Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế đáng chú ý trong năm 2015 và một số vấn đề có thế tiếp tục thu hút tâm điểm chú ý truyền thông thế giới trong năm 2016, theo chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 16.12.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc rầm rộ xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam, Mỹ và các nước trên thế giới. Bắc Kinh còn ngang ngược xây dựng các đường băng, hải đăng và tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo.
Mỹ cáo buộc hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc là “quân sự hóa” Biển Đông, đe dọa tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông. Vào tháng 10.2015, Washington đã điều một khu trục hạm tuần tra di chuyển sâu vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo.
Nga can thiệp quân sự vào Syria
Hình ảnh máy bay ném bom Nga Su-24 bị bắn cháy ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria - Ảnh: Reuters |
Nội chiến ở Syria kéo dài từ năm 2011 khiến khoảng 250.000 người chết đã có bước ngoặt mới vào cuối tháng 9.2015 khi Nga tiến hành chiến dịch không kích ở Syria. Mỹ và phương Tây cáo buộc chiến dịch không kích của Nga là nhằm vào những nhóm phiến quân do phương Tây hậu thuẫn, giúp củng cố quyền lực Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Moscow luôn khẳng định các đợt không kích chỉ nhằm vào các nhóm khủng bố, đặc biệt là tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mỹ và các đồng minh cũng tiến hành không kích IS, nhưng không hợp tác với Nga, làm gia tăng nguy cơ xảy ra những cuộc đối đầu ngoài ý muốn ở Syria. Vào ngày 24.11, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga khiến một trong hai phi công thiệt mạng, với cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chiếc Su-24 chỉ thực hiện sứ mạng ném bom trong không phận Syria, đồng thời trả đũa Ankara bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
IS tấn công ba châu lục
Những bó hoa tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng tại một trong số những địa điểm bị tấn công khủng bố ở Paris ngày 13.11 - Ảnh: Reuters |
IS không chỉ bành trướng ở Iraq và Syria mà còn mở rộng mạng lưới và tiến hành những vụ tấn công đẫm máu tại các quốc gia khác như Mỹ và các nước phương Tây.
Các phần tử IS tiến hành hàng loạt vụ tấn công liều chết bằng súng và bom tại bốn địa điểm ở thủ đô Paris, Pháp ngày 13.11, khiến 130 người chết.
Vào tháng 7.2015, một kẻ đánh bom liều chết của IS đã giết chết 33 người tại khu vực Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ) gần biên giới với Syria. Ba tháng sau đó, hai kẻ đánh bom liều chết khác tiến hành vụ đánh bom nhằm vào một cuộc tuần hành hòa bình ở thủ đô Ankara, khiến 102 người chết.
Vào ngày 31.10, máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập khiến tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. IS được cho là đã cài bom trên máy bay này.
Ngày 2.12, một cặp vợ chồng trung thành với IS đã xả súng khiến 14 người thiệt mạng ở San Bernardino, bang California, Mỹ. Cả hai sau đó bị cảnh sát bắn chết.
Thế giới đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu
Cổng vào nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris, Pháp - Ảnh: AFP |
Lâu nay các nước trên thế giới vẫn chưa đạt được sự nhất trí về chính sách biến đổi khí hậu sau nhiều hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu. Cụ thể là các nước phát triển và các nước đang phát triển không nhất trí về việc cắt giảm khí thải carbon. Các nước đang phát triển đổ lỗi cho các quốc gia phát triển gây ra biến đổi khí hậu và ngược lại.
Vào cuối tháng 10.2015, lãnh đạo 195 quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị thượng định về biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris, Pháp. Sau hai tuần tranh luận gay gắt, họ đã đạt được một thỏa thuận lịch sử. Đó là Hiệp ước Khí hậu Paris, theo đó mỗi quốc gia đều phải cắt giảm khí thải.
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước các đối tác tham gia TPP tại Toà đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh ngày 10.11.2014 - Ảnh: AFP |
Sau 7 năm đàn phán, Mỹ và 11 quốc gia trong đó có Việt Nam đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như bãi bỏ các rào cản bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. TPP cũng được cho là giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama củng cố chiến lược tái cân bằng hay “xoay trục” sang châu Á.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama (đảng Dân chủ) chưa thật sự giành được chiến thắng với TPP bởi vì TPP có nguy cơ bị Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu phủ quyết. Bên cạnh đó, một số nhà làm luật Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại TPP sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm của dân Mỹ. Ông Obama sẽ phải thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật để TPP chính thức có hiệu lực. Các nhà phân tích cho rằng việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2016.
