Không giống các tổ chức khủng bố khác, IS tự tạo ra thu nhập ngay tại chỗ, chủ yếu từ đánh thuế, tra tấn, bắt cóc, buôn lậu dầu và quyên tặng cá nhân. Các nguồn này đã bị ảnh hưởng đáng kể khi IS mất lãnh thổ, chiến binh, tiền mặt, các giếng dầu cũng như các con đường buôn lậu.
Ngày càng có nhiều báo cáo xuất hiện về tình hình tài chính của IS. Chúng có thể chỉ là bằng chứng gián tiếp song cũng nói lên được phần nào tình hình.
Trong khi các chỉ huy cấp cao của IS được cho là xung đột về những cáo buộc tham nhũng, quản lý tồi, trộm cắp, thì một số chiến binh IS không hề được trả lương - tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời các quan chức chống khủng bố Mỹ cho biết.
"Việc thiếu tiền mặt đã buộc IS chỉ trả nửa lương cho nhiều chiến binh mới tuyển ở Iraq và Syria, và tài khoản của những kẻ đào tẩu gần đây cho thấy, một số đơn vị hoàn toàn không có lương trong nhiều tháng" - tờ báo viết. "Dân thường và các doanh nghiệp sống ở các thành phố bị IS kiểm soát đã phàn nàn về việc bị nộp thuế và phí cao chưa từng thấy để bù đắp vào sự thiếu hụt đó".
Nhóm Giám sát xung đột IHS hồi giữa tháng Ba cũng đưa ra bức tranh tương tự, nói rằng IS đang vật lộn về tài chính. Xu hướng này thể hiện ở việc chúng tăng thuế, tăng chi phí dịch vụ công và cắt giảm đáng kể tới 50% lương trả cho chiến binh.
Theo SPUTNIK, Lao Động