Nghị sĩ Australia kêu gọi “đuổi” Trung Quốc khỏi Biển Đông

VietTimes -- Thượng nghị sĩ Australia cho rằng phương Tây chỉ có tiến hành chiến tranh toàn diện thì mới có thể đuổi Trung Quốc ra khỏi Biển Đông, nhưng phương Tây đến nay đã "thất bại".
Thượng nghị sĩ đảng Tự do Australia Jim Molan. Ảnh: ABC.
Thượng nghị sĩ đảng Tự do Australia Jim Molan. Ảnh: ABC.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/5 cho rằng mặc dù gần đây chính phủ Australia phát đi tín hiệu khôi phục quan hệ với Trung Quốc, nhưng những tiếng nói "thù địch" đối với Trung Quốc trong nội bộ Australia hoàn toàn không chấm dứt.

Tờ The Australian ngày 28/5 dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Tự do, cựu quan chức cấp cao quân đội Australia Jim Molan bình luận về tình hình Biển Đông, cho rằng cuộc chiến giành kiểm soát Biển Đông (của phương Tây) đã thất bại. Theo ông Molan, ngoài chiến tranh toàn diện, không có gì có thể đuổi quân đội Trung Quốc ra khỏi những hòn đảo đã bị họ tăng cường triển khai quân sự trái phép.

Trước đó một ngày, hai tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng biển của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và triển khai quân sự bất hợp pháp.

Nhà nghiên cứu Vu Lôi, Trung tâm nghiên cứu Australia, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng Jim Molan chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hoàn toàn không có liên quan gì đến việc "đi theo Mỹ" của thế lực bảo thủ Australia.

Gần đây, máy bay ném bom H-6K Trung Quốc tiến hành cất, hạ cánh bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Ảnh: Ifeng.
Gần đây, máy bay ném bom H-6K Trung Quốc tiến hành cất, hạ cánh bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Ảnh: Ifeng.

Theo tờ Sydney Morning Herald Australia, Jim Molan từng là Thiếu tướng lục quân Australia, làm Thượng nghị sĩ từ tháng 2/2018, có thái độ thù địch với Trung Quốc ngay từ bài phát biểu công khai đầu tiên sau khi nhậm chức. Khi đó, Jim Molan cho rằng Australia nên tăng cường năng lực tự chủ về quân sự, đồng thời làm tốt chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Lần này, Jim Molan tiếp tục đề cập đến "chiến tranh". Tờ The Australian cho rằng Jim Molan phê phán phương Tây không thể nhanh chóng và quyết đoán áp dụng các hành động phản đối Trung Quốc "xâm chiếm" Thái Bình Dương, từ đó khiến cho cân bằng quyền lực trở nên có lợi cho Bắc Kinh một cách vĩnh viễn.

Jim Molan nói: "Bài học chiến lược vài chục năm qua là, khi bất cứ quốc gia phương Tây nào muốn sử dụng sức mạnh quân sự thì cần quyết đoán sử dụng sớm". "Trừ phi tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện, nếu không người Trung Quốc sẽ không bị trục xuất khỏi Biển Đông".

Nhà nghiên cứu Vu Lôi cho rằng Jim Molan đại diện cho lợi ích của phía quân đội, tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc" là lập trường nhất quán của giới quân sự và an ninh Australia. Vấn đề Biển Đông và vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở Australia được tăng cường là tiêu điểm xảy ra tranh cãi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Australia gần đây.

Trên tờ Sydney Morning Herald, cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr cho rằng quan hệ giữa Australia và Trung Quốc hiện nay nguy cơ đóng băng không phải do bất đồng mang tính thực chất, nguyên nhân chính là do một số người ở Australia liên tiếp đưa ra những phát biểu nhằm vào Trung Quốc.

Tàu tuần dương USS Antietam (trong ảnh) và tàu khu trục USS Higgins của hải quân Mỹ gần đây đã đi vào vùng biển 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa, thách thức yêu sách "quá mức" của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik.
Tàu tuần dương USS Antietam (trong ảnh) và tàu khu trục USS Higgins của hải quân Mỹ gần đây đã đi vào vùng biển 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa, thách thức yêu sách "quá mức" của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik.

Sau khi phàn nàn về việc phương Tây không sớm tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, Jim Molann còn đề xuất phương án giải quyết "phi đối đầu". Theo Jim Molan, thảo luận khả năng hải quân Australia triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông "không có ý nghĩa gì", bởi vì vấn đề này đã được giải quyết bởi sự bất lực của phương Tây.