xấu dán đè mã QR, khiến người mua thay vì thanh toán (qua quét mã QR) cho người bán thì lại thành trả tiền cho kẻ xấu.
Để tránh bị lừa đảo, ông Nguyễn Duy Khiêm khuyến cáo người dùng điện thoại nên thận trọng khi tiến hành quét mã QR được gửi đến từ các nền tảng như email, mạng xã hội. Cần thận trọng xem xét người gửi mã là ai, trang web gửi mã có uy tín không, Người dùng không nên cung cấp thông tin nhạy cảm cá nhân cho bất kỳ ai, đồng thời cài đặt các phần mềm có tính xác thực mạnh. Các tổ chức cung cấp mã QR cũng cần tăng cường thông báo, cảnh báo người dùng; phải có giải pháp xác minh các giao dịch bất thường và thường xuyên kiểm tra mã dán tại nơi công cộng.
Một nguy cơ khác đến từ các app chỉnh sửa ảnh. Gần đây người dùng thường chia sẻ trên mạng xã hội các hình ảnh ngộ nghĩnh, thú vị, được làm ra bởi các app chỉnh sửa. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin, mất tài khoản rất cao.
Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, việc người dùng cung cấp hình ảnh của mình cho các app chỉnh sửa sẽ dẫn đến nguy cơ họ bị chiếm đoạt tài khoản khi ứng dụng được cấp quyền truy cập vào thư mục ảnh hoặc camera của điện thoại. Với hình ảnh có được, kẻ xấu có thể sử dụng công nghệ xác thực khuôn mặt để truy cập vào tài khoản ngân hàng, đánh cắp tiền. Ông Khiêm khuyến cáo người dùng hạn chế chia sẻ hình ảnh riêng tư lên các ứng dụng. Nếu có chia sẻ ảnh thì nên chọn các app uy tín và đọc kỹ điều khoản sử dụng./.