Bài phát biểu đầu năm mới 2016 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là đã phát đi thông điệp cải cách mạnh mẽ nhất vài năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới được dự đoán sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn năm 2016.
Bất chấp thông điệp cải cách mạnh mẽ đó, những rắc rối với kinh tế Trung Quốc có vẻ đã đến sớm hơn dự kiến, khi dòng thác rút vốn đầu tư ra khỏi nước này vẫn đang tăng lên chóng mặt.
Cuộc đại tháo chạy
Vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngay cả một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc cũng gia nhập xu thế này. Mặc kệ những lời kêu gọi mạnh mẽ của ông Tập, người Trung Quốc vẫn cứ tìm mọi cách để tuồn lậu tiền ra khỏi đất nước mình.
Việc rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có lẽ không khác gì một cú Domino, chỉ cần một tác động nhỏ và mọi thứ diễn ra nhanh chóng theo dây chuyền. Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về phương diện dòng chảy vốn đầu tư rời khỏi quốc gia với quy mô lớn nhất, chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm 2015 đã có khoảng 500 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài rời đi.
Đối tượng mới nhất tham gia vào xu thế này là các ngân hàng quốc tế, khi hầu hết đều tìm cách bán hết cổ phần của các ngân hàng Trung Quốc mà họ sở hữu, điển hình là Deutsche Bank hay Goldman Sachs. Hầu hết các ngân hàng lớn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc đều rơi vào tình trạng chịu lỗ do kinh tế nước này giảm tốc độ tăng trưởng. Tân giám đốc điều hành Deutsche Bank Trung Quốc - John Cryan tuyên bố khoản lỗ lên đến 6 tỉ euro chỉ trong quý 3/2015, buộc phải rút vốn khỏi các ngân hàng đang sở hữu.
Việc các giám đốc điều hành các ngân hàng lớn, vốn được coi là những người thức thời và nhạy bén nhất với tình hình tài chính, tuyên bố rút vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc có vai trò như một phát pháo lệnh. Nó đang chỉ ra rằng tình hình nền kinh tế, đặc biệt là tình hình tài chính Trung Quốc, đang có vấn đề hơn bao giờ hết. Và nó đang dẫn đến một vụ tháo chạy lớn nhất của các nhà đầu tư khỏi nền kinh tế số hai thế giới.
Đáng ngạc nhiên hơn cả là một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc cũng đang gia nhập vụ tháo chạy ấy, theo một cách còn mạnh mẽ hơn nhiều.
Trên thực tế, việc người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài đã diễn ra từ lâu. Hầu hết là các trường hợp liên quan đến tham nhũng và họ chuyển tiền ra nước ngoài để tránh bị điều tra và tịch thu. Phần còn lại là những triệu phú mới nổi, chuyển tiền ra nước ngoài để đa dạng hóa địa điểm đầu tư, tránh rơi vào tình trạng dồn hết trứng vào một giỏ ở thị trường trong nước vốn là việc khá mạo hiểm do rủi ro chính trị.
Nhưng đa phần người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài là để cất giữ như một sự bảo đảm, dưới hình thức đầu tư ra nước ngoài. Đó là lý do một phần lớn tiền đầu tư ra nước ngoài của người Trung Quốc những năm qua là vào lĩnh vực bất động sản.
Theo thống kê, có khoảng 324 tỉ USD rời khỏi Trung Quốc theo dạng này trong năm 2014, và trong 8 tháng đầu năm 2015, con số này rơi vào khoảng 200 tỉ USD. Người Trung Quốc hiện đang sở hữu phần lớn bất động sản ở các thành phố lớn trên thế giới như Singapore, Sydney, New York, Vancouver.
Trăm cách chuyển tiền
Điều đáng ngạc nhiên nhất là phần lớn số tiền này được chuyển ra nước ngoài bằng con đường lậu.
Luật pháp Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư ra nước ngoài, còn mang tiền theo người ra nước ngoài thì bị hạn chế ở mức dưới 50.000 USD/người. Để chuyển được hàng trăm tỉ USD ra nước ngoài, một mê cung các phương thức vận chuyển lậu được ra đời, từ đơn giản nhất đến tinh vi nhất. Một trong những cách được ưa chuộng nhất là chuyển khoản sang Hồng Kông đổi tiền trước khi đem ra nước khác.
