Nhưng khi Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh than khó và dẫn ra con số 45.000 tỉ đồng thì rất nhiều bài báo đăng lại, kèm theo đó là rất nhiều bình luận về con số 45.000 tỉ đồng này.
Đáng tiếc hầu như không ai hiểu bản chất 45.000 tỉ đồng này là món gì, ai cũng hiểu theo kiểu mang máng rằng hình như ngân sách 2016 chỉ còn lại chừng đó!
Đó là chưa kể vì Bộ trưởng Vinh nói quá ngắn gọn nên các con số khác mà ông nêu ra trong phát biểu cũng được diễn giải… xa thực tế cả vạn dặm. Ví dụ, báo nào cũng cho rằng ông Vinh mở đầu bằng con số “ngân sách năm 2016 là 255.750 tỉ đồng”. Làm gì có chuyện ngân sách năm 2016 mà chỉ có chừng đó!
Vậy, phải hiểu thế nào phát biểu của ông Vinh? Theo tường thuật của nhiều báo thì ông nói, “… thực tế ngân sách nhà nước là 255.750 tỉ đồng, thì riêng cân đối cho ngân sách địa phương là 131.500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương còn lại là 154.000 tỉ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì còn 45.000 tỉ đồng. Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ”.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về cân đối thu chi ngân sách năm 2016 vào ngày 26-10, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết dự kiến tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỉ đồng, dự kiến bội chi 254.000 tỉ đồng. Mặc dù ông không cho biết dự toán chi ngân sách năm 2016 là bao nhiêu nhưng từ hai con số trên có thể suy ra dự toán chi cân đối ngân sách năm 2016 là vào khoảng 1.268.500 tỉ đồng.
Như hàng năm, ba khoản mục lớn nhất trong chi ngân sách gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ. Ví dụ, dự toán chi ngân sách năm 2015 là 1.147.100 tỉ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 195.000 tỉ đồng, chi thường xuyên 777.000 tỉ đồng (bao gồm chi cải cách tiền lương 10 nghìn tỉ đồng), chi trả nợ và viện trợ 150.000 nghìn tỉ đồng...
Con số 255.750 tỉ đồng mà ông Vinh mở đầu chính là khoản chi đầu tư phát triển của năm 2016.
Trong chi đầu tư phát triển, hai khoản mục chính là chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Như vậy bước tiếp theo là ông Vinh trừ ra 131.500 tỉ đồng là chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Con số 154.000 tỉ đồng còn lại chính là chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương. Ở đây có một sự nhầm lẫn trong phép trừ - lẽ ra con số còn lại chỉ là 124.250 tỉ đồng. Tiếp theo ông Vinh trừ đi “vốn nước ngoài và các khoản chi khác” tức là cứ giả định không tính phần giải ngân các khoản vốn nước ngoài như vốn ODA đã có địa chỉ đầu tư cụ thể cũng như các khoản chi cụ thể khác thì con số còn lại đúng là 45.000 tỉ đồng.
Như vậy, bản chất của con số 45.000 tỉ đồng là con số tiền thật mà ngân sách trung ương có thể sử dụng vào mục đích chi đầu tư phát triển. Nói cho cùng, khi làm dự toán ngân sách thì mọi khoản, dù nhỏ đến đâu, cũng đã có địa chỉ chi cụ thể trừ phần ngân sách dự phòng. Ý toát ra từ phát biểu của ông Vinh là trong tổng dự toán chi ngân sách năm 2016 đến gần 1,3 triệu tỉ đồng, đa phần là để chi thường xuyên và chỉ còn một phần rất nhỏ là để chi vào mục đích đầu tư, phát triển nên dư địa về mặt tài khóa để xoay xở làm sao tiến hành các chương trình kích cầu chẳng hạn là rất khó.
Theo TBKTSG