Do Triều Tiên tích cực thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa, thậm chí có các hành động “khiêu khích” bằng cách thường xuyên phóng tên lửa và thử hạt nhân để “đe dọa”, ngày 6/3/2017, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Đến ngày 7/3, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ xác nhận, Mỹ bắt đầu triển khai lô thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, cho dù việc này bị Trung Quốc phản đối.
Hãng tin Reuters Anh ngày 7/3 cho rằng động thái này của Mỹ có thể làm gia tăng xung đột giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc sẽ gây thiệt hại cho an ninh và ổn định khu vực.
Kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ đã khiến cho Trung Quốc và Hàn Quốc rơi vào bế tắc ngoại giao.
Hiện nay có hơn 20 cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã tạm thời đóng cửa ở Trung Quốc. Tuần trước, Tập đoàn Lotte đã ra quyết định đổi đất với quân đội Hàn Quốc để Mỹ triển khai hệ thống THAAD.
Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng radar của hệ thống này có cự ly dò tìm siêu xa, có thể thu thập các thông tin trên lãnh thổ Trung Quốc. Hàn Quốc và Mỹ từng cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa này chỉ để ngăn chặn sự khiêu khích của Triều Tiên.
Có quan điểm thậm chí cho rằng Trung Quốc lo ngại hệ thống THAAD có thể được sử dụng để giúp các nhà quyết sách Mỹ mạnh dạn tiến hành “đánh đòn phủ đầu”, phá hủy kho vũ khí hạt nhân còn tương đối nhỏ của Trung Quốc. Mỹ thực sự có khả năng tiến hành một cuộc “tấn công” như vậy nếu như Mỹ tin rằng THAAD có thể đánh chặn vũ khí của Trung Quốc.
Ngày 7/3, Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo sẽ áp dụng các “biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích tự thân, tuyên bố “mọi hậu quả kéo theo sẽ do Mỹ và Hàn Quốc gánh chịu”. Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt tiến trình triển khai này, không được tiếp tục đi trên “con đường sai lầm".
Ngày 8/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, phạm vi do thám của hệ thống THAAD vượt xa bán đảo Triều Tiên, rõ ràng có ý đồ đe dọa an ninh chiến lược của Trung Quốc. Vì vậy, THAAD là một sự lựa chọn "sai lầm", thậm chí có thể làm cho Hàn Quốc rơi vào tình cảnh "không an toàn hơn". Vương Nghị yêu cầu Hàn Quốc không tự ý hành động, nếu không sẽ "hại mình hại người".
Tân Hoa xã Trung Quốc cảnh báo, THAAD “sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á”, vì nó sẽ kích thích phát triển các mâu thuẫn mới. Tân Hoa xã còn cho rằng, công nghệ hạt nhân chưa hoàn thiện của Triều Tiên không những không thể ngăn chặn được Washington và Seoul, mà còn không thể củng cố được an ninh tự thân.
Việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phải xem xét lại chính sách đối với Triều Tiên và Hàn Quốc. Mong muốn “lấy lòng” cả Hàn Quốc và Triều Tiên của Trung Quốc đã thất bại.
Trung Quốc lo ngại việc triển khai THAAD sẽ tạo cơ sở để Mỹ xây dựng mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa rộng lớn hơn tại khu vực như triển khai ở Nhật Bản và Philippines, qua đó chống lại sức mạnh quân sự không ngừng tăng lên của Trung Quốc cũng như chống lại Triều Tiên.
Trung Quốc chỉ quan tâm đến kế hoạch khu vực của Mỹ, chứ không để ý tới lợi ích an ninh quốc gia của Hàn Quốc – tờ Thời báo New York dẫn lời một cựu quan chức cấp cao Trung Quốc có tên là Dương Hi Ngọc nhận định.
Có tin cho hay Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một phương án thúc đẩy hiện đại hóa kho vũ khí hiện có và phát triển vũ khí mới có thể tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc triển khai THAAD có thể làm cho Trung Quốc đẩy nhanh các bước đi trên hướng này.