Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 ngã ngũ – không chỉ có người giành được ghế Tổng thống mà cả những người nắm quyền kiểm soát Quốc hội sẽ quyết định hướng đi của nước Mỹ, cụ thể là những bộ luật nào sẽ được thông qua, ngân sách được phân bổ vào việc gì, các cơ quan khoa học chủ chốt (như NASA hay Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ) sẽ làm gì tiếp theo.
Bốn năm qua, chính quyền ông Trump đã có những bước đi gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn như việc nới lỏng các quy định kiểm soát nhân tố gây ảnh hưởng đến môi trường, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ban hành chính sách làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của người dân, bổ nhiệm các nhân vật trong ngành công nghiệp vào các ban cố vấn khoa học làm giảm vai trò và ảnh hưởng của chuyên môn khoa học.
Cách tiếp cận này cũng khiến cho việc xử lý đại dịch ở cấp liên bang trở thành một thảm hoạ - theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế công cộng. Nó cũng làm giảm uy tín của các cơ quan chuyên môn, chẳng hạn như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ).
Tờ Scientific American đã liệt kê những lĩnh vực có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ dưới thời ông Biden:
Không còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề mà ông Biden phải đối mặt ngay khi nhậm chức là đại dịch Covid-19, nó đã giết chết 227.000 người Mỹ cho đến nay. Tổng thống Trump và chính quyền của ông ấy đã liên tục hạ thấp mối đe doạ của đại dịch với công chúng. Họ đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt xét nghiệm trên diện rộng, bỏ qua các hướng dẫn y tế công cộng cơ bản bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình lớn và từ chối đeo khẩu trang (trong khi chế nhạo những người đeo khẩu trang), và thậm chí không thể ngăn chặn đại dịch bùng phát trong Nhà Trắng.
Chính quyền ông Trump đã bị cáo buộc can thiệp vào các cơ quan y tế liên bang vì lợi ích chính trị. Họ đã từ chối tài trợ cho các bang và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Các quan chức trong chính quyền của ông Trump đã phối hợp với các thành viên của Đảng Cộng hoà tại Thượng viện để phản đối các dự luật cứu trợ đại dịch bao gồm việc mở rộng trợ cấp thất nghiệp thêm 600 USD, do đó để chúng mất hiệu lực. Mặc dù một số loại vắc xin tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, nhưng không có loại vắc xin nào được phê duyệt trước cuộc bầu cử.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần phát tán thông tin sai lệch về Covid-19, quảng cáo các liệu pháp không hiệu quả và nguy hiểm, nói căn bệnh này chỉ giống bệnh cúm thông thường. Ông Trump đã phát biểu lặp đi lặp lại rằng Hoa Kỳ đang “xoay chuyển” cuộc khủng hoảng y tế công cộng bất chấp số ca mắc và nhập viện cao kỷ lục. Chính Chánh văn phòng Nhà Trắng gần đây cũng thừa nhận rằng “chúng tôi chưa kiểm soát được đại dịch”.
Ngược lại, ông Biden đã đưa ra một kế hoạch đối phó Covid-19 khá chi tiết, với mục tiêu xét nghiệm Covid-19 rộng khắp và đảm bảo cho người dân được xét nghiệm và điều trị miễn phí. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển vắc xin và đảm bảo các bang có đầy đủ thiết bị bảo hộ và nhân viên y tế. Hơn nữa, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tiền bạc cho người lao động và các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Ông Biden cũng đã cam kết đặt các nhà khoa học và chuyên gia sức khoẻ cộng đồng ở vị trí trung tâm trong các cuộc họp giao ban về đại dịch hàng ngày.
Kế hoạch của ông Biden cũng bao gồm việc chuẩn bị cho đất nước đương đầu với những đại dịch khác trong tương lai bằng cách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các chương trình giám sát dịch bệnh mạnh mẽ. Ông đã hứa rằng vào ngày đầu tiên nhậm chức, Hoa Kỳ sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới. Ông cũng đặt mục tiêu khôi phục Ban Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về An ninh Y tế Toàn cầu và Phòng thủ Sinh học của Nhà Trắng. Ban này vốn được thành lập dưới thời cựu Tổng thống Obama vào năm 2014, nhưng sau đó đã bị chính quyền ông Trump giải tán vào năm 2018. Ông Biden đã ngừng kêu gọi đeo khẩu trên trên toàn quốc nhưng nói rằng ông sẽ yêu cầu nhân viên trong các toà nhà liên bang cũng như người di chuyển giữa các tiểu bang phải đeo khẩu trang.
