Chiến thắng giải phóng di sản thế giới được UNESCO xếp hạng là một thất bại lớn nhất đối với nhóm khủng bố IS và đồng thời là một thắng lợi lớn cho cả Damascus và Moscow.
Đáng nói là hành động quân sự diễn ra sau khi ông Putin thông báo rút phần lớn lực lượng Nga khỏi Syria, thương lượng với Mỹ một lệnh ngừng bắn tại Syria và khiến phương Tây hy vọng rằng Nga sẽ không hỗ trợ Assad mạnh mẽ nữa.
“Nga đóng vai trò quyết định trong chiến thắng tại Palmyra”, nhà phân tích Alexander Khramchikhin thuộc Viện Chính trị và Phân tích quân sự tại Moscow quả quyết. Truyền thông Nga nêu bật sự trở về của các chiến đấu cơ Nga từ Syria sau khi ông Putin bất ngờ ra lệnh rút quân vào ngày 14/3 và sau đó chiếu cảnh đưa 3 trực thăng tấn công lên một máy bay vận tải Nga.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng việc rút quân rất hạn chế, với chỉ khoảng từ 10-25% lực lượng Nga tại Syria mà thôi. Thay vì báo hiệu một sự chấm dứt vai trò của Nga trong cuộc xung đột, những tuần kể từ sau khi Nga thông báo rút quân lại chứng kiến Kremlin thậm chí còn can dự sâu hơn vào chiến cuộc Syria.
Trong cuộc chạy đua chiếm Palmyra, Moscow đã lần đầu tiên công khai sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm tác chiến tại Syria như một phần của chiến dịch tấn công. Một sĩ quan đặc nhiệm thậm chí còn gọi không kích chấp nhận hy sinh gần Palmyra khi bị bao vây để quét sạch IS, quân đội Nga cho biết và thông tin thêm rằng sĩ quan này đã có mặt ở đó một tuần.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov nói Palmyra đã “được giải phóng nhờ sự yểm trợ của không quân và lực lượng tác chiến đặc biệt Nga”. Một thông tin viên của AFP đã thấy các binh sĩ Nga tham chiến tại Palmyra và một nguồn tin quân sự Syria ở đó cho biết Nga “can dự sâu vào trận đánh Palmyra, trực tiếp chiến đấu, không kích hay chặn thu liên lạc”. Moscow sẽ điều động thêm binh sĩ trong những ngày sắp tới để rà phá mìn tại Palmyra, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Theo nhà phân tích quân sự Vladimir Yevseyev, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo điều kiện cho Moscow và Assad tập trung tấn công từ các nhóm đối lập ôn hòa sang phiến quân thánh chiến. “Thỏa thuận ngừng bắn đã giúp cả không quân Nga và quân đội Syria tập trung hỏa lực. Bằng cách tập trung dồn nỗ lực vào các hướng mũi nhọn có thể tạo ra một sự đột phá như tại Palmyra”, Yevseyev nói với AFP.
Tư lệnh các lực lượng Nga tại Syria, tướng Alexander Dvornikov, tuần trước đã phát biểu rằng chiếm được Palmyra sẽ “mở ra con đường tới thành trì Raqqa của IS cũng như Deir Ezzor và tạo điều kiện để kiểm soát biên giới với Iraq”.
Quân đội Syria xác nhận đã lên kế hoạch cho chiến dịch giải phóng “thủ đô” tự xưng Raqqa của IS. Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng thay vì hy vọng Moscow ngừng hỗ trợ Assad, phương Tây nên làm quen với việc Moscow hậu thuẫn lâu dài cho ông Assad.
“Tất cả các cuộc đàm phán tại phương Tây về việc Nga sẽ bỏ rơi Assad đều chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi không có kế hoạch bỏ rơi ông ấy. Nga muốn Assad nắm giữ quyền lực và mục tiêu là trao cho ông cơ hội để chiến thắng cuộc nội chiến”, Pavel Felgengauer, một nhà phân tích quân sự Nga nói.
Theo Reuteurs, 3 ngày sau khi ông Putin thông báo rút phần lớn lực lượng quân đội Nga khỏi Syria, tàu phá băng Yauza của hải quân Nga vừa trở về từ Bắc Cực đã tham gia nhóm tàu chuyên trách hậu cần cho lực lượng Nga tại Syria, rời cảng Novorossiysk ở Biển Đen để tới cảng Tartus của Syria.
Động thái này cùng với các tàu vận tải biển khác của Nga trong hai tuần kể từ khi ông Putin ra lệnh rút binh cho thấy trên thực tế Moscow đang chuyên chở nhiều trang thiết bị hơn tới Syria. Không rõ các con tàu này chở gì hay bao nhiêu thiết bị trong các máy bay vận tải khổng lồ tháp tùng các chiến đấu cơ. Nhưng các động thái này cho thấy Nga đang tăng cường duy trì hạ tầng quân sự tại Syria cũng như cung cấp hỗ trợ cho quân đội Syria theo cấp độ gia tăng cần thiết.
Nga đang vận hành căn cứ không quân tại Hmeymim và căn cứ hải quân tại Tartus. Ông Putin cho biết Nga sẽ duy trì cả hai và sẽ cần phải bảo vệ tốt cả hai căn cứ này. Moscow không tiết lộ quy mô lực lượng tại Syria, cũng không nêu chi tiết số quân được rút về.
Reuters tính toán khoảng một nửa số máy bay cánh cố định tại Syria đã về nước một ngày sau khi lệnh rút quân được tuyên bố. Số lượng chính xác chiến đấu cơ Nga tại Syria là bí mật, nhưng các nhà phân tích ước khoảng 36 chiến đấu cơ cánh bằng Nga còn ở đây.
Một phân tích của Reuters cũng cho thấy Nga dường như đang tăng cường lực lượng hải quân tại Địa Trung Hải và hiện nay có vẻ tập trung nhiều chiến hạm hơn gần bờ biển Syria hơn cả thời điểm ông Putin tuyên bố rút quân. Nhiệm vụ của chúng là bảo vệ các tàu vận tải. Sự hiện diện của chúng cũng tạo điều kiện để Moscow phóng các tên lửa hành trình từ biển.
Nga dường như đang có hơn chục chiến hạm hoạt động tại Địa Trung Hải, bao gồm tàu Zeleniy Dol trang bị tên lửa hành trình Kalibr với độ chính xác trong vòng 3m. Nga còn triển khai hai tàu đổ bộ chở quân và xe bọc thép là tàu Caesar Kunikov và Saratov. Vai trò của lực lượng này là đảm bảo hoạt động cho biên đội tàu tiếp tế 'Syrian Express' và phô trương sức mạnh với phương Tây và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ.
T.N