Chậm chễ, nhiều nội dung chưa triển khai thực hiện
Bộ Công thương cho biết, có 2 nội dung chính liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Petrolimex. Thứ nhất, là việc xếp loại doanh nghiệp đối với 31 công ty xăng dầu thành viên; Thứ hai, là việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể cá nhân thuộc Tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh.
Theo đó, vào tháng 4/2016 và tháng 9/2016, Bộ Công thương đã 2 lần gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức họp kiểm điểm cá nhân, tập thể và các công ty đã để xảy ra các tồn tại, vi phạm và khẩn trương thực hiện các kiến nghị nêu trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thực hiện yêu cầu này, đến 26/10/2016, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có báo cáo số 1271/LLX-HĐQT về việc thực hiện Kết luận thanh tra. Tuy nhiên, do một số nội dung còn chưa triển khai thực hiện nên ngày 5/12/2016 Bộ Công thương lại tiếp có Công văn “thúc dục” Petrolimex tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể và cá nhân liên quan và báo cáo kết quả thực hiện.
Sau đó, ngày 16/12/2016, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có Công văn số 1583/PLX-HĐQT yêu cầu các cá nhân, đơn vị trực thuộc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; các đơn vị thành viên liên quan triển khai kiểm điểm và báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Nhận thấy việc triển khai thực hiện vẫn còn thiếu sót, đến ngày 11/1/2017 Bộ trưởng Bộ Công thương đã phải đích thân ký Công văn số 257/BCT-TTB nghiêm khắc phê bình Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chậm trễ trong việc thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Ngay trong cùng ngày, HĐQT, Ban Tổng giám đốc Petrolimex đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân theo kết luận luận của Thanh tra Chính phủ dưới sự chứng kiến của đại diện Lãnh đạo Bộ và các vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã “nghiêm túc rút kinh nghiệm” trong quản lý điều hành theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đồng thời chỉ đạo, quán triệt các đơn vị thành viên nghiêm túc triển khai thực hiện.
Không hồi tố xếp loại doanh nghiệp thành viên
Liên quan đến việc xếp loại doanh nghiệp đối với 31 công ty xăng dầu thành viên, Bộ Công thương cho biết, năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước việc xếp loại doanh nghiệp thực hiện theo quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 115/2007/TT-BTC ngày 25/9/2007 của Bộ Tài chính.
Theo đó, Bộ Công Thương có thẩm quyền xếp loại doanh nghiệp đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; đối với các công ty xăng dầu thành viên, việc xếp loại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam.
Ngày 16/5/2011, Tổng công ty có Công văn số 0678/XD-CVHĐQT về việc đề nghị xếp loại doanh nghiệp năm 2010. Sau khi xem xét và có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính tại Công văn số 8863/BTC-TCDN ngày 06/7/2011, Bộ Công Thương đã xếp loại doanh nghiệp loại A năm 2010 đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là theo thẩm quyền và đảm bảo quy định.
Ngày 15/6/2012, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có văn bản số 0917/PLX-HĐQT về việc đề nghị xếp loại doanh nghiệp năm 2011. Sau khi có văn bản giải trình của Tập đoàn (Công văn số 1409/PLX-TCKT ngày 11/9/2012) và ý kiến của Bộ Tài chính (Công văn số 5591/BTC-TCDN ngày 06/5/2013 về việc xếp loại doanh nghiệp năm 2011), Bộ Công Thương đã có Quyết định xếp loại doanh nghiệp loại A năm 2011 đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là theo thẩm quyền và đảm bảo quy định.
Năm 2012, cơ quan thuế đã kiểm tra và ban hành các quyết định xử phạt vi phạm trong việc chấp hành pháp luật thuế đối với 31 công ty xăng dầu thành viên, các quyết định xử phạt hành chính này đều xảy ra sau thời điểm nộp báo cáo xếp loại doanh nghiệp nên không thực hiện hồi tố để xếp loại cho doanh nghiệp đã được xếp loại năm 2010, 2011 mà được làm căn cứ xếp loại doanh nghiệp năm 2012.