5 bài toán mới nảy sinh trong quản lý doanh nghiệp công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cùng với việc các doanh nghiệp buộc phải chủ động thay đổi cách thức hoạt động, vận hành nhờ ứng dụng công nghệ số, chính sách cũng bộc lộ nhiều vấn đề khi quy định không còn đáp ứng đòi hỏi của thực tế.
Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo.
Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo.
  • Ngày 22/04/2021, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công văn số 514/TTg-PL tới các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cùng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cùng một số các hội, hiệp hội về rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Nhằm đóng góp cho tiến trình này, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật gây vướng mắc và những vấn đề chính sách - pháp lý mới nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số. Theo nội dung góp ý, Hội Truyền thông số Việt Nam đưa ra 5 vấn đề chính sách - pháp lý mới về kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.

Quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội

Theo Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Thực tế đã cho thấy các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok đều có chức năng cho phép người dùng tự sáng tạo nội dung quảng cáo để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Vì thế mà quảng cáo xuất hiện tràn lan, trong đó có nhiều nội dung phản cảm, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm trục lợi khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ video, hình ảnh quảng cáo vi phạm theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đây là cách xử lý ngắn hạn và chưa triệt để vì pháp luật nước ta chưa điều chỉnh được hành vi của người cung cấp và người dùng dịch vụ mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới.

Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá, hiện nay, đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo 2012 chỉ điều chỉnh đến hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này không còn đáp ứng đòi hỏi của thực tế đã nêu trên, khi mà các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên các nền tảng số chứ không phải trang thông tin điện tử.

Dịch vụ nội dung nghe nhìn theo yêu cầu trên Internet

Dịch vụ nội dung nghe nhìn theo yêu cầu trên Internet (Over-the-top Video-on-demand/OTT VOD), hiện nay, có sự phát triển mạnh. Các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, iQIYI, Sportify đang cung cấp hàng triệu sản phẩm giải trí số cho hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.

Riêng tại thị trường Việt Nam, trong những năm gần đây, một số sản phẩm giải trí số (phim ảnh) có nội dung xâm phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng cơ quan chức năng chưa thể quản lý hiệu quả, xử lý vi phạm triệt để.

Việc kinh doanh các dịch vụ OTT VOD không cần doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đó phải có hạ tầng riêng - Ảnh minh hoạ.

Việc kinh doanh các dịch vụ OTT VOD không cần doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đó phải có hạ tầng riêng - Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa cung cấp một cơ sở rõ ràng cho hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này. Việc quản lý OTT VOD theo dạng truyền hình trả tiền hoặc điện ảnh (cơ chế cấp phép, kiểm duyệt nội dung) như nhiều ý kiến hiện nay đều không hợp lý. Sở dĩ có điều này là bởi OTT VOD có những đặc điểm khác so với đối tượng điều chỉnh của Luật Điện ảnh và Nghị định 06/2016/NĐ-CP.

Về bản chất, dịch vụ OTT VOD là các nội dung giải trí theo yêu cầu, trong đó, phổ biến nhất là các bộ phim, bản ghi hình các chương trình ca múa nhạc, gameshow, phim khoa học... được đơn vị cung cấp tập hợp, lựa chọn để truyền tải đến người xem thông qua internet. Bằng một ứng dụng hoặc phần mềm (application) được cài đặt trên các thiết bị thông minh của người xem (như tivi, điện thoại, labtop, tvbox…) có kết nối Internet, người xem chỉ cần kích hoạt vào biểu tượng đó là có thể xem bất kỳ nội dung giải trí nào trong “kho” OTT VOD của nhà cung cấp mà người xem mong muốn.

Việc kinh doanh các dịch vụ OTT VOD không cần doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đó phải có hạ tầng riêng, mà chỉ cần sử dụng hạ tầng Internet công cộng - vốn được sử dụng cho việc truyền tải thông tin, dữ liệu nói chung.

Thương mại điện tử trên mạng xã hội

Hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo đều có phần chức năng “market place” để người dùng mua bán sản phẩn, dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động có yếu tố thương mại này khá đặc thù và không hoàn toàn giống với các hoạt động thương mại điện tử khác, bao gồm cả sàn thương mại điện tử.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội so với sàn thương mại điện tử là mạng xã hội không có chức năng đặt hàng trực tuyến mà chỉ là công cụ kết nối người mua và người bán.