Trung Quốc đột ngột giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT)
Trung Quốc đột ngột giảm giá đồng nhân dân tệ làm ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu- Ảnh: Reuters |
Trung Quốc đột ngột giảm giá NDT 1,9% vào tháng 8.2015 làm ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích và chính phủ cho rằng, động thái này là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ sáu năm qua, và Bắc Kinh muốn dùng công cụ tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm tăng tính cạnh tranh hàng xuất khẩu Trung Quốc…
Các nhà phân tích nhận định, việc Trung Quốc phá giá NDT có thể khiến các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và đẩy tỉ giá đồng nội tệ giảm xuống, gây bất lợi cho những nước này. Nhà đầu tư và chính phủ các nước vẫn lo ngại nền kinh tế Trung Quốc, được xem là một nhân tố lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, kéo kinh tế tăng trưởng chậm trên toàn thế giới.
EU ‘cứu’ Hy Lạp
Các quan chức EU trong một cuộc họp khẩn bàn về nợ công Hy Lạp - Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khi nhậm chức vào tháng 1.2015 đã tuyên bố giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Vào ngày 13.7.2015, Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ sau khi các lãnh đạo khối eurozone trải qua 17 giờ đàm phán thâu đêm. Các nước EU đồng ý viện trợ thêm cho Hy Lạp trên 80 tỉ euro để tránh bị vỡ nợ và phải ra khỏi khối eurozone, với điều kiện Athens phải có kế hoạch cải tổ sát sao cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu “các chủ nợ”.
Các nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Hy Lạp vẫn trong trình trạng bên bờ vực thẳm cùng tỉ lệ thất nghiệp 25% và tỏ ra hoài nghi về khả năng trả nợ của Hy Lạp.
Khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu
Bức ảnh chụp thi thể bé Aylan Kurdi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2.9 gây chấn động thế giới - Ảnh: Reuters |
Năm 2015, châu Âu lâm vào cuộc khủng khoảng người tị nạn, với làn sóng gần 1 triệu người tị nạn ồ ạt kéo đến các quốc gia châu Âu trong bối cảnh châu Âu đang chật vật để thoát khỏi suy thoái kinh tế. Đa số những người tị nạn là người Syria muốn thoát khỏi cuộc nội chiến. Tuy nhiên, cũng có nhiều người di cư muốn tìm đến châu Âu để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong khi các lãnh đạo châu Âu chia rẽ và “tê liệt” trước cuộc khủng hoảng người tị nạn, thì Đức đã có một động thái tiên phong. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ tuyên bố hoan nghênh tất cả người tị nạn Syria. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9.2015 đã tuyên bố nhận “ít nhất 10.000 dân tị nạn Syria” vào năm 2016. Nhưng sau vụ tấn công ở Paris và California, Mỹ và các nước phương Tây phải cân nhắc lại chính sách nhận người nhập cư Hồi giáo do lo ngại các phần tử cực đoan và khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn.
Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran
Các lãnh đạo Nhóm P5+1 và Iran trong một cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân - Ảnh: Reuters |
Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này ngày 14.7, sau nhiều vòng đàm phán bất thành kể từ năm 2002. Theo thỏa thuận này, Iran phải cắt giảm khoảng 97% kho dự trữ uranium làm giàu để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này.
Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Washington vẫn còn là “kẻ thù số 1” của Tehran. Ông Khamenei cho biết, Iran vẫn còn nhiều bất đồng với Mỹ, nhất là chính sách của Mỹ ở Trung Đông và Tehran sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm theo hướng của Washington. Iran cũng đã nhiều lần tố Mỹ dùng mọi cách để phá hoại an ninh, chính trị, gây mất đoàn kết trong nội bộ nước này cũng như phá hoại quan hệ của Iran với các nước láng giềng.
Ả Rập Xê Út can thiệp quân sự vào Yemen
Các chiến đấu cơ của Ả Rập Xê Út - Ảnh: AFP |
Ả Rập Xê Út đã tiến hành những cuộc không kích Yemen vào cuối tháng 3.2015, cùng với sự trợ giúp của 9 quốc gia Ả Rập khác. Ả Rập Xê Út can thiệp quân sự vào Yemen sau khi phiến quân Houthi chiếm thủ đô Sanaa của Yemen và buộc Tổng thống Yemen Abdu Rabbu Mansour Hadi phải sống lưu vong ở Ả Rập Xê Út. Mỹ buộc phải hỗ trợ vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo cho chiến dịch can thiệp quân sự Yemen do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, vì Washington lo ngại mạng lưới khủng bố al-Qaeda nhánh ở Yemen (kẻ thù của phiến quân Houthi) và IS “được lợi” từ tình hình bất ổn Yemen.
Theo Thanh niên