Trung Quốc chất “gươm giáo” gì trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông

Một chuyên gia Trung Quốc cho biết, hiện nay đe dọa lớn nhất đối với các đảo, đá ở Biển Đông vẫn đến từ trên bầu trời và trên biển, các vũ khí được bố trí thường xuyên, lâu dài chủ yếu nên là vũ khí phòng không và chống hạm...
Trung Quốc ngang nhiên thử nghiệm máy bay ở Đá Chữ Thập, gây bức xúc cho dư luận khu vực và quốc tế
Trung Quốc ngang nhiên thử nghiệm máy bay ở Đá Chữ Thập, gây bức xúc cho dư luận khu vực và quốc tế

Tờ Hoàn Cầu mới đây cho biết, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi khi cùng với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Richardson điện đàm truyền hình tuyên bố: “Chúng tôi quyết không mưu cầu quân sự hóa đảo, đá, nhưng cũng quyết không thể không phòng ngự, công trình phòng ngự nhiều hay ít hoàn toàn quyết định bởi mức độ bị đe dọa của chúng tôi”.

Hoàn Cầu ngang nhiên khuyến nghị, để bảo vệ công trình dân dụng trên đảo, đá Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, việc bố trí trang thiết bị vũ khí với số lượng nhất định trên các đảo, đá là cần thiết. Có điều, diện tích đảo, đá tương đối nhỏ, nguồn năng lượng có hạn, các trang bị có thể bố trí vô cùng giới hạn, bởi vậy bố trí những vũ khí phòng ngự nào thì cần phải lựa chọn và quy hoạch kỹ càng.

Thứ nhất, thiết bị cảnh báo, trinh sát là không thể thiếu. Đây vừa là yêu cầu để bảo vệ chủ quyền đảo, đá, cũng là yêu cầu về giám sát thời gian thực tế, kiểm soát hiệu quả đối với vùng biển, vùng trời phụ cận. Một là, cần ra đa quản lý vùng trời, ra đa cảnh giới đối không và ra đa tìm kiếm trên biển với số lượng nhất định. Hai là, do là ra đa bổ sung, cần thiết phải bố trí hệ thống trinh sát bằng ánh sáng trắng và hồng ngoại với số lượng nhất định. Ba là, còn có thể bố trí một số hệ thống trinh sát điện tử và hệ thống nghe trộm thông tin. Bốn là, bố trí hệ thống sona đáy biển với số lượng nhất định.    

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt khi trả lời phỏng vấn đã bao biện rằng, việc xây dựng đảo, đá của Trung Quốc ở Biển Đông là để cung cấp nhiều dịch vụ công cộng hơn, cung cấp hải đăng để thuận tiện giao thông và tiếp tế tài nguyên như: dầu, nước ngọt cho tàu bè qua lại. Lý Kiệt cho rằng, vũ khí bố trí trên các đảo, đá đa số có tính phòng ngự, ví dụ vũ khí phòng không.vv.

Một chuyên gia Trung Quốc cho biết, hiện nay đe dọa lớn nhất đối với các đảo, đá ở Biển Đông vẫn đến từ trên bầu trời và trên biển, các vũ khí được bố trí thường xuyên, lâu dài chủ yếu nên là vũ khí phòng không và chống hạm. Do diện tích đảo, đá có hạn, về mặt phòng không, bình thường có thể bố trí một số hệ thống phòng không tầm gần, ví dụ các hệ thống như: Hồng kỳ 7, pháo phòng không tầm gần 730 hoặc pháo cao xạ kiểu tự động.vv.., chủ yếu thực hiện nhiệm vụ “phòng ngự điểm”, ngăn chặn sự tiến công của tên lửa hành trình, và phòng không khu vực bên ngoài lúc bình thường do tàu hải quân đảm nhận.    

Đối với việc “công trình phòng ngự của Trung Quốc nhiều hay ít quyết định bởi mức độ đe dọa” mà Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nêu ra, Lý Kiệt giải thích rằng, đe dọa này chủ yếu là chỉ việc lãnh hải, vùng trời của Trung Quốc bị xâm phạm, đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia và quyền, lợi ích biển. Trong tình hình đó, Trung Quốc phải tiến hành phòng ngự tích cực. “Nếu bố trí phải căn cứ vào việc đối phương sử dụng binh lực như thế nào, chúng ta cũng phải tiến hành phòng ngự nhằm vào đối phương, ví dụ bố trí vũ khí chống hạm, chống ngầm, phòng không”.

