Đúng như dự đoán, Tòa Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi Philippines hoan hỉ thì Trung Quốc lại phản ứng một cách thô bạo và bác bỏ toàn bộ phán quyết này, National Interest ghi nhận.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: Chấp nhận một hệ thống quốc tế đi ngược lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc hay tiếp tục xác quyết yêu sách chủ quyền mạnh mẽ hơn nữa và gia tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng.
Mỹ và các đồng minh cũng đang phải đối mặt với một quyết định không mấy dễ dàng. Liệu họ nên củng cố phán quyết của tòa án bằng những hành vi không khoan nhượng về mặt ngoại giao hoặc tăng cường quân sự? Hoặc giả phải điều chỉnh hệ thống để đối phó các yêu sách của Trung Quốc.
Theo National Interest, các tranh chấp lãnh thổ là vấn đề quốc tế lâu dài và khá hóc búa. Không có tiến trình chung cho việc phân định chủ quyền và thẩm quyền chung trong việc quyết định ai sở hữu cái gì. Hầu hết các quốc gia đều theo đuổi lợi ích bằng việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Các cường quốc thường từ chối tuân theo các phán quyết của kẻ khác khi họ nhận thấy rằng lợi ích quan trọng của quốc gia đang bị đe dọa.
Châu Á - Thái Bình Dương hiện đang có những thách thức riêng. Vùng biển Đông Á đầy rẫy những tranh chấp lãnh thổ bao gồm bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi lý với tất cả các hòn đảo này.
Đến tận gần đây, giá trị kinh tế của các hòn đảo, bãi đá, bãi cạn và các thực thể địa lý khác vẫn khó có thể nhìn ra. Tuy nhiên, Luật Biển đã tuyên bố rõ nước nào có chủ quyền đối với lãnh hải sẽ có quyền sở hữu với mọi loại tài nguyên thuộc lãnh hải đó. Do đó, các chính trị gia ở nhiều nước bắt đầu tưởng tượng ra những tài sản khổng lồ không thể đong đếm được từ hải sản cho đến nguồn khí đốt.
National Interest đánh giá tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc đã làm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Trật tự lãnh thổ và pháp lý hiện nay được thiết lập khi Trung Quốc đang bị cô lập và còn non yếu. Đế chế Trung Quốc lúc bấy giờ không đủ khả năng để tuyên bố chủ quyền hay bảo vệ lãnh thổ của mình. Do đó cũng dễ hiểu vì sao Trung Quốc không hài lòng với kết quả này và thật không may cho các nước láng giềng của Trung Quốc khi nước này không cam chịu giữ nguyên trạng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã từ bỏ một cách không chính thức chính sách “trỗi dậy hòa bình”. Nước này đã trực tiếp thách thức chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, tăng cường kiểm soát lãnh thổ trên thực tế, xây dựng trái phép các cơ sở quân sự bao gồm cả đường băng để củng cố vị thế của mình và liên tục ép ASEAN tránh đề cập đến vấn đề này. Những nỗ lực trên hiển nhiên là để hỗ trợ cho những yêu sách lãnh thổ ngang ngược và phi lý của Trung Quốc và một số nhà phân tích phương Tây lo sợ rằng nó có thể đẩy Đông Á vào một cuộc xung đột.
Philippines thiếu lực lượng quân đội hiệu quả và đành phải thúc ép Mỹ bảo vệ mình. Philippines cũng tìm đến kênh trọng tài để đưa ra những phán quyết mang tính pháp lý về vị thế của Philippines trong cuộc tranh chấp. Trung Quốc đã ngang nhiên một mực bác bỏ thẩm quyền của tòa án. Không những không giải quyết được vấn đề, vụ kiện này chỉ mới mở ra một chương mới cho những tranh cãi vẫn còn đương đà tiếp diễn, National Interest lo ngại.
Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết và quyết tâm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ,” lợi ích quốc gia và quyền hàng hải là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Và sự tức giận của công chúng nước này cũng hết sức hiển nhiên, đây là điều mà chính quyền ông Tập Cận Bình có thể tìm cách khai thác. Bắc Kinh đang phải dàn lực lượng trên nhiều mặt trận: Thứ nhất là các vấn đề kinh tế nghiêm trọng trong nước, thứ hai là chiến dịch chống tham nhũng gây xáo trộn và thứ ba là vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận.
Cùng lúc đó, phán quyết đã tái khẳng định vị thế của Philippines và các nước lân cận. Điều này đã tăng vị thế của họ trong việc chống lại Trung Quốc. Thậm chí Philippines, nước thiếu những công cụ quân sự cần thiết để bảo vệ những tuyên bố lãnh thổ của mình, cũng đã sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Trong bất cứ trường hợp nào, các bên cũng sẽ không lùi bước.
Mỹ không phải là một bên yêu sách và không hề dính dáng đến các tranh chấp đang diễn ra. Nhưng Mỹ vẫn thường xuyên đụng độ với Trung Quốc về quyền thu thập thông tin tình báo trong vòng 200 hải lí thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ cần một bên nhấn chìm tàu thuyền của bên kia hay những hành động quá khiêu khích của máy bay cũng đã có thể tạo ra sự cố và châm ngòi một cuộc xung đột.
