Thế khó của Fed trước căng thẳng Nga-Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi giá dầu vượt 100 USD/thùng do căng thẳng chính trị leo thang thành xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine, lộ trình tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát của Fed thêm bội phần thách thức.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Ảnh: Internet)
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Ảnh: Internet)

Theo Yahoo Finance, hoạt động vũ trang của Nga tại Ukraine có thể khiến Fed có thái độ mềm mỏng hơn trong đợt tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – những người ủng hộ quá trình rút ngắn thời kỳ tiền “rẻ” trong đại dịch – cho biết họ đang theo dõi các tác động lan toả của cuộc xung đột tới nền kinh tế Mỹ.

“Cuộc xung đột này tạo ra nhiều sự bất định và không chắc chắn, một cú sốc về phía cầu”, Chủ tịch Fed tại Francisco – ông Mary Daly – nói với các phóng viên vào hôm 23/2, trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tấn công Ukraine. “Và cú sốc cầu lớn đến mức nào còn phụ thuộc vào mức độ không chắc chắn cao như thế nào và nó sẽ kéo dài trong bao lâu”, vị này cho biết.

Lạm phát cao ở Mỹ đã làm dấy lên suy đoán rằng Fed có thể muốn tiến hành nhanh hơn trong việc bình thường hóa lãi suất ngắn hạn, mà ngân hàng trung ương đã giữ ở mức gần 0 kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Đầu tháng 2 năm nay, Chủ tịch Fed St. Louis Jim Bullard thẳng thắn cho biết ông sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất gấp đôi (0,5%) trong cuộc họp tiếp theo của Fed vào giữa tháng 3. Được biết, Fed đã không tăng lãi suất quá 0,25% trong một cuộc họp duy nhất kể từ năm 2000.

Nhưng các nhà kinh tế cho rằng tình hình đang phát triển ở Ukraine dẫn đến một loạt bất ổn hoàn toàn mới đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu – vốn đang phải đối mặt với các thách thức của đại dịch.

Sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga đang đẩy giá năng lượng lên cao hơn và tầm quan trọng của Ukraine đối với nền kinh tế châu Âu đang đặt ra câu hỏi về tác động đối với thu nhập thực tế và tăng trưởng trên toàn lục địa.

Kiềm chế lạm phát – ‘bài toán’ nâng cao cho Fed

Trong khi đó, theo Politco, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine có thể khiến Fed phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Việc giá dầu tăng cao có thể làm lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn nữa và trong trường hợp tệ nhất, có thể đẩy nước Mỹ vào một cuộc suy thoái.

Điều này cũng có thể phá vỡ dự báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác - và kỳ vọng từ phía ông Biden - rằng lạm phát có thể bắt đầu hạ nhiệt một cách tự nhiên khi Fed và quốc hội viện trợ cho nền kinh tế đang suy thoái và gỡ dần các nút thắt về chuỗi cung ứng.

Thị trường tài chính trở nên hỗn loạn khi các nhà đầu tư cố gắng tìm ra triển vọng kinh tế khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Vào thứ Tư vừa rồi, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức thấp nhất trong năm 2022. Những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ còn vượt ra ngoài nỗi lo tăng giá năng lượng - đó là mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng có thể làm gia tăng thêm sự chậm trễ đối với nền sản xuất và vận chuyển toàn cầu, bởi Nga cũng là nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng khác trong đó có các kim loại quan trọng như thép.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ gây đau thương cho cả Moscow và phần còn lại của thế giới.

Chính chi phí năng lượng cao hơn là nguy cơ lớn nhất tiếp tục thúc đẩy lạm phát của Mỹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ - cả trực tiếp đối với người Mỹ trong việc mua bán xăng dầu cũng như gián tiếp khi chi phí đi lại và vận chuyển hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm 8,2% từ tháng 1 đến tháng 2. Tổng thống Joe Biden cũng đã thừa nhận khả năng người Mỹ sẽ phải “hy sinh” nhiều hơn nếu tình hình xấu đi ở Ukraine.

"Chính quyền đang sử dụng mọi phương pháp để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ khỏi ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu", ông Joe Biden nói.

Ông cho biết chính phủ Mỹ đang “thực hiện một kế hoạch phối hợp với các nhà sản xuất và tiêu thụ dầu lớn hướng tới đầu tư tập thể để đảm bảo sự ổn định và nguồn cung năng lượng toàn cầu”. "Điều này sẽ làm giảm giá khí đốt”, ông nói thêm.

Câu hỏi đặt ra là giá dầu toàn cầu sẽ còn tăng cao như thế nào, câu trả lời một phần phụ thuộc vào cách phản ứng của Mỹ và châu Âu. Giới phân tích nhận định, nếu tình hình Ukraine tiếp tục "nóng" hơn, giá dầu có thể sẽ tăng vọt, thậm chí lên mức 150 USD/thùng.

Đối với Mỹ, giá xăng cao hơn sẽ càng bóp chặt ví tiền của người tiêu dùng, dù cho tăng trưởng lương lành mạnh có nghĩa là người Mỹ vẫn có thể đủ khả năng chi trả.

Một viễn cảnh tồi tệ hơn đối với Fed là chi phí năng lượng tăng có thể thúc đẩy người lao động đòi trả lương cao hơn vì những lý do không liên quan đến tăng trưởng và năng suất của nền kinh tế - từ đó thúc đẩy lạm phát leo thang.

Diane Swonk, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Grant Thornton, ước tính rằng, nếu giá dầu duy trì ở mức giá 125 USD/thùng sẽ làm đình trệ tăng trưởng và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nền kinh tế có thể cầm cự qua sáu tháng với mức giá trung bình khoảng 100 USD/thùng, gần hơn với mức giá hiện tại, nhưng điều đó cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.

Fed có thể phải tăng lãi suất một cách đều đặn để tránh sự kết hợp của tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao như những năm 1970, khi giá cả tăng tới 14% ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Fed đã không hoàn toàn chế ngự được lạm phát nhiều năm sau đó, khi cơ quan này tăng lãi suất lên gần 20%, dẫn đến nhiều cuộc suy thoái./.

Tham khảo: Yahoo Finance, Politico.