4 điều FED cần làm thay vì chỉ tăng lãi suất để chống lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thách thức đặt ra cho Fed và ông Jerome Powell không chỉ ở việc tăng lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm. Thị trường đang mong đợi những chính sách mang thông điệp định hướng, chủ động và đáng tin cậy hơn từ Fed…
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Getty Images)

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Getty Images)

Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) được tin rằng sẽ công bố việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm cơ bản tại phiên họp thường niên diễn ra vào ngày 4/5. Điều này được cho là không gây bất ngờ đối với nhiều nhà phân tích và thành viên thị trường.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ phải hành động nhiều hơn thay vì chỉ tăng lãi suất để lấy lại uy tín và ổn định nền kinh tế.

Bài dịch dưới đây sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm mà ông Mohamed A. El-Erian – cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz SE, kiêm chủ tịch Gramercy Fund Management – vừa chia sẻ trên tờ Bloomberg.

Theo đó, Fed sẽ phải ưu tiên giải quyết 4 vấn đề nếu muốn thay đổi hình ảnh từ nguyên nhân của sự bất ổn tài chính – kinh tế, thành một phần của giải pháp.

Thứ nhất, Fed cần đưa ra thông điệp chính sách đáng tin cậy và mang tính định hướng về việc tăng lãi suất.

Việc thiếu các định hướng chính sách từ Fed và những con số lạm phát gây sốc đã khiến thị trường tài chính có những phản ứng vội vã về lộ trình tăng lãi suất lịch sử của Fed cho năm 2022.

El-Erian cho rằng, càng nhiều quan chức của Fed theo quan điểm ‘diều hâu’, thì thị trường sẽ càng cho rằng cơ quan này sẽ tăng lãi suất nhiều hơn và nhanh hơn. Vào đầu tuần này, phản ứng của thị trường đang phản ánh việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.

Fed, do đó, rất cần giành lại quyền kiểm soát “a policy narrative” (tạm dịch: thông điệp chính sách) nếu muốn có cơ hội tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, tức "hạ cánh mềm". Hết lần này đến lần khác, Fed đã thất bại trong việc tác động đến các thị trường bằng những chính sách mang tính bảo vệ mơ hồ và thiếu tin cậy của họ.

Fed càng tiếp tục theo đuổi các thị trường một cách vô ích, thì xác suất gây ra một sai lầm nghiêm trọng khác càng cao vì họ buộc phải chọn một trong hai: hoặc xác thực các kỳ vọng của thị trường và đối diện với nguy cơ gây suy thoái; hoặc làm thị trường thất vọng và đối mặt với viễn cảnh lạm phát trầm trọng hơn.

Thứ hai, Fed cần thiết lập một lộ trình để thắt chặt định lượng.

Thị trường sẽ tìm kiếm các tín hiệu về thời gian và mức độ cắt giảm bảng cân đối kế toán của Fed. Nếu không có những tín hiệu như vậy, ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc thắt chặt định lượng (quantitative tightening – viết tắt: QT) có thể tự nó phá vỡ cả sự ổn định của thị trường và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Điều này khó hơn những gì thường thấy. Bởi vì, Fed đã “thổi phồng” bảng cân đối kế toán của mình lên 9 nghìn tỉ USD mà không quan tâm rằng trong lịch sử, chưa từng có cuốn sách nào dạy cách quản lý việc cắt giảm từ từ và có trình tự cho vấn đề này.

Những thách thức có vẻ còn phức tạp hơn vì Fed - vốn đã quá muộn trong việc nhận ra các vấn đề lạm phát và thực hiện các chính sách cần thiết - giờ đây phải đồng thời thu nhỏ bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất. Fed vừa phải chạy đua với thời gian, vừa phải trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và sự may mắn để ngăn chặn các nguy cơ không rõ ràng trở thành sự thực.

Thứ ba, Fed cần chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động thích ứng.

Fed luôn phụ thuộc quá mức vào dữ liệu và mất nhiều thời gian để chuyển đổi từ một khuôn khổ chính sách tiền tệ thụ động cao sang một trạng thái chủ động hơn và hướng tới tương lai. Điều này đòi hỏi Fed phải nỗ lực nhiều hơn, Fed phải phát triển “khuôn khổ tiền tệ mới” của mình hoặc quay trở lại như những gì đã trải qua trước tháng 8/2021.

Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm. Fed cần có thời gian để triển khai “khuôn khổ tiền tệ mới” - thứ được thiết kế cho một thế giới thiếu hụt tổng cầu - nhưng lại được áp dụng trong một thế giới đang thiếu hụt tổng cung.

Mặc dù giải pháp thay thế - trở lại các chính sách trước đó - ít tốn thời gian hơn, nhưng nó sẽ kéo theo một sự tổn hại khác đối với Fed, đó là đối mặt với sự thiếu tín nhiệm từ thị trường.

Thứ tư, Fed cần đưa ra các báo cáo cụ thể về các dự báo trong quá khứ.

Không giống như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cơ quan đã phát hành một bản thông cáo vào tuần trước, Fed vẫn chưa đưa ra báo cáo về lý do tại sao các công cụ dự báo của họ lại thất bại nặng nề trong việc dự đoán lạm phát năm 2021 và cho đến tận bây giờ, vào năm 2022.

Nếu không có báo cáo như vậy, cùng với lời giải thích về cách các công cụ đã được cải thiện ra sao, sự thiếu tín nhiệm của thị trường sẽ vẫn là một trở ngại đối với Fed về tính hiệu quả của họ trong kỳ vọng kiểm soát lạm phát ngày càng gia tăng. Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm khảo sát và lạm phát trong tương lai, nhưng đại đa số các nhà phân tích đều cho rằng: Lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục cao hơn mục tiêu 2% mà Fed đã đặt ra trong vài năm tới.

“Không có vấn đề nào trong số bốn điều trên có thể dễ dàng thực hiện. Việc không giải quyết triệt để những thách thức này, sẽ chỉ làm cho triển vọng tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính ngày càng trở nên khó nắm bắt hơn”, Mohamed A. El-Erian nhận định./.

Nguồn tham khảo:

https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2022-05-02/what-will-the-federal-reserve-do-at-its-meeting-this-week?fbclid=IwAR17tO56_TNW55Qlbt8is8Kkv51Ya6zyDq5NA-j8BPcXNw3cyRea-K_Vbcs