Putin “đánh cờ” Syria: Hoàn toàn không phải là rút lui!

VietTimes -- Từ ngày 15/3, Nga sẽ rút toàn bộ lực lượng quân sự chủ chốt khỏi Syria. Có thể nói, lần rút quân này của ông Putin là lần rút quân với ưu thế chiến lược, vừa giữ được cục diện trên chiến trường, vừa giành được điểm cao bên bàn đàm phán, vừa tránh được sa lầy chiến tranh. 
Mỹ và các nước phương Tây thật sự bất ngờ trước quyết định rút quân của ông Putin
Mỹ và các nước phương Tây thật sự bất ngờ trước quyết định rút quân của ông Putin

Tuyên bố bất ngờ

Ngày 14/3, trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố một tin “động trời”: Từ ngày 15/3, Nga sẽ rút quân khỏi Syria vì “đã hoàn thành nhiệm vụ”. Ngay sau đó, ông Putin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với tổng thống Mỹ Obama và tổng thống Syria Bashar al-Assad về cục diện của Syria.

Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với tổng thống Mỹ Obama, ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện lời đề nghị chấm dứt các hành động đối đầu ở Syria mà Mỹ và Nga cùng đề xướng, đồng thời thông báo với ông Obama quyết định rút quân của nước Nga, chỉ ra rằng “đây là hành động truyền tải một tín hiệu tích cực, đồng thời tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình đích thực ở Syria”. Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Putin cho biết, nhiệm vụ chính của quân đội Nga tại Syria đã hoàn thành, thời gian rút quân đã được xác định, Nga sẽ duy trì hoạt động của căn cứ không quân tại Syria để giám sát việc thực hiện hiệp định ngừng bắn.

Vài giờ đồng hồ trước khi diễn ra cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest và Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby đồng thời cho biết chưa nắm được nguồn tin có liên quan, thậm chí hãng thông tấn Iran Fars còn đưa tin, đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zaspkyn cũng cho biết không nhận được thông báo này, và mục đích chủ yếu của yếu của việc ông Putin gọi điện cho tổng thống Bashar al-Assad là”thông báo” quyết định này, có thể khẳng định rằng, đối với tất cả các bên đương sự, việc Nga rút quân khỏi Syria đều là thông tin bất ngờ.

Tại sao Nga bất ngờ tuyên bố rút quân?

Trước hết, quân đội Nga đã đạt được mục tiêu xuất quân ban đầu của họ - bảo vệ chính quyền Syria không bị lật đổ. Trước khi Nga phát động chiến dịch không kích, chính quyền tổng thống Bashar al-Assad ở bên bờ vực thẳm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, Nga có nguy cơ bị đẩy ra rìa các sự vụ Trung Đông một cách triệt để. Với khẩu hiệu đưa quân sang Syria vì mục tiêu chống khủng bố, sau hơn hai tháng không kích kịch liệt, Nga đã tạm thời đứng vững ở Syria, xoay chuyển được cục diện bất lợi trước đó. Trong bối cảnh lực lượng phe đối lập phải đối lập với các đợt tấn công nặng nề của quân đội Nga, hiện tại quân đội chính phủ duy trì hiện trạng về mặt quân sự đã không còn là điều khó khăn, do đó, quân đội Nga đã có thể rút khỏi chiến trường.

Song song với đó, do mục tiêu của Nga chưa bao giờ là “thu hồi toàn bộ lãnh thổ” cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, mà là phát huy độ ảnh hưởng của nước Nga, với tiền đề cục diện có lợi cho Nga, thúc đẩy giải quyết vấn đề Syria. Với cục diện chiến trường như hiện tại, từ đầu năm 2016 đến nay, quân đội chính phủ đã bao vây thành phố quan trọng Aleppo thuộc miền Bắc Syria, tuy nhiên việc chiếm lại thành phố Aleppo vẫn còn một khoảng cách nhất định.

Một khi Aleppo thất thủ, cục diện nội chiến ở Syria sẽ thay đổi hoàn toàn, đây cũng là mồi lửa trực tiếp khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi “đứng ngồi không yên”. Tuy nhiên, nước cờ mà Nga tính toán không nằm ở đó, dừng chân ngoài thành Aleppo, đồng thời thúc đẩy các bên tham chiến tại Syria tham gia vào vòng đàm phán hòa bình mới là phương thức phù hợp nhất với mục tiêu chiến lược của nước Nga.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa kết thúc, bản thân nước Nga vừa không muốn đi vào vết xe đổ của cuộc chiến tranh Afghanistan, vừa không muốn tiếp tục gây bất hòa với phương Tây. Do đó, trên cơ sở giữ được thành quả đã đạt, Nga cần hợp tác với phương Tây để giành được nhiều lợi ích hơn.

Còn nếu Nga tiếp tục ở lại Syria sẽ gây ra chuỗi phản ứng dây chuyền  trong cộng đồng quốc tế, không những khiến cho mâu thuẫn với những người theo dòng Hồi giáo Sunni hằn sâu hơn, để Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi tiếp tục nhòm ngó và muốn nhảy vào Syria, mà còn khiến Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng quân. Rút quân là để dập tắt cục diện leo thang không cần thiết, để sự căng thẳng trong khu vực giảm tới mức thấp nhất.

Thứ ba, do tổng thống Syria Bashar al-Assad kiên quyết không chịu chấp nhận số phận bị phế truất, mối bất đồng giữa ông Bashar al-Assad và Nga ngày càng rõ hơn, cách đây không lâu, ông Anatoly Churkin - đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Anatoly Churkin đã công khai cảnh cáo về hành vi tấn công của ông Bashar al-Assad, đồng thời chỉ ra rằng hành động của chính phủ Syria không phù hợp với phương châm của Nga tại quốc gia này. Điều này cho thấy sự bất đồng giữa hai bên đã khó có thể khống chế ở cấp độ đàm phán bí mật. Không thông báo với bất kỳ bên nào mà rút quân, thực tế là đang gây sức ép cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad phối hợp đàm phán.

Lực lượng không gian vũ trụ Nga tham gia diệt khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik

Do trước đó phía Nga viện trợ quân sự cho quân đội của tổng thống Bashar al-Assad, phương Tây phổ biến nghi ngờ về thiện chí của Nga đối với vòng đàm phán hòa bình, dưới sự viện trợ của Nga, quân đội tổng thống Bashar al-Assad ngày càng hành động mù quáng hơn, cũng đã khiến cho hành động của Nga tại Syria gặp nhiều bất trắc.

Việc Nga rút quân khỏi Syria sẽ là sự thể hiện quan trọng nhất chứng minh thiện chí của nước Nga đối với vòng đàm phán hòa bình, đồng thời cũng chứng minh cho phương Tây thấy vai trò quan trọng của nước  Nga với tư cách là một đối tác hợp tác quốc tế, rất có thể sẽ trở thành bước đi đầu tiên khởi động cho “một tiến trình hòa bình đích thực”.

Cuối cùng, rõ ràng là Nga không thể đủ sức để duy trì hoạt động lâu dài ở cả hai chiến trường Ukraine và Syria, tình hình kinh tế ảm đạm của nước Nga hiện nay chắc chắn cũng phải là một nhân tố quan trọng mà tổng thống Putin buộc phải xem xét. Tuy nhiên, với phong cách cầm quyền của ông Putin, có lý do để tin rằng, nếu lợi ích chiến lược của Nga tại Syria chưa được đảm bảo ở mức căn bản, kể cả phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế thì chắc chắn Nga cũng sẽ không rút quân.

Đ.Q