Putin chiến thắng hay “cắt thua” tại Syria

VietTimes -- Trong khi nhiều người nhận định việc tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria với tư cách người chiến thắng, một số ý kiến lại cho rằng thực ra là ông Putin đang “cắt thua”, bài phân tích trên trang của Viện Brooking (Mỹ).
Khó mà đoán được những động thái tiếp theo của ông Putin
Khó mà đoán được những động thái tiếp theo của ông Putin

Chuyên gia Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga cho rằng trong khi việc quân đội Nga rút khỏi Syria gây kinh ngạc, quyết định lui binh của tổng thống Putin là hợp lý do hoàn cảnh ông phải đối mặt. Phương Tây đã đánh giá sai lầm về Putin và sẽ càng khó khăn hơn để dự báo những động thái tiếp theo của nhà lãnh đạo Nga.

Trước tiên, khi ông Putin triển khai quân đội Nga tại Syria hồi tháng 9/2015, mục đích của ông gồm:

· Đưa Nga trở lại vị thế siêu cường và có vai trò vào các vấn đề quốc tế đặc biệt là về Trung Đông;

· Kháng cự phương Tây, đặc biệt là là mưu đồ lật đổ tổng thống Bashar Assad;

· Duy trì Syria như một quốc gia thống nhất là đồng minh của Nga (sẵn sàng mua vũ khí Nga và cung cấp địa điểm cho các căn cứ quân sự Nga), cũng như chấm dứt cuộc nội chiến Syria và khởi động một cuộc đối thoại chính trị trong nước;

· Tăng cường quan hệ đối tác với Iran, bao gồm mục tiêu tăng cường lợi ích kinh tế của các công ty dầu khí và các tập đoàn vũ khí Nga;

· Xây dựng một liên minh rộng rãi với sự tham gia của Mỹ, Nga, Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để chống IS.

Trừ mục tiêu cuối cùng, ông Putin đã đạt được toàn bộ các mục tiêu trong danh sách đã nêu trên. Đặc biệt liên quan xung đột với Mỹ, Kremlin xem cuộc xung đột Syria như một cuộc chạm trán khu vực Mỹ-Nga như một cuộc “chiến tranh Triều Tiên” ngày nay. Putin có thể thực sự cảm thấy mình là người chiến thắng, kể từ khi mục tiêu chính của phương Tây (lật đổ Assad) không đạt được.

Thứ hai, các chính trị gia phương Tây một lần nữa lại tính toán sai về chính sách của Putin. Họ có thể có quan điểm riêng về cuộc phiêu lưu của Nga tại Syria, nhưng điều đó không giúp  họ hiểu được những hành động của Putin.

Thay vì so sánh Putin với một kỳ thủ tìm cách giành chiến thắng chiến lược, nên nhìn vào logic của môn võ judo mà Putin là một đại cao thủ. Trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria với quyết định triển khai quân cũng như rút binh tương đối mau lẹ là một động thái bất ngờ và choáng váng gây rối loạn phe chống đối Putin. Người ta có thể thảo luận ông Putin giành chiến thắng lớn hay một điểm nhỏ, nhưng thực tế ông đã ghi điểm.

Putin đã cho thấy tại Syria và Ukraine rằng ông sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự một cách thần tốc và bất ngờ nếu cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Nga như ông định nghĩa. Do đó, đừng ngạc nhiên nếu Putin tái triển khai quân đội tại Syria lần nữa sau này. Ông Putin đã tuyên bố sẵn sàng làm việc này chỉ trong vài giờ đồng hồ. Trong trường hợp Syria, Putin đã xác định các mục tiêu của Nga và đã đạt được phần lớn và thoát ra khỏi đó trước khi bị sa lầy.

Trong khi chuyên gia Pavel K. Baev thuộc Viện nghiên cứu hoà bình Oslo lại cho rằng ông Putin không đạt được mục đích mà là chỉ đang “cắt thua”.  Ông Baev nhất trí với ông Sergey rằng quyết định đột ngột rút quân của tổng thống Putin cho thấy ông đang rút ít nhất là một phần lực lượng khỏi Syria là một sự bất ngờ nhưng hợp lý hơn với ông Putin.