Bà Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia, nhận định: “Ưu tiên lớn nhất (của chính quyền Biden) sẽ là chấm dứt đại dịch và tiếp tục nghiên cứu các loại vắc-xin. Điều đó sẽ rất khó khăn vì người dân mất niềm tin vào các cơ quan y tế như CDC. Ông Biden cần thu hút lại công chúng và xây dựng lại niềm tin. Tân Tổng thống cũng nên đầu tư nhiều vào nghiên cứu và chuẩn bị ứng phó với đại dịch tương lai”, bà Rasmussen nói thêm.
Mặc dù ông Trump đã cam kết để nước Mỹ có không khí và nước sạch, chính quyền của ông đã bãi bỏ nhiều quy định có ý nghĩa về môi trường. Một trong những thay đổi lớn nhất là các quy tắc giải quyết khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm. Chính quyền ông Trump đã bãi bỏ quy định điện sạch dưới thời Obama (quy định giới hạn về lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện chạy bằng than và khí), cho phép các bang tự đặt ra các quy định. Chính quyền cũng đã làm suy yếu các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô, cho phép phát thải nhiều khí nhà kính hơn, và nới lỏng các hạn chế đối với lượng khí thải thủy ngân độc hại từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu và than.
Ông Trump có thể không bảo vệ được chính sách của mình |
Theo phân tích của Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu độc lập, các biện pháp hiện tại của chính quyền Trump sẽ bổ sung khoảng 1,8 tỷ tấn carbon dioxide dư thừa vào khí quyển vào năm 2035. Các phân tích từ cả các nhà khoa học hàn lâm và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã chỉ ra rằng các quy định về ô nhiễm không khí ít nghiêm ngặt hơn có thể dẫn đến hàng nghìn ca tử vong sớm, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh về phổi.
Ông Biden đã lên tiếng về việc đảo ngược các hành động của chính quyền ông Trump, tăng cường các quy định chặt chẽ hơn, cũng như giải quyết các nguyên nhân ô nhiễm ở cộng đồng người da đen, da nâu và thu nhập thấp.
Ông Biden cũng có thể ban hành các lệnh hành pháp của riêng mình như ông đã cam kết để đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các Quy định có hiệu lực trong vòng 60 ngày qua có thể bị Quốc hội mới lật ngược, mặc dù điều này chỉ có khả năng xảy ra nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Một số quy định cũ hơn, chẳng hạn như sửa đổi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, sẽ phải được thay đổi thông qua quá trình xây dựng quy tắc liên bang tốn nhiều công sức, có thể mất nhiều năm.
Ông Trump và các đảng viên Cộng hoà trong quốc hội đã nhiều lần cố gắng bãi bỏ luật ACA (đạo luật chăm sóc sức khoẻ với giá cả phải chăng). Luật này cung cấp bảo hiểm y tế cho hơn 20 triệu người Mỹ và bảo vệ tới 129 triệu người mắc các bệnh từ trước. Các nỗ lực lặp đi lặp lại đến nay đã thất bại.
Ông Trump đã ban hành một lệnh hành pháp, tuyên bố rằng ông sẽ bảo vệ cho những người có bảo hiểm có tình trạng bệnh từ trước. Ông đã ký một số lệnh hành pháp khác mà ông cho rằng sẽ giảm giá thuốc nhưng các chi tiết vẫn còn mờ mịt và các đơn đặt hàng còn lâu mới được thực hiện. Trong khi đó, trong một động thái hết sức bất thường và bị lên án mạnh mẽ, Đảng Cộng hoà đã thông qua việc đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett vào chiếc ghế tại Toà án Tối cao (và Tổng thống Trump đã phê chuẩn). Trong số 9 thẩm phán tại toà án tối cao thì có 6 người do các Tổng thống phe Cộng hoà bổ nhiệm, 3 người do Tổng thống phe Dân chủ đưa vào.