Một chuyên gia Trung Quốc khác cho rằng, nếu tình hình căng thẳng, có thể điều các hệ thống phòng không Hồng Kỳ 9, Hồng Kỳ 12, Hồng Kỳ 16 hoặc S-300, lựa chọn các đảo ở tuyến đầu, có diện tích đủ lớn để bố trí. Nhưng bố trí hệ thống tên lửa phòng không loại lớn như vậy không chỉ cần diện tích đủ lớn mà còn cần bố trí thành hệ thống, tốt nhất là bố trí theo đơn vị chiến thuật (ví dụ đoàn), có lợi cho việc chống quấy nhiễu và tấn công với quy mô lớn, và yểm trợ cho nhau. Nếu chỉ bố trí một, hai hệ thống, trái lại dễ bị phá vỡ từng cái. Ngoài ra, bố trí hệ thống phòng không cũng cần xem xét việc phối hợp sử dụng với tên lửa phòng không của tàu chiến hải quân.

Vị này cho rằng, ngoài hệ thống phòng không, nên bố trí vũ khí chống hạm với số lượng nhỏ, bình thường nên bố trí pháo bảo vệ bờ biển với các kích cỡ khác nhau, chủ yếu ứng phó với sự khiêu khích và quấy nhiễu của nhóm địch nhỏ, đây chính là đe dọa chủ yếu trong thời bình. Trong thời kỳ căng thẳng có thể bố trí “Ưng Kích – 8”, “Ưng Kích – 62”.vv.. để có lợi cho việc phong tỏa kiểm soát biển, tiến hành “lấy đất trị biển”. Ngoài ra, còn nên bố trí vũ khí chống ngầm và vũ khí chống người nhái với số lượng nhỏ.

Theo Lý Kiệt, hiện nay các đảo, đá ở Biển Đông xây dựng cầu tàu tương đối nhỏ, không có cách nào bố trí tàu chiến loại lớn, có thể điều tàu loại trung và vừa tiến hành tuần tra định kỳ, tương lai cũng có thể điều máy bay tuần tra định kỳ. Có điều, một chuyên gia khác cho rằng, trong thời bình, tại các đảo, đá có điều kiện phải bố trí máy bay tiêm kích với số lượng nhất định, không nên liên hệ với “tình hình”.

Lý Kiệt nhấn mạnh, chúng ta bố trí những vũ khí mang tính phòng ngự này tuyệt đối không phải là quân sự hóa đảo, đá mà là dùng vũ khí hiệu quả để tiến hành phòng ngự và chế ngự hiệu quả, “đạt đến mục tiêu đối phương có thể bắn phát thứ nhất nhưng không có cơ hội bắn phát thứ hai”. Ở Biển Đông, ngoài đá “Vĩnh Thử” (đá Chữ Thập), đá “Chử Bích” (đá Su Bi), đá “Mỹ Tế” (đá Vành Khăn), hiện nay đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm) có sân bay, để bảo vệ những mục tiêu này không bị tấn công, cần phải bố trí một số vũ khí phòng ngự cần thiết.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, do diện tích đảo, đá ở Biển Đông hạn chế, về tổng thể, trang thiết bị vũ khí có thể dung nạp không nhiều, tương đối khó bố trí thành hệ thống, thê đội. Đảo Hải Nam và các công trình liên quan của thành phố “Tam Sa” cách các đảo, đá ở Biển Đông quá xa, nằm ngoài tầm với, vì thế hễ nguy cơ khu vực leo thang vẫn cần dựa vào tàu chiến, thậm chí tàu mặt nước loại lớn để bảo vệ.

Hoàn Cầu cho biết, từ tình hình đưa tin của báo chí nước ngoài, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ một số đảo, đá hiện nay có khả năng chính là tàu khu trục của hải quân. Tàu khu trục và tàu hộ vệ có hệ thống trinh sát, cảnh báo và hỏa lực đối không, đối hải tương đối toàn diện, nhưng việc bố trí cố định này một mặt có giá thành tương đối cao, mặt khác đã hạn chế năng lực cơ động của tàu chiến, trên thực tế là đã hạn chế phát huy hỏa lực hơn nữa. Vì vậy, bố trí vũ khí với số lượng nhất định trên các đảo, đá tiết kiệm hơn về mặt kinh tế. Điều này đưa ra yêu cầu cao hơn về năng lực bảo đảm tổng hợp.

Bất chấp quốc tế phản đối quân sự hóa Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, việc bố trí vũ khí loại lớn (bao gồm máy bay chiến đấu) không nhất định phải cố định, có thể áp dụng phương thức bố trí luân phiên. Để cho lực lượng bảo vệ bờ biển của hải quân, lực lượng phòng không của không quân, lực lượng máy bay chiến đấu luân phiên đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ lập thể. Việc này cần làm tốt quy hoạch tổng thể. Đặc biệt là hệ thống thông tin và hệ thống ra đa, thống nhất phương thức thông tin. Hễ cần thiết, lực lượng và trang bị tăng viện có thể “sử dụng được ngay”.

Theo NCBĐ