Đô đốc Hải quân Mỹ: Khả năng tàng hình của F-35 là vô dụng!

Máy bay chiến đấu F-35 đã gặp rất nhiều vấn đề trong sản xuất cũng như chi phí và đã có không ít nghi ngờ về khả năng chiến đấu của nó. Mới đây, tính năng tàng hình của nó lại bị đặt dấu hỏi.
Một chiếc phi cơ F-35 trên tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.
Một chiếc phi cơ F-35 trên tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.

Đô đốc Jon Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến của mình về loại máy bay thế hệ tiếp theo mà lực lượng này muốn có trong một bài phát biểu vào tuần trước. Điều đáng nói là, chiếc phi cơ hoàn hảo của ông lại không hề giống chiếc máy bay F-35 đời mới và tiêu tốn nghìn tỷ USD, theo tạp chí Navy Times cho biết.

Ông Greenert nói rằng “khả năng tàng hình sẽ không còn tác dụng”, câu nói có thể coi là đòn đánh vào máy bay F-35 vốn đã gặp nhiều vấn đề.

“Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào?”, ông Greenert phát biểu. “Tôi không dám nói rằng nó sẽ cần đến người lái hay không, tôi không thể biết được. Máy bay chỉ có thể đạt được một tốc độ cao nhất định, và đến lúc đó khả năng tàng hình sẽ không còn tác dụng nữa… Chúng ta nên biết, nếu một vật thể di chuyển nhanh trong không khí, làm các phân tử rối loạn và gây ra nhiệt, cho dù động cơ có mát đến đâu đi chăng nữa, nó sẽ bị phát hiện”.

Ông Greenert từ lâu đã là người nghi ngờ về tính năng tàng hình của phi cơ, và ông tin rằng công nghệ này sẽ không thể tồn tại mãi với sự phát triển của hệ thống rađa. Năm 2012, ông viết: “Thay vì công nghệ tàng hình, đã đến lúc chúng ta phải chú ý đến những tính năng khác nhằm giúp máy bay hoạt động cách xa những đối phương sử dụng vũ khí đánh chặn và các thiết bị không người lái, hoặc có những thiết bị điện tử để gây nhiễu loạn hoặc chặn đứng các bộ cảm biến nguy cơ giúp đối phương không phải né tránh chúng như trước đây”.

Ý kiến của Greenert về tính năng tàng hình cũng trùng với suy nghĩ của một số nhân vật trong Bộ Quốc phòng Mỹ, và cả Boeing đồng ý rằng thiết bị điện từ và công nghệ làm nhiễu thiết bị đều quan trọng hơn khả năng tàng hình của phi cơ. Boeing và Lockheed Martin, công ty sản xuất F-35, thường cạnh tranh để giành được những hợp đồng quân sự như vậy.

Ông Mike Gibbons, phó chủ tịch của Boeing đảm trách dự án F/A-18 Super Hornet và EA-18G Growler trả lời trang tin Business Insider rằng: “Đây là một sự chuyển dịch về quan điểm, cũng giống như sự thay đổi diễn ra vào đầu thế kỷ 20 khi người ta không dám tin về việc có thể bay trên bầu trời. Việc mong muốn kiểm soát hệ thống điện từ cũng tương tự như vậy. Công nghệ tàng hình chưa bao giờ có thể bảo vệ quân đội chúng ta một cách đầy đủ”.

Chiếc Boeing EA-18G Growler chuyên về gây nhiễu loạn các hệ thống cảm biến, làm gián đoạn các hệ thống chỉ huy và điều khiển và cản trở hệ thống tìm diệt của vũ khí đối phương. Boeing tin rằng máy bay Growler của họ có thể kết hợp rất tốt với F-35. 

Hải quân Mỹ tỏ ra dè dặt về việc mua F-35. Trong năm 2015, lực lượng này chỉ đặt hàng 2 chiếc F-35 và sau đó các nghị sĩ trong Quốc hội đã yêu cầu tăng lên thành 4. Lực lượng Thủy quân Lục chiến đã yêu cầu 6 chiếc và Không quân Mỹ đã đặt 26 F-35 trong năm nay.

Theo Reuters, Mỹ dự định sẽ có 1.763 F-35 trong năm 2037.

Theo: InfoNet