Mỹ tăng cường thảo luận với đồng minh bàn cách ứng phó Triều Tiên

VietTimes -- Đối mặt với hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 6/3, Mỹ và các nước đồng minh Đông Bắc Á đã không thể ngồi yên, tích cực tiến hành trao đổi chặt chẽ, thực hiện các cuộc điện đàm, thậm chí cân nhắc “đánh đòn phủ đầu”.
Tháng 2/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Mỹ, hội đàm với Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Mail
Tháng 2/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Mỹ, hội đàm với Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Mail

Các nguồn tin từ Mỹ và Nhật Bản cho biết, ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành điện đàm trong thời gian 25 phút. Ông Donald Trump đã tái khẳng định cam kết ủng hộ “100%” Nhật Bản. Hai bên thảo luận về vấn đề Triều Tiên vừa phóng tên lửa.
Ông Shinzo Abe cho biết: "Nhật Bản và Mỹ xác nhận, Triều Tiên phóng tên lửa rõ ràng đã vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc, rõ ràng là một hành vi khiêu khích đối với khu vực và cộng đồng quốc tế". "Mối đe dọa (từ Triều Tiên) đã bước vào một giai đoạn mới".
Ông Shinzo Abe cho biết thêm, Nhật Bản “sẵn sàng phát huy vai trò lớn hơn, thực hiện trách nhiệm lớn hơn” để ngăn chặn Triều Tiên.
Văn phòng quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết ông Donald Trump cũng đã tiến hành điện đàm với ông Hwang Kyo-ahn, hai bên cũng đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên phóng tên lửa.
Theo các nguồn tin, Mỹ và đồng minh còn phối hợp thúc đẩy triệu tập  một hội nghị ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để tìm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với Triều Tiên. Điều này sẽ làm gia tăng sức ép quốc tế đối với Triều Tiên trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tiến hành điện đàm (ảnh tư liệu)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tiến hành điện đàm (ảnh tư liệu)

Ngoài trao đổi chặt chẽ với các đồng minh, theo tờ Thời báo New York Mỹ, các quan chức an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận hai khả năng đối phó Triều Tiên: Một là tấn công đánh đòn phủ đầu - điều này chắc chắn sẽ dẫn tới Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Hai là tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc.
Theo các quan chức tình báo, Triều Tiên đã có khả năng sử dụng tên lửa lắp đầu đạn hạt nhân tấn công phần lớn lãnh thổ của cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giáo sư Takashi Kawakami, Đại học Takushoku cho rằng việc triển khai THAAD có thể giúp Mỹ chiếm lợi thế khi cân nhắc tiến hành “đánh đòn phủ đầu” đối với Triều Tiên. Nếu Mỹ áp dụng hành động này, “Triều Tiên sẽ phát động phản công đối với Mỹ hoặc Nhật Bản, hoặc khu vực khác.
Vì vậy, trong tình hình này, Mỹ sẽ sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD triển khai ở bán đảo để đối phó tên lửa của Triều Tiên”.