Tuy nhiên, ông Baev cho rằng trong khi ông Putin thành công trong việc thoát khỏi “bãi lầy” Syria, không phải vì ông đã đạt được các mục tiêu của mình mà hơn là ông đã cắt thua và thoát khỏi đó khi còn có thể.

Putin đã khéo léo thu nhỏ quyền lực trước khi vấp phải thất bại lớn thứ hai (cú đầu tiên là vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 vào tháng 11/2015). Điều tốt là trước sự mong manh của thoả thuận ngừng bắn tại Syria đã tạo một cơ hội hoàn hảo cho Nga rút lui chiến dịch can thiệp. Ngược lại, theo nghĩa ông Putin không giành được chiến thắng trên chiến trường: Hầu hết Aleppo vẫn nằm trong sự kiểm soát của phiến quân, chưa nói tới IS vẫn đang kiểm soát những khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq.

Phi công và các binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công và các binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Đúng là chiến dịch không kích của Nga đã tăng cường sức mạnh quyền lực của tổng thống Bashar Assad, nhưng việc đột ngột rút quân của Nga sẽ khiến quân đội Syria mất tinh thần và bị căng quá sức, gây nguy hại cho ưu thế của liên quân pha tạp bao gồm cả lực lượng Hezbollah, đã đạt được.

Trong khi đó, theo kế hoạch các đợt không kích của Nga đã dọn đường cho các đợt phản công quyết định do các đơn vị viễn chinh Iran tiến hành. Bất hoà về sản lượng sản xuất dầu đã làm quan hệ Nga-Iran trở nên xấu đi, khiến cuộc thử nghiệm quyền lực của Nga tại Syria trở nên nguy hiểm.

Và trong khi quyết định lui binh của ông Putin có ý nghĩa, dường như ông không vui vẻ làm việc này. Theo chuyên gia Baev, những bước đi giảm căng thẳng không đúng lắm với bản chất của Putin, và ông dường như đang cân nhắc nguy cơ của việc rút lui vội vã. Đây dường như lại là trò chứng tỏ sự “láu cá” hơn trước ông Obama, chứ không phải một đánh giá chân xác về những mục tiêu Nga đã đạt được, đã khiến ông Putin quyết định rút quân.

Mặc dù Putin thông báo triệt thoái lực lượng trước thềm hoà đàm Geneva, tạo thuận lợi cho triển vọng các cuộc đàm phán, vẫn đáng ngờ về những ý đồ của ông Putin. Kết thúc cuộc nội chiến Syria còn xa nhưng là một viễn cảnh tất yếu sẽ nhấn mạnh sự suy giảm ảnh hưởng của Nga bởi lẽ Moscow chẳng đóng góp gì vào xây dựng hoà bình, theo ông Baev.

Trên lý thuyết, Nga vẫn giữ lựa chọn mở về việc đưa chiến đấu cơ và binh sĩ trở lại Latakia, nhưng lựa chọn này thực sự không hứa hẹn. Thành công của việc triển khai hồi tháng 10 năm ngoái có được do yếu tố bất ngờ giờ đã mất, trong khi các chiến binh phiến quân hiện nay đã được chuẩn bị tốt hơn để chống lại các cuôc không kích (vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Syria mới đây đã chứng minh).

Cuối cùng theo ông Baev, sự thật là Nga không có đủ nguồn lực để duy trì lâu dài chiến dịch quân sự. Trong các cuộc họp gần đây với các cố vấn kinh tế, ông Putin và các tướng lĩnh hàng đầu đã phải quyết định cắt giảm bước đầu 5% ngân sách chi cho quốc phòng, sau này có thể còn có thể mạnh hơn. Quyết định này cũng như quyết định rút quân khỏi Syria đều nhạy cảm. Nhưng cả hai nêu bật sự rút lui chiến lược của Nga không phải ở vị thế mạnh.

T.N