(tiếp theo kỳ trước)
59 tên lửa Tomahawk Mỹ giáng đòn tấn công Syria: Cuộc đấu quyền lực với Nga
Mỹ dở bài quen
Có thể có người sẽ tin rằng chính sách đối ngoại phụ thuộc vào quân sự của Mỹ đột nhiên trỗi dậy để đối phó, răn đe các đối thủ hạt nhân ngang tầm. Nhà Trắng hiện nay đã có giọng điệu rất khác thời kỳ ông Obama, tuy nhiên cân bằng quyền lực vẫn chưa có gì thay đổi.
Nga đã từng chứng kiến những vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ trong các cuộc chiến trong những năm 1990 và 2000. Cuộc tấn công lần này có vẻ cũng mang lại ấn tượng như vậy. Tuy nhiên, với tình trạng đối đầu hiện nay, và sự thật là Nga đang tự tin hơn với khả năng triển khai sức mạnh của mình, 59 quả tên lửa Tomahawk không còn là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Nga nữa.
Theo Warontherock, tương tự khi đe dọa Nga với cái cớ rằng Mátxcơva bao che Assad trong cuộc tấn công hóa học, ông McMaster và bà Haley đang cố gây chiến theo cách mà chính quyền Obama trước đây đã thử nhiều lần nhưng không thành công. Gần đây, vào tháng 9/2016, Mỹ và đồng minh gán cho Nga tội ác chiến tranh khi thực hiện các chiến dịch hỗ trợ quân đội Syria ở Aleppo. Cách tiếp cận này lúc đó không hiệu quả và bây giờ cũng không hiệu quả. Mỹ cần phải rút kinh nghiệm từ thất bại của chính quyền trước đây và không nên thực hiện dựa trên những giả định chưa được chứng minh.
Lời buộc tội Nga bao che trong vụ tấn công hóa học cũng không thật sự đáng tin, cho dù trên thực tế điều gì cũng có thể diễn ra. Như đã phân tích, Nga chẳng đạt được điều gì và chắc chắn sẽ mất rất nhiều thứ nếu chính quyền Syria thực sự tấn công người dân bằng vũ khí hóa học. Dù là thế nào thì Nga cũng sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công để bác bỏ luận điệu của phương Tây. Và rất có thể đó sẽ là một cuộc tấn công ở Syria. Điều này đã xảy ra thường xuyên dưới thời ông Obama. Hiện nay chủ nhân Nhà Trắng đã thay đổi nhưng có vẻ như giọng điệu vẫn chưa có gì khác.
Đến nay, cuộc không kích của ông Trump cũng đã là một thành công trong khuôn khổ chính sách, tuy nhiên điều gây ấn tượng ở trong nội bộ nước Mỹ trên thực tế lại chẳng hề hiệu quả. Bấy lâu nay phe bảo thủ của Mỹ vẫn mong những động thái cứng rắn ở Trung Đông nhưng không được chính quyền Obama thỏa mãn. Hành động lần này của ông Trump chắc chắn đã nhận được sự ủng hộ từ giới diều hâu trong nước.
Tuy nhiên, vẫn còn may là hành động thử nghiệm các giả định chính sách đối ngoại này được ông Trump thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ chứ không phải là trong những ngày tháng cuối cùng. Quả thực, trong một vài tuần nước Mỹ sẽ biết liệu biện pháp cứng rắn với Nga và biểu dương sức mạnh một cách khoa trương có hiệu quả hay không.
Theo Warontherocks, Nhà Trắng hiện nay đang gặp phải một vấn đề nữa, đó chính là không biết họ muốn gì từ phía Nga trong vấn đề Syria. Ông Trump liên tục đưa ra những tuyên bố không nhất quán, do đó chính đối thủ cũng không biết ông muốn gì và do đó cũng không coi trọng những gì ông mong muốn.
Nếu Mỹ muốn ép buộc Nga thì phải tìm ra mình đang cố ép buộc Nga làm gì, sau đó mới tìm cách thực hiện điều đó. Do thế, ông Tillerson, bà Haley và Nhà Trắng cần phải đồng điệu với nhau.
