Ông Carter còn nói, mục tiêu quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc sẽ không bao giờ được thực hiện trót lọt.
Ngày 22/3, Ủy ban quân sự của Hạ viện Mỹ tổ chức một cuộc điều trần. Một nghị sĩ đã chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến dự buổi điều trần rằng, có phải Trung Quốc đang hoặc chuẩn bị bồi lấp xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough và thực hiện quân sự hóa hay không?
Đường băng Trung Quốc xây dựng trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Mỹ sẽ khai hỏa nếu Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough
Ông Ashton Carter không trực tiếp xác nhận việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động có liên quan ở khu vực này, tuy nhiên vị bộ trưởng này cho biết, quân đội Mỹ sẽ có những phản ứng đối với cục diện này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta thực sự lo ngại trước vấn đề này. Hành vi này sẽ khiến chúng ta buộc phải có những phản ứng về mặt quân sự và triển khai lực lượng. Mọi nước đối tác của chúng ta trong khu vực này cũng sẽ có những phản ứng. Do đó, nếu làm như vậy, chắc chắn Trung Quốc sẽ chỉ chuốc vạ vào mình, tự cô lập mình. Do đó tôi hy vọng họ sẽ không làm như vậy, nhưng chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng đề phòng tình huống đó xảy ra”.
Bãi cạn Scarborough cách bờ biển phía Tây của Philippines chỉ khoảng 100 hải lý, nhưng cách bờ biển phía Nam của Trung Quốc rất xa – lên tới vài trăm hải lý. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm lĩnh vùng biển này.
Nguồn tin cho biết, tuần trước, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - Đô đốc John M. Richardson cho biết, quân đội Mỹ trinh sát và nắm bắt được thông tin hoạt động của tàu chiến mặt nước cũng như công tác đo đạc, thăm dò của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đang có chiều hướng gia tăng, đồng thời lo ngại bước tiếp theo Trung Quốc sẽ bồi lấp xây đảo trái phép và quân sự hóa vùng biển này.
Ý nghĩa chiến lược của bãi cạn Scarborough
Tháng 1/2016, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - đô đốc Harry Harris cảnh cáo rằng, nếu đến năm 2020, hoạt động lấp biển xây đảo và quân sự hóa mở rộng ra bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ kiểm soát được cả vùng biển Đông.
Ông Harry Harris nói: “Giả dụ họ cũng mở rộng bãi cạn Scarborough như đã làm với đá Chữ Thập và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam) thì trừ phi chiến trah bùng nổ, họ có thể ngăn chặn hoàn toàn mọi sự can thiệp về quân sự của tất cả các quốc gia trừ nước Mỹ, từ đó kiểm soát cả biển Đông”.
Cũng trong tháng 1 năm nay, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - thượng tướng Jonathan W. Greenert nói, các thiết bị quân sự mà Trung Quốc triển khai trên những hòn đảo nhân tạo được bồi lấp trái phép này đều khó chịu được những thử thách của khói lửa chiến tranh, do đó rất khó dựa vào những thiết bị này để kiểm soát cả biển Đông.
Bãi cạn Scarborough cách vịnh Subic của Philippines – nơi tàu chiến và máy bay Mỹ thường đồn trú chỉ có 120 hải lý.
Tuần trước, chính quyền Manela còn ký kết hiệp định quân sự với Mỹ, mở cửa 5 căn cứ quân sự cho Washington để Mỹ triển khai các thiết bị quân sự và triển khai binh lực.
Bắc Kinh thì tuyên bố xanh rờn bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích hiệp định quân sự mà Mỹ và Philippines ký kết sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh của nước thứ ba.
Đ.Q