100 hợp tác xã nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long được đào tạo chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuỗi hội thảo phổ biến kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số cho hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp đã giúp nông dân làm quen với công nghệ và mô hình kinh doanh online, tiếp cận thêm người dùng mới, nâng doanh thu.
Agrotrade, ITPC-VCA, Liên minh HTX Cần Thơ và Grab Việt Nam đã công bố hợp tác.
Agrotrade, ITPC-VCA, Liên minh HTX Cần Thơ và Grab Việt Nam đã công bố hợp tác.

Chuỗi hội thảo này do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade – thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA – thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Cần Thơ tổ chức mới đây.

Qua hoạt động này, các bên đặt mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các HTX và nông dân, tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh các thị trường và kênh tiêu thụ còn gặp nhiều thách thức.

Tại các buổi tập huấn, các HTX, nông dân sẽ được nâng cao nhận thức về vai trò của nền tảng số, hướng dẫn quy trình, phương thức bán hàng trên nền tảng. Chuyên gia cũng tư vấn kỹ thuật nông nghiệp để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, các HTX, nông dân được hướng dẫn thực hành ứng dụng kiến thức để xây dựng chiến lược, phương thức bán hàng, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: "Việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và năng lực tiếp cận thị trường của người nông dân là những yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp bám sát theo chủ trương của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn mới. Để thích ứng với chuyển kinh tế số nông nghiệp, công tác tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và người nông dân, được các cấp ban ngành, cơ quan chuyên trách quan tâm thực hiện".

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Toản cũng cho biết, sự phối hợp với các nền tảng công nghệ, trong đó có Grab, mang đến các giải pháp nền tảng, công cụ hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân, nhất là ở các vùng trọng điểm như Đồng bằng Sông Cửu Long, tăng tốc chuyển đổi số, tham gia vào công cuộc số hoá của Chính phủ. Sự phối hợp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp tham gia nền kinh tế số sẽ giúp nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, hướng đến phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Vũ Quang Phong - Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với sản lượng nông sản dồi dào, đặc trưng theo từng mùa vụ. Nông nghiệp tại đây sở hữu nhiều thế mạnh từ tự nhiên đến tập quán canh tác, song chưa được khai thác hiệu quả để mang lại lợi ích kinh tế tối đa. Trước tình hình đó, tham gia số hoá mở ra hướng đi mới để nông sản tươi ngon, chất lượng có cơ hội kết nối với kênh tiêu thụ ổn định, đáp ứng sức mua trên cả nước.

"Chúng tôi luôn tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm phổ cập về chuyển đổi số cho các HTX thành viên. Với hoạt động tập huấn cho nông dân ĐBSCL lần này, chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của cơ quan quản lý, cùng sự đồng hành từ nền tảng công nghệ và mạng lưới người dùng, đối tác của Grab, sẽ góp phần đưa nông sản lên nền tảng số, giải quyết các khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" – ông Phong nhấn mạnh.

Hoạt động tập huấn thuộc khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ Chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, ký kết bởi Cục Phát triển Doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam vào tháng 6/2021.

Hoạt động cũng là một phần của dự án GrabConnect, góp phần đưa nông sản và đặc sản địa phương tươi ngon đến người dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác của Grab.