Các nhà hải dương học vừa tiếp tục báo động về những tác hại mà hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc gây ra cho hệ sinh thái ởbiển Đông. Họ cũng chỉ trích Bắc Kinh đang cố biến môi trường sống nguyên thủy nơi đây thành các tiền đồn quân sự.
Theo đài VOA, ngư dân Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2015 đã gắn thêm những chân vịt lớn vào tàu thuyền và dùng chúng để chặt phá san hô, chuẩn bị cho việc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những người này cũng lùng sục khắp đáy biển để bắt cá thể trai khổng lồ làm trang sức có thể bán với giá 150.000 USD. “Tác động của các dự án nạo vét, cải tạo đất càng làm trầm trọng thêm những thiệt hại trước đó mà hoạt động đánh bắt cá của người Trung Quốc gây ra” - ông Terry Hughes, nhà sinh học hải dương tại Trường ĐH James Cook (Úc), chỉ trích.
GS John McManus, nhà sinh học hải dương hàng đầu tại Trường ĐH Miami (Mỹ), cũng nhận định chính hành động xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc trên đảo nhân tạo (căn cứ quân sự, đường băng…) đã gây ra những thiệt hại chưa từng có đối với môi trường biển Đông. “Những rạn san hô có diện tích 13 km2 đã bị phá hủy, chôn vùi dưới những đảo nhân tạo này. Đó là một cú sốc cực kỳ lớn. Chúng ta đã thất bại thảm hại trong việc chịu trách nhiệm chuyển giao các đảo san hô đẹp đẽ và da dạng sinh học này cho các thế hệ tương lai” - ông McManus nhận định.
Trước đó, những hình ảnh chụp biển Đông qua vệ tinh - do website Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phổ biến - cho thấy 4 bãi san hô (Chữ Thập, Xubi, Vành Khăn và Gạc Ma) đang bị Trung Quốc phá hoại khủng khiếp với tốc độ đáng báo động.
Ông Hughes, một chuyên gia về san hô, đặc biệt lo ngại về những gì xảy ra với Đá Xubi: “Chất cặn thải ra từ việc xây đảo nhân tạo bên trên các bãi đá cạn đang làm chúng ngạt thở và biến làn nước trong xanh thành đục ngầu. Môi trường đang bị phá hủy với quy mô lớn chưa từng có”.
Tại phiên điều trần trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông hồi tháng 11-2015, Philippines cũng tố cáo Trung Quốc xây đảo nhân tạo gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường. GS sinh học Kent Carpenter tại Trường ĐH Hawaii (Mỹ) lên án Trung Quốc gây thiệt hại nghiêm trọng “gần đến mức thảm khốc” cho môi trường và hệ sinh thái rạn san hô ở biển Đông.
Báo The Guardian (Anh) nhấn mạnh hành động bồi đắp ồ ạt của Trung Quốc ở biển Đông đang hủy hoại môi trường sinh thái, vốn là chìa khóa để duy trì nguồn cung cấp hải sản trên thế giới cũng như tình trạng đa dạng sinh học. Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc ước tính lượng cá ở biển Đông chiếm 10% toàn cầu và các bãi đá “đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn cá”. Vì thế, chuyên gia Samantha Lee của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên lo ngại sự xuất hiện của các đảo nhân tạo phi pháp có nguy cơ khiến nguồn cá thêm cạn kiệt.
Theo NLĐ