Màn diễu võ không hiệu quả
Nhưng theo Warontherocks quan sát, trong tình hình hiện nay, họ có vẻ như đang rất lệch tông. Một điều quan trọng nữa là phải dừng ngay suy nghĩ về nước Nga ở Syria, thay vào đó hãy nhìn nhận rằng cuộc xung đột là một vấn đề trong số các vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ song phương, không thể bị tách biệt với các vấn đề còn lại với nước Nga.
Cách đây vài tuần, bà Haley tuyên bố “Mỹ không muốn ngồi một chỗ và lật đổ chế độ Assad”. Trong khi đó, ông Tillerson lại nhấn mạnh rằng Mỹ không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Nga liên quan đến vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học và có vẻ ông cũng không hứng thú với việc thay đổi chế độ ở Syria. Vậy Mỹ có phải đang tìm cách thay đổi chế độ tại Syria hay không?
Tuyên bố của ông Tillerson sau đó lại nói rõ rằng trọng tâm chính sách của Mỹ vẫn là chiến đấu chống lại IS và hợp tác với Nga để đảm bảo sự ổn định trên toàn Syria. Nói cách khác, Ngoại trưởng Mỹ đã đi ngược lại những thông điệp mà cố vấn an ninh quốc gia và đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cố đưa ra.
Chính quyền Mỹ có vẻ đã rơi vào một truyền thống, đó là mỗi nhân vật chính trị quan trọng lại có một chính sách đối ngoại riêng. Hy vọng là chính sách của ông Tillerson sẽ có hiệu lực, vì ông là người trực tiếp trao đổi với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Warontherocks cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, Nga cũng sẽ nhanh chóng nhận ra trò hề của Mỹ. Đó là Mỹ chỉ nỗ lực đưa ra chính sách sau vụ tấn công, chứ không phải vụ tấn công tên lửa là một phần của chính sách.
Những nỗ lực trước đây của Mỹ để thúc bách Nga về mặt ngoại giao về cơ bản đều thiếu hành động cưỡng chế trên thực tế và thiếu lý thuyết làm thế nào để tác động đến Nga. Sẽ thật đáng ngạc nhiên nếu 59 quả tên lửa hành trình này lại là câu trả lời cho vấn đề. Chính quyền Obama trước đây đã thử rất nhiều lý thuyết không hiệu quả, từ những lời đe dọa vô nghĩa từ phía Liên hợp quốc tới những giả định sai lầm ảnh hưởng tới hành vi của Nga và những lời lý giải về tình trạng sa lầy. Tốt nhất là chính quyền ông Trump không nên đi lại con đường này một lần nữa, Warontherock khuyên.
Trong cuộc đấu về ý chí, ông Trump cần một kế hoạch xây dựng sức mạnh răn đe hơn là hy vọng khiến Nga sợ hãi chỉ bằng những vụ tấn công tốn kém. Sai lầm hàng đầu mà chính quyền trước đây mắc phải trong quan hệ với Mátxcơva chính là họ đã tưởng tượng một nước Nga phù hợp với họ hơn và sau đó cố hướng mối quan hệ với hình tượng tự vẽ ra đó, thay vì đối phó với một nước Nga trong thực tế.
Warontherocks nhận định động lực duy nhất của chính quyền Mỹ hiện nay với Nga là nhận thức của điện Kremlin cho rằng Nga vẫn có thể hợp tác với Mỹ. Đó là một đề xuất còn chưa được xác nhận, tuy nhiên đề xuất này sẽ mang lại cho Mỹ một số lợi thế. Nga vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể sẽ ưu ái Nga một phần cà rốt (trong chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của nước này), hay ít nhất thì Nga cũng có thể nghỉ ngơi một lúc trong tình trạng đối đầu này và củng cố lại những gì đã đạt được. Nếu chính quyền ông Trump có thể tranh thủ được nhận thức này ở phía Nga, rất có thể hai bên sẽ đạt được một số nhượng bộ.