Vì sao chỉ có một số nước nghèo mua vũ khí của Trung Quốc?

VietTimes -- Vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc hầu như là vũ khí cấp thấp, có ít khách hàng trên thế giới. Chỉ có những nước tương đối nghèo mới để ý mua sắm, còn các nước giàu thì chưa từng có hứng thú.
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tờ The National Interest Mỹ ngày 17/9 đăng bài viết "Quân đội Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên, tại sao thành quả xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc không tốt?" của tác giả Richard Bitzinger.

Bài viết cho rằng một trong những quan điểm thường thấy trong tích tụ quân sự 20 năm qua của Trung Quốc là vũ khí tự chế của họ tốt hơn so với trước đây.

Quả thật, một số vũ khí của Trung Quốc hiện nay có khả năng cạnh tranh so với vũ khí cùng loại do các nước phương Tây và Nga chế tạo.

Trong đó bao gồm máy bay không người lái, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không vác vai và máy bay huấn luyện phản lực hạng nhẹ.

Nhưng, tất cả những điều này đều dẫn tới một câu hỏi quan trọng: Nếu vũ khí của Trung Quốc lợi hại như vậy, tại sao hầu như không có nước nào muốn mua?

Máy bay chiến đấu Kiêu Long của Không quân Pakistan. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Kiêu Long của Không quân Pakistan. Ảnh: Cankao

Về văn bản, Trung Quốc là một nước xuất khẩu vũ khí rất thành công. Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2015 Trung Quốc đã xuất khẩu gần 2 tỷ USD vũ khí.

Những năm gần đây, Trung Quốc có một số kỷ lục xuất khẩu vũ khí đáng chú ý như bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên cho Pakistan, bán 3 tàu ngầm lớp Nguyên cho Thái Lan.

Trung Quốc còn bán xe tăng cho Myanmar, bán tên lửa hành trình chống hạm cho Indonesia, bán máy bay vũ trang không người lái cho Iraq, Saudi Arabia, UAE, Nigeria và Ai Cập.

Nhưng, Trung Quốc vẫn là một nước xuất khẩu vũ khí có thị trường nhỏ. Trước hết, phần lớn vũ khí của Trung Quốc đều chỉ bán được cho vài nước.

Chẳng hạn, trong 5 năm qua, trên 2/3 (71%) vũ khí Trung Quốc đã bán cho 3 nước: Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Còn lại phần lớn bán cho vài nước tương đối nghèo của châu Phi, đặc biệt là Algeria, Nigeria, Sudan và Tanzania.

Thứ hai, những thứ Trung Quốc bán đều là những trang bị cấp thấp: Xe bọc thép, đạn dược vũ khí hạng nhẹ và máy bay chiến đấu được thiết kế từ lâu đời – hầu như không có trang bị mũi nhọn.

Máy bay huấn luyện K-8 Trung Quốc bán cho Venezuela
Máy bay huấn luyện K-8 Trung Quốc bán cho Venezuela

Hàng “hot” nhất của Trung Quốc là máy bay K-8, đây là một loại máy bay huấn luyện-tấn công cận âm tương đối lạc hậu, chủ yếu thích hợp với các nước đang phát triển thiếu tiền.

Tóm lại, trong việc gây ảnh hưởng to lớn cho thế cân bằng sức mạnh khu vực, các loại vũ khí Trung Quốc bán hoàn toàn không phải là thứ có thể làm thay đổi quy tắc trò chơi thực sự.

Vì vậy, Trung Quốc vẫn có vị thế rất yếu trên tư cách là nước xuất khẩu vũ khí chủ yếu. Trung Quốc có thể chiếm vị trí thứ ba trong thương mại vũ khí toàn cầu, nhưng vẫn lạc hậu xa so với Mỹ chiếm 33% thị phần toàn cầu và Nga chiếm 25% thị phần toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ dẫn trước Pháp với ưu thế nhỏ bé là 5,6%.

Vấn đề cốt lõi ở chỗ để duy trì vị thế của một nước xuất khẩu vũ khí chủ yếu, Trung Quốc cần đưa ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh hơn.

Trung Quốc cần bán nhiều vũ khí tiên tiến hơn như máy bay chiến đấu siêu âm, vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay cảnh báo sớm trên không và hệ thống phòng không tầm xa.

Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Đặc biệt là, Bắc Kinh hầu như chưa từng bán máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ, đặc biệt là J-10 và FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder. Chẳng hạn, đến nay chỉ có Pakistan mua Kiêu Long, hơn nữa chỉ là do Pakistan đang hợp tác với Trung Quốc chế tạo loại máy bay chiến đấu này.

Hầu như không có nước nào đang xếp hàng mua các hệ thống vũ khí của Trung Quốc hoặc cho dù có người làm như vậy thì cũng không mua một số linh kiện do Trung Quốc sản xuất, mà họ thay thế bằng các sản phẩm của phương Tây.

Điều này có nguyên nhân, một khi liên quan đến động cơ máy bay và thiết bị điện tử, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn rất yếu ớt. Chẳng hạn, tờ Thời báo New York năm 2013 có bài viết cho rằng Algeria đã mua tàu hộ vệ của Trung Quốc, nhưng sau đó đã lắp radar và thiết bị thông tin của Pháp.

Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo đã sử dụng động cơ do Nga sản xuất. Trong khi đó, Thái Lan dựa vào Tập đoàn quốc phòng Saab Thụy Điển để nâng cấp tàu hộ vệ mua của Trung Quốc.

Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Bangladesh mua của Trung Quốc, bàn giao tháng 12/2015 (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ BNS Shadhinota F111 Bangladesh mua của Trung Quốc, bàn giao tháng 12/2015 (ảnh tư liệu)

Trung Quốc cũng cần phát triển mạnh nền tảng khách hàng. Hiện nay và trong khoảng 25 năm qua, các nước xuất khẩu chính của các trang bị quân sự Trung Quốc hoặc là những nước quá nghèo không mua nổi vũ khí của phương Tây và Nga, hoặc là những nước đang đối mặt với lệnh cấm tiêu thụ vũ khí (như Venezuela).

Hầu như không có nước nào nhập khẩu vũ khí giàu có sẵn sàng chi khoản tiền lớn (như các nước vùng Vịnh có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú) hứng thú với vũ khí do Trung Quốc chế tạo.

Iran từng là một nước mua sắm chủ yếu của vũ khí Trung Quốc, nhưng đã nhiều năm không đặt hàng mới từ Bắc Kinh. Tương tự, Trung Quốc cũng hầu như không tìm được khách hàng cho vũ khí của họ ở các khu vực như châu Mỹ, Đông Âu và Trung Á.