Cách thức hoạt động khá đơn giản: khách hàng Trung Quốc sang Hồng Kông lập một tài khoản ngân hàng, rồi về đại lục chuyển tiền từ một tài khoản từ đại lục sang tài khoản mới lập ở Hồng Kông. Số nhân dân tệ được chuyển đó sẽ được đổi sang USD hay dollar Hồng Kông tùy ý với một mức phí khá rẻ, chỉ khoảng 1.000 nhân dân tệ cho 1 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 130.000 USD). Từ Hồng Kông, khách hàng có thể dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài do luật pháp tại đây thông thoáng hơn so với ở đại lục rất nhiều.
Một cách thức khá tinh vi khác là việc sử dụng thẻ UnionPay ở nước ngoài như một hình thức lách luật. Người Trung Quốc có thể sử dụng thẻ này để chuyển tiền ra nước ngoài một cách công khai, dù chi phí hơi cao một chút. Cách thức thực hiện là dùng thẻ UnionPay để mua sắm trong các cửa hàng ở nước ngoài, nếu như khách hàng muốn trả lại món đồ đã mua thì cửa hàng sẽ hoàn lại bằng tiền mặt thay vì hoàn trả vào tài khoản thẻ, với một khoản phí dao động trong khoảng từ 5-10%.
Dù chi phí hơi cao nhưng lại nhanh gọn và hiệu quả thay vì mất nhiều thời gian và công sức chuyển tiền qua Hồng Kông như cách trên. Những con bạc đại lục đến Macao rất ưa chuộng cách thức vận chuyển này, đó là lý do chính phủ Trung Quốc lập tức xiết chặt dịch vụ này.
Dĩ nhiên là cũng không thiếu những cách thức có phần thô thiển và lộ liễu. Một trong số đó là cố qua mặt hải quan ở sân bay để mang tiền mặt theo người. Bộ phận hải quan ở Vancouver và Toronto - hai thành phố ở Canada, thống kê được rằng họ đã thu giữ hơn 15 triệu USD bằng tiền mặt hoặc séc của 869 công dân Trung Quốc từ tháng 6.2012 đến tháng 12.2014.
Đó là với những người không thuộc dạng giàu có lắm. Còn với những người giàu nhất Trung Quốc, thì các ngân hàng nước này thậm chí còn mở hẳn một dịch vụ giúp những khách hàng này mua nhà ở nước ngoài một cách công khai. Cách thức hoạt động là cho phép khách hàng vay tiền từ chi nhánh ở nước ngoài nếu như có tài khoản hoặc các tài sản ở trong nước làm thế chấp.
Việc một bộ phận không nhỏ người dân gia nhập vào dòng chảy rút tiền ra khỏi thị trường và chuyển ra nước ngoài đang khiến chính phủ nước này đau đầu.
Trước hết nó sẽ là một tác động không nhỏ khiến đồng nhân dân tệ sụt giá mạnh thêm, do hầu hết đều đổi nhân dân tệ ra một đồng tiền khác (như USD hay Euro) trước khi chuyển ra nước ngoài. Khi có tới hàng trăm tỉ USD đồng thời bị rút và quy đổi từ nhân dân tệ trong cùng một khoảng thời gian, đó sẽ là một cú sốc tỷ giá không nhỏ chút nào.
Nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất, là nó có thể đẩy Trung Quốc rơi sâu hơn vào vực thẳm tài chính của nước này.
Hầu hết bộ phận trung lưu của Trung Quốc gửi tiền ở ngân hàng hoặc đem ra đầu tư trên thị trường, việc bộ phận này rút tiền và chuyển ra nước ngoài đồng nghĩa với áp lực tài chính với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế sẽ gia tăng đáng kể.
Nó sẽ khiến cỗ máy kinh tế của Trung Quốc vốn đã gặp trục trặc nghiêm trọng do nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị rút ồ ạt, giờ đây sẽ còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn do nguồn vốn đầu tư trong nước cũng bị giới đầu tư rút khỏi thị trường.
Nhàn Đàm - Theo Bloomberg/Tri thức trẻ