Sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump bị khoảng 1.000 nhân viên trong bộ ngoại giao ký kiến nghị phản đối. Sự kiện hi hữu này là một trong những thách thức lớn của ông Rex Tillerson, vừa được thượng viện chấp thuận vào chức vụ ngoại trưởng Mỹ ngày 1/2.
Năm nay 64 tuổi, người gốc Texas, với kinh nghiệm 41 năm trong ngành dầu khí và một cuốn sổ địa chỉ dầy cộm, trong đó có «người bạn thân» là tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Rex Tillerson - cựu lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil, trở thành gương mặt và tiếng nói của siêu cường với thế giới.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, tân tổng thống Donald Trump trân trọng giới thiệu người ông tin cậy bổ nhiệm làm ngoại trưởng như sau: "Ông ấy đã bỏ một việc làm rất tốt để gia nhập nội các. Với nhân vật được kính trọng trên thế giới làm ngoại trưởng, Mỹ có thể mang lại hoà bình, ổn định trong giai đoạn nhiều rối loạn như hiện nay».
Tuy nhiên theo AFP, rắc rối đầu tiên mà vị ngoại trưởng thứ 69 của Mỹ kể từ thời lập quốc phải đối phó xuất phát ngay từ bên trong nước Mỹ, mà chính xác hơn nữa là từ bên trong bộ ngoại giao.
Tân ngoại trưởng Rex Tillerson cam kết với các quan chức chủ chốt của bộ rằng ông «luôn luôn là người đại diện quyền lợi của toàn thể nhân dân Mỹ». Là chủ gia đình một vợ 4 con, thời còn trẻ từng làm chủ tịch hội Hướng đạo Mỹ, ông Tillerson gia nhập Exxon Mobil lúc mới ra trường và lần lượt leo hết các nấc thang trách nhiệm để trở thành tổng giám đốc từ năm 2006 đến tháng 12/2016.
Từ nay, ông Rex Tillerson đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ. Nhưng mạng lưới nhân sự hùng hậu nhất thế giới với 70.000 người đang bên bờ nổi loạn, theo một viên chức cao cấp tiết lộ với AFP. Một «nhóm ly khai» đang kiểm soát bộ ngoại giao qua một «kênh liên lạc nội bộ». Một bản kiến nghị qui tụ được 1.000 chữ ký của các nhà ngoại giao và công chức phản đối chính sách của Nhà Trắng, cụ thể là sắc lệnh «bảo vệ quốc gia chống khủng bố quốc tế xâm nhập». Sắc lệnh này cấm công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi cũng như người tị nạn nhập cảnh.
Sự bất bình này được tiếp nối qua một kháng thư của hàng trăm cựu quan chức cao cấp của hai bộ quốc phòng và ngoại giao. Một trong số những nhân vật này là Thomas Countryman vừa rời ghế trợ lý ngoại trưởng, đã cảnh giác tổng thống Donald Trump: Nếu ông không tin cậy các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì cuối cùng ông sẽ làm ngoại giao theo kiểu nghiệp dư.
Thật ra tổng thống Trump trươc đó hoàn toàn không biết tổng giám đốc Exxon Mobil, Rex Tillerson, và cũng không biết ai là người có đủ khả năng làm ngoại trưởng. Mãi cho đến cho đến tháng 12/2016, gần đến ngày nhậm chức ông mới được hai cựu bộ trưởng Cộng hòa là Robert Gates (cựu bộ trưởng quốc phòng) và bà Condoleeza Rice (cựu bộ trưởng ngoại giao) giới thiệu cho.
Thông minh, cao lớn, giọng trầm, nghiêm nghị, dù bị xem là chưa có kinh nghiệm ngoại giao nhưng ông Tillerson đã trình bày trong suốt 9 giờ đồng hồ với thượng viện nhãn quan và chính sách ngoại giao của nước Mỹ, trong cuộc điều trần hồi giữa tháng giêng.
Tuy bị xem là có quan hệ thân cận với tổng thống Nga, nhưng trong cuộc điều trần tại thượng viện, ông Rex Tillerson tố cáo Maxcơva là "mối nguy» của châu Âu và NATO. Ông cũng làm cho Bắc Kinh nổi giận khi lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và tuyên bố không để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân đạo xây dựng trái phép.