Vào tháng 11, Toà án Tối cao dự kiến xem xét đạo luật ACA có vi hiến hay không vì phạm vi của đạo luật này là bảo hiểm y tế. Với đa số các luật sư thuộc phe Cộng hoà ở Toà án Tối cao, họ cũng có khả năng lật lại điều luật Roe v Wade ban hành năm 1973 đảm bảo quyền được phá thai của phụ nữ. Chính quyền của ông Trump đã thông qua một loạt các quy tắc đe doạ không chi trả bảo hiểm cho những người phá thai và tránh thai.
Ông Biden là một phần của chính quyền Obama, người đã tạo ra ACA. Ông đã nói rằng mình sẽ củng cố ACA thay vì phá bỏ nó. Kế hoạch của ông là bổ sung một lựa chọn công cộng cho ACA, tăng thuế để giảm phí bảo hiểm và cung cấp bảo hiểm cho những người Mỹ đủ tiêu chuẩn được tham gia chương trình chăm sóc Medicaid nếu các bang mà họ sống không từ chối mở rộng chương trình này.
Các kế hoạch của ông Biden là làm cho chăm sóc y tế trở nên dễ dàng với mọi người bằng cách cho phép cơ quan y tế có thể đàm phán giá cả với các nhà cung cấp, và bãi bỏ ngoại lệ cho phép các công ty dược phẩm được bỏ qua đàm phán với về giá thuốc với cơ quan chăm sóc sức khoẻ.
Ông cũng sẽ nỗ lực giúp phụ nữ tăng cường tiếp cận với các biện pháp tránh thai và phá thai bằng cách bảo vệ điều luật Roe v. Wade, khôi phục tài trợ cho Planned Parenthood và hủy bỏ cái gọi là Chính sách Thành phố Mexico ngăn chặn tài trợ của liên bang cho các tổ chức y tế toàn cầu thực hiện hoặc quảng bá phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình.
Biden cũng cho biết ông muốn giảm tỷ lệ tử vong mẹ cao ở phụ nữ da màu và bảo vệ các biện pháp bảo vệ chăm sóc sức khỏe của ACA, bất kể giới tính hay khuynh hướng tình dục. Ông ủng hộ việc nghỉ phép có lương cho công nhân và đưa ra kế hoạch giải quyết bạo lực súng đạn.
Về lĩnh vực vũ khí hạt nhân, sự khác biệt về quan điểm giữa ông Trump và ông Biden là rất rõ ràng. Ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những thoả thuận kiểm soát vũ khí hiện tại, được coi là biện pháp để ngăn chặn sự chạy đua vũ khí hạt nhân. Tương phản lại, ông Trump có xu hướng rút Mỹ ra khỏi những thoả thuận như vậy, biện minh rằng tự do hành động đơn phương còn tốt hơn là chấp thuận những quy tắc an toàn do các đối tác quốc tế thiết lập.
ông Trump ủng hộ hành động quân sự chống lại Iran |
Cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã dẫn đến nhiều thất bại trong việc ngăn các nước khác phát triển vũ khí hạt nhân. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung – thường được gọi là “Thoả thuận Iran”. Thoả thuận này vốn được đưa ra từ năm 2015 giữa Iran và các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm khiến cho Iran dừng chương trình vũ khí hạt nhân để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Khi Mỹ rút khỏi “Thoả thuận Iran” vào năm 2018, Tehran đã đáp trả bằng cách tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân. Biden tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách để Mỹ tham gia lại thoả thuận.
Tương tự, Tổng thống Trump đã lên án thỏa thuận vũ khí hạt nhân duy nhất đang có hiệu lực giữa Mỹ và Nga – “Hiệp ước START mới” được ban hành vào năm 2010 nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang kiểu chiến tranh lạnh tàn khốc bằng cách giới hạn quy mô kho vũ khí hạt nhân của cả hai quốc gia. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng Hai tới, 15 ngày sau lễ nhậm chức Tổng thống tiếp theo, nhưng nó bao gồm một điều khoản rằng nó có thể được gia hạn trong tối đa 5 năm. Tổng thống Trump trước đó đã kêu gọi Trung Quốc tham gia Hiệp ước (điều khó xảy ra) trước khi Mỹ gia hạn, đặt Hiệp ước này trong tình trạng lấp lửng. Nga và chính quyền Tổng thống Trump dường như đang tiến tới việc gia hạn ngắn hạn, nhưng số phận của Hiệp ước vẫn chưa chắc chắn. Biden đã nói rằng chính quyền của ông sẽ đổi mới nó.
