Trả lời phỏng vấn tạp chí ĐứcDer Spiegel, Ngoại trưởng Saudi ArabiaAdel al-Jubeir tuyên bố mục tiêu của Saudi trong cuộc xung đột Syria là loại bỏ Tổng thống Assad.
“Assad nắm quyền càng lâu thì tình hình càng tồi tệ. Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo điều này khi khủng hoảng nổ ra năm 2011. Đáng buồn là cảnh báo đó đã trở thành sự thực” - ông Jubeir khẳng định.
Ngoại trưởng Saudi cho rằng chỉ có hai cách giải quyết khủng hoảng Syria và đều có chung kết quả là ông Assad phải ra đi. Thứ nhất là nhóm các cường quốc đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận ngừng bắn, lập chính quyền mới, mở đường cho bầu cử tại Syria.
“Điều quan trọng là Assad phải ra đi ngay từ đầu. Điều đó sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi chính trị diễn ra mà ít có chết chóc và tàn phá hơn - ông Jubeir nhấn mạnh - Lựa chọn thứ hai là chiến tranh tiếp diễn và Assad bị đánh bại”.
Ông Jubeir cũng tiết lộ Saudi sẵn sàng cung cấp cho lực lượng nổi dậy Syria các loại tên lửa đất đối không để họ đối phó với máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của quân đội Syria và Nga. “Chúng tôi tin rằng tên lửa đất đối không sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở chiến trường” - ông Jubeir quả quyết.
Tuy nhiên ngoại trưởng Saudi thừa nhận nước này cần tính toán cẩn trọng nước cờ này để đảm bảo tên lửa đất đối không không rơi vào tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với Saudi cũng như Mỹ.
Trong thời gian qua, Saudi đã cung cấp một số lượng lớn tên lửa chống tăng cho quân nổi dậy Syria để chống đỡ những cuộc tấn công của quân đội chính quyền Assad. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Nga, lực lượng Assad đang dần nắm thế chủ động trên chiến trường.
Theo Reuters, bất chấp việc Mỹ và Nga tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn Syria có hiệu lực từ ngày 27-2, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại nước này. Các tay súng IS mới tấn công tuyến đường tiếp tế của quân chính phủ từ Damascus tới thành phố Aleppo.
Các nhóm nổi dậy đang giao tranh với quân đội chính phủ ở Aleppo cũng khẳng định không hề có dấu hiệu cho thấy chiến tranh hạ nhiệt. Một số thủ lĩnh nổi dậy bày tỏ sự lo ngại kể cả khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, không quân Nga có thể vẫn sẽ không kích dữ dội vì lấy lý do là tấn công IS và nhóm khủng bố Al-Nusra.
Theo Tuổi trẻ