Nếu chiến tranh xảy ra trong khu vực này, hiệp ước đồng minh của Mỹ với Nhật Bản và cam kết với Philippines có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến với Trung Quốc, nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Thực tế, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản bao gồm cả các lãnh thổ tranh chấp trong quyền kiểm soát của Nhật Bản. Các quan chức Philippines cũng muốn một sự bảo đảm tương tự mặc dù quan hệ song phương với Mỹ đã trở nên lỏng lẻo hơn. Thậm chí thiếu vắng những quan hệ chính thức, Mỹ vẫn sẽ dính líu vào đây vì Washington xem mình như siêu cường vượt trội trên toàn cầu, có quyền giải quyết bất kì tranh chấp nào.
Tất cả các bên đều có nghĩa vụ làm giảm căng thẳng. Các bên nên bắt tay vào thực hiện điều này và bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng không một tranh chấp lãnh thổ nào đáng phải trả giá bằng một cuộc chiến tranh. Trung Quốc đã nỗ lực để giảm thiểu những nguy cơ bằng việc sử dụng “chiến thuật cắt lát salami”, cố gắng xâm chiếm từng phần từng phần, cho dù sẽ phải trả giá bằng một cuộc xung đột.
Phần lớn các đảo đều ít có giá trị nội tại. Nguồn tài nguyên ở vùng biển bao quanh có thể rất đáng kể nhưng vẫn rất nhỏ khi so với chi phí của một cuộc xung đột. Sự phát triển chung sẽ mang lại lợi ích thương mại mà không dẫn đến chiến tranh, National Interest gợi ý.
Việc kiểm soát lãnh thổ sẽ ảnh hưởng đến các quyền hàng hải, nhưng nó không mang tính quyết định. Trong thời kỳ hòa bình thì việc tự do hàng hải có thể tiến hành mà hầu như không bị cản trở gì, còn trong chiến tranh thì việc qua lại trên biển sẽ phụ thuộc vào năng lực hải quân. Thêm vào đó, các tiền đồn quân sự sẽ hỗ trợ cho lực lượng của Trung Quốc nhưng nếu các tiền đồn này càng gần với các nước đồng minh thì càng dễ bị tổn thương.
Có lẽ điều quan trọng nhất là bản ngã của mỗi quốc gia. Đó là lí do vì sao vấn đề này đến nay vẫn hết sức nan giải, cho dù việc thảo luận các vấn đề liên quan đến lịch sử khu vực, quyền kiểm soát của mỗi quốc gia, luật quốc tế và các hiệp định song phương có phức tạp đến đâu. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cực kỳ phi lý và ngông cuồng, nhưng Trung Quốc vẫn cương quyết không chịu từ bỏ, cho dù tòa án quốc tế có phán quyết thế nào. Trung Quốc cho rằng việc bảo vệ vùng duyên hải và các vùng biển của mình là điều mang tính sống còn.
Có nhận thức chung ở Mỹ cho rằng sự hiện diện của tàu bè, vũ khí Mỹ, chẳng hạn như các cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải có thể ngăn chặn các hành động hung hăng của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ không đời nào chịu từ bỏ các lợi ích quốc gia quan trọng.
National Interest đánh giá Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu quân sự, đẩy nhanh xây dựng hải quân, tăng cường hợp tác với các đối thủ của Mỹ và thách thức lợi ích của Mỹ ở bất cứ đâu. Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực khó giải quyết, việc biến chúng thành một cuộc đối đầu với Mỹ sẽ làm tăng nguy hiểm và khiến các tranh chấp này khó giải quyết hơn. Cho phép Mỹ ban bố luật chơi sẽ là điều không thể chấp nhận được với Trung Quốc.
Kết quả đẹp nhất cho Mỹ là để các sự kiện diễn ra một cách tự nhiên, các nước láng giềng của Trung Quốc tái vũ trang và phối hợp để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Sự tham gia của cả Ấn Độ và Nhật Bản sẽ khiến liên minh khu vực có nhiều khả năng được thành lập hơn. Các nước này sẽ hành động nhiều hơn nếu biết rằng họ phải khẳng định và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình.
Theo National Interest, biện pháp hòa bình hoàn toàn có thể đạt được nếu các bên tránh biến vấn đề thành một trò chơi “được ăn cả, ngã về không”. Mỹ nên đề nghị các giải pháp sáng tạo bao gồm các các diễn đàn song phương và đa phương, các biện pháp hòa giải bên ngoài, các ủy ban quốc tế đặc biệt, đề xuất giải pháp chia sẻ chủ quyền và cùng phát triển trong khi trì hoãn các quyết định về chủ quyền, đảm bảo tự do hàng hải, không phân biệt chủ quyền và thiết lập nên bộ quy tắc ứng xử để hạn chế các đụng độ.
Phán quyết của tòa án đã khẳng định vị thế pháp lý của Philippines, nhưng điều quan trọng với các bên là cần xoa dịu, nếu không giải quyết được tranh chấp. Nếu Trung Quốc cảm thấy cần thiết phải thách thức, trong khi các quốc gia khác lại không tìm thấy lí do để nhân nhượng thì một cuộc khủng hoảng sẽ sớm nổ ra.