Mặc dù có những hành động làm thân với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng ông Trump đã không thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đe doạ Mỹ và các đồng minh. Ngược lại, ông Biden thề sẽ có lập trường cứng rắn hơn để chống lại việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Trump đã thực hiện theo lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là hạn chế người nhập cư, thiết lập một số rào cản để hạn chế cả người nhập cư hợp pháp lẫn người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ.
Ông Biden đã cam kết không chỉ dỡ bỏ những hạn chế của chính quyền Tổng thống Trump mà còn cải cách hệ thống nhập cư Hoa Kỳ để khuyến khích người nước ngoài đến Mỹ.
“Hiện tại, Mỹ chưa tận dụng được lợi thế để thu hút những người lao động giỏi nhất và sáng giá nhất trên thế giới đến Mỹ” – trích một tuyên bố đăng tải trên trang web tranh cử của ông Biden. Nhiều bằng chứng cho thấy những người nhập cư thúc đẩy nền kinh tế nói chung và họ đóng một vai trò quan trọng trong học thuật và công nghệ.
Ông Biden sẽ nới lỏng chính sách về người nhập cư |
Các chính sách chống nhập cư của Tổng thống Trump đang ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhân tài sinh ra ở nước ngoài đến với Hoa Kỳ. Số lượng sinh viên quốc tế mới đã giảm mỗi năm kể từ 2016 , làm mất đi học phí của các trường cao đẳng và đại học. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người như vậy tiếp tục làm việc tại Mỹ. Ví dụ, hơn 80% nghiên cứu sinh quốc tế - những lấy được bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trường của Mỹ đã ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế, hơn một nửa số nhân viên AI của Mỹ sinh ra ở nước ngoài
Khi Trung Quốc nỗ lực vượt lên trong lĩnh vực AI, khả năng thu hút các nhà nghiên cứu AI của Mỹ sẽ rất quan trọng. Trí tuệ nhân tạo chỉ là một ví dụ. Bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật cao nào, chẳng hạn như điện toán lượng tử, đều dựa vào những kỹ sư lành nghề có kiến thức chuyên môn, nhiều người trong số họ đến từ bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Sự phụ thuộc này quan trọng đối với cả giới học thuật và công ty công nghệ.
Khi ông Biden lên nắm quyền, các chính sách thân thiện với người nhập cư do ông đề xuất có thể khôi phục danh tiếng của Hoa Kỳ như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà khoa học trên khắp thế giới. Giả sử ông Trump vẫn nắm quyền, chính quyền của ông có thể tiếp tục hạn chế những người nước ngoài nhập cư, khiến cho nhiều người giỏi về AI, điện toán lượng tử và các lĩnh vực khác phải tìm một chân trời mới.
Chính quyền của ông Biden phải quyết định xem có tiếp tục thúc đẩy mục tiêu của chính quyền ông Trump là đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và sau đó là lên Sao Hoả vào năm 2030 theo chương trình Artemis hay không. Những bất ổn về ngân sách và những thách thức về kỹ thuật khiến thời hạn hạ cánh lên Mặt Trăng ngày càng khó khăn. Rào cản chính chính nằm ở khâu vận chuyển. NASA đang phát triển tên lửa đẩy hạng nặng Space Launch System cho mục tiêu này. NASA cũng đang hợp tác với 3 công ty thương mại để phát triển các phương tiện đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, sau đó đưa các phi hành gia trở lại quỹ đạo để trở về Trái Đất.
Các chính quyền mới thường có “thói quen” thay đổi kế hoạch khám phá không gian của chính quyền cũ bằng cách buộc NASA phải thay đổi các chương trình đã lên kế hoạch từ trước. Chẳng hạn cựu tổng thống George W. Bush đã chỉ thị cho NASA phóng tàu lên mặt trăng theo chương trình Constellation, nhưng người kế nhiệm là ông Obama đã hủy bỏ Constellation và thay vào đó chỉ đạo NASA thực hiện khám phá tiểu hành tinh. Khi Trump nhậm chức, Mỹ đã đặt tầm nhìn trở lại mặt trăng - dẫn đến cả hai đều không đạt được mục tiêu nào cho đến nay.