Trong khung pháp lý của Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử trên sàn thương mại điện tử được quản lý bởi Nghị định 52/2013/NĐ-CP, trong khi đó hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội chưa có quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng. Mạng xã hội là một bên cung cấp dịch vụ trung gian tham gia vào quá trình giao dịch giữa người mua và người bán, vậy trách nhiệm của nhà kinh doanh dịch vụ mạng xã hội này được tính đến đâu cần phải làm rõ.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo tổng hợp của Hội Truyền thông số Việt Nam, hiện nay, nạn mua bán, tiết lộ, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của công dân Việt Nam trở thành vấn đề nhức nhối và được công chúng quan tâm. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản về cách định nghĩa dữ liệu cá nhân và thông tin cá nhân, quyền và nghĩa vụ của chủ thể liên quan, cơ chế bảo đảm sự an toàn của dữ liệu cá nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, Luật An toàn thông tin mạng 2015 đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đối với bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm về an toàn thông tin cá nhân.

Hiện nạn mua bán, tiết lộ, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của công dân Việt Nam trở thành vấn đề nhức nhối và được công chúng quan tâm - Ảnh minh hoạ.

Hiện nạn mua bán, tiết lộ, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của công dân Việt Nam trở thành vấn đề nhức nhối và được công chúng quan tâm - Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân căn cứ trên Luật An ninh mạng và Luật Bí mật nhà nước cũng đưa ra các nghĩa vụ đối với chủ thể có hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của một thiết chế mới - Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05) trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về xâm phạm dữ liệu cá nhân. Như vậy, trong cùng một vấn đề nhưng (dự thảo) văn bản dưới luật lại có quy định khác với văn bản luật đang có hiệu lực thi hành.

Từ thương mại điện tử đến thương mại số

Trong bối cảnh chuyển đối số (digital transformation), thương mại số (digital trade) dần trở thành chủ để thảo luận sôi nổi thay cho thương mại điện tử (e-commerce), bởi các quốc gia nhận ra sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng hàng hóa của con người, cụ thể là số lượng các dịch vụ số được sử dụng ngày càng nhiều, có thể nhận thấy rõ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Vì thế, thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa trên Internet không lâu nữa sẽ không còn là xu thế chủ đạo trong thương mại quốc tế, thay vào đó là thương mại số.

Về bản chất, thương mại số là một khái niệm mở rộng từ thương mại điện tử, bao gồm cả hoạt động luân chuyển dữ liệu qua biên giới để phục vụ hoạt động thương mại – đây được coi là một vấn đề chính và quan trọng trong bối cảnh lo lắng về an ninh dữ liệu tăng cao và các quốc gia có hành động siết chặt quản lý dữ liệu cá nhân hơn, thực thi chủ quyền dữ liệu mạnh hơn.

Ngoài ra, các quốc gia tiến hành xác định loại nào được coi là dịch vụ số, loại nào là sản phẩm số để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp về thuế, sở hữu trí tuệ… Hiện tại, Singapore và Australia, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký kết hiệp định về thương mại số, có các quy định cho phép tự do luân chuyển dữ liệu cá nhân giữa hai quốc gia đối tác.

Dựa trên cơ sở thực tiễn như vậy, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đề xuất một số khuyến nghị. Trong đó, đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng kĩ thuật số, cần cách tiếp cận toàn diện về dịch vụ số để có quy định pháp luật điều chỉnh chung dành cho các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt các nền tảng có tính chất xuyên biên giới. Còn trong mỗi ngành, lĩnh vực với đặc thù sẽ có văn bản quy định riêng phù hợp với ngành, lĩnh vực của mình.

Đặc biệt, đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần xây dựng một văn bản luật điều chỉnh chung về dữ liệu cá nhân thay vì quy định tản mát; còn đối với mỗi ngành, lĩnh vực với các yêu cầu cụ thể sẽ có văn bản quy định riêng nhưng không được trái các nguyên tắc chung.

Trước việc Chính phủ đề nghị rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã thực hiện rà soát văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời tiến hành lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp này về các vấn đề pháp lý vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát được thể hiện trong bản Góp ý sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật gây vướng mắc cho doanh nghiệp công nghệ số.

Cùng với nội dung tổng hợp các vấn đề chính sách - pháp lý phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số (nêu trên), bản góp ý còn đưa ra tổng hợp các quy định pháp luật hiện hành mà doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số gặp khó khăn khi thực hiện, bao gồm các vấn đề: thanh toán, kiểm duyệt nội dung, cấp phép kinh doanh.

Các văn bản này bao gồm Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng góp ý kiến về tính khả thi và tác động các quy định trong Bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP được công bố ngày 23/4/2020.