Trung Quốc, ASEAN lập đường dây nóng trong trường hợp khẩn cấp

Reuters dẫn báo chí chính thức Trung Quôc ngày 17/8 cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN đặt mục tiêu hoàn tất vào giữa năm tới bộ khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC và lập đường điện thoại nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp về Biển Đông
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014

Theo China Daily, trong một cuộc họp tại Nội Mông, ngày 16/8 ở cấp thứ trưởng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, hai bên đã nhất trí giữa năm 2017 sẽ hoàn tất xây dựng được bộ khung cho Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Hai bên cũng đã thông qua những đường hướng căn bản cho việc thiết lập đường điện thoại nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên vùng Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết các văn kiện về đường điện thoại nóng và về việc xử lý các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển đạt được tại cuộc họp lần này sẽ được trình lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng tới để thông qua.

Ông Lưu được tờ báo trích dẫn nói: “Chúng tôi đã đạt được đồng thuận rộng rãi về việc thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông….và cố gắng hoàn tất bộ khung cho COC vào giữa năm tới”. Đây cũng là cuộc họp lần thứ 3 trong năm về COC.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Tình hình Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là với sự can thiệp từ bên ngoài, các nước ASEAN và Trung Quốc nhận thức được rằng chúng ta phải tự tay nắm lấy chiếc chìa khóa giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Bắc Kinh vẫn thường xuyên cáo buộc Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản hay Úc can dự vào các tranh chấp Biển Đông, làm tình hình thêm căng thẳng. Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm xây dựng và hoàn tất Bộ Quy tắc này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cụ thể nào, chủ yếu là do Trung Quốc không tích cực tham gia.

Tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài La Haye đã bác bỏ đòi hỏi chủ quyền ngang ngược, phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, khiến Trung Quốc rất tức giận. Tuy nhiên từ đó đến nay, dường như Bắc Kinh bắt đầu thay đổi chiến lược, quay sang hướng vận động ngoại giao nhiều hơn.