Trung Quốc ngày 30/6 đã “đá xoáy” Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ash Carter hiểu sai về lịch sử khi nhận xét rằng Trung Quốc đang “xây bức Trường Thành tự cô lập”.
Reuteurs dẫn lời phát ngôn viên bộ quốc phòng bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng tất cả những ai nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đều biết rằng Vạn Lý Trường Thành được Trung Quốc xây dựng nhằm mục đích phòng vệ trước những bộ tộc du mục hung hãn phương bắc, chứ không ngăn bạn bè và giao thương.
Dĩ nhiên luận điệu của Dương Vũ Quân nhằm biện bạch cho thực trạng Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục có những hành động hung hăng, gây căng thẳng khu vực. Theo tác giả Andrew Browne phân tích trên nhật báo Wall Street Journal (WSJ), Vạn Lý Trường Thành đã trở thành biểu tượng quốc gia nổi bật của Trung Quốc về lòng tự hào và sức mạnh. Tuy nhiên, ông Browne đánh giá việc xây dựng công trình đồ sộ với những tháp canh và các công sự với lỗ châu mai còn phản ánh một thời điểm vương triều yếu ớt.
Vạn Lý Trường Thành được khởi công bởi hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa là Tần Thủy Hoàng, nhưng chủ yếu được xây dựng vào triều nhà Minh sau này vào thế kỷ 16 nhằm đối phó với các bộ lạc du mục hùng mạnh phương bắc. WSJ ghi nhận, các hoàng đế đầu triều Minh tìm cách khác để sống hòa bình với các bộ tộc này thông qua các đám cưới hoàng gia, buôn bán trao đổi hàng hóa và nhiều cách thức khác. Người Trung Quốc lập luận rằng việc xây Vạn Lý Trường Thành là cần thiết để bảo vệ nền văn minh Trung Quốc trước những những bộ lạc man di hung dữ.
Câu chuyện lịch sử này lại tái hiện ngày nay ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng các thành trì là các đảo nhân tạo, nhằm giúp bảo vệ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp liếm trọn hầu như toàn bộ Biển Đông. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã chỉ trích các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông và gọi là “bức Trường Thành cát”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo Trung Quốc nguy cơ đang xây một “bức Trường Thành tự cô lập” với những hành động hung hăng báo động các nước láng giềng.
Chỉ ít ngày nữa, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc tại The Hague được trông đợi sẽ ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines. Khả năng này khiến giới lãnh đạo Trung Quốc tức giận. Trung Quốc cho rằng các thẩm phán nước ngoài phán xét về điều mà nước này cho là vấn đề chủ quyền của Trung Quốc là không thể dung thứ được. Bắc Kinh đã tẩy chay phiên tòa và tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế.
Tại Bắc Kinh, các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra. Một bên là phe diều hâu trong giới quân sự muốn biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc để bành trướng sức mạnh hải quân. Phe này được các hãng năng lượng nhà nước, vốn đang thèm khát nguồn dự trữ dầu khí dưới lòng biển, ủng hộ.
Theo WSJ, phe siêu dân tộc chủ nghĩa trong tổ hợp quân sự-công nghiệp muốn đánh bật những nước tuyên bố chủ quyền khác bao gồm Philippines và Việt Nam khỏi những vị trí những nước này đang kiểm soát. Phái diều hâu Trung Quốc thậm chí hoan nghênh một cuộc chiến chớp nhoáng nhằm hất các quốc gia nhỏ yếu hơn khỏi các địa điểm của họ.
Trường phái cứng rắn này bị phản đối bởi những người theo tư tưởng ôn hòa trong giới hoạch định chính sách đối ngoại, cũng như giới hàn lâm, muốn Trung Quốc tự xây dựng vị thế siêu cường nhưng không phải theo cách hủy hoại hình ảnh của nước này trên toàn cầu. Trường phái này thừa kế truyền thống nhấn mạnh giao thương và ngoại giao bên trên giải pháp quân sự, trao đổi chứ không phải dựng bức tường bế quan tỏa cảng.
Theo WSJ, điều nguy hiểm ở chỗ Trung Quốc đang định nghĩa lợi ích quốc gia trên phương diện văn hóa, viện dẫn để biện bạch cho yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược rằng mọi thứ bên trong nó thuộc về Trung Quốc “từ thời xa xưa” và “từng xentimet” lãnh thổ Trung Quốc đều thiêng liêng. Những người phản đối bị quy là yếu đuối hoặc thậm chí tồi tệ hơn là không yêu nước, thậm chí là phản bội.
Nên nhớ rằng cho tới mấy năm trước, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi đường lối ngoại giao quyến rũ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy.Không chỉ phái diều hâu thúc đẩy sự hiện diện ở Biển Đông mà cả giới tư tưởng cũng vậy. Càng ngày họ càng coi Biển Đông như một đấu trường đụng độ chính trị với Mỹ và phương Tây.
Kết cục, Vạn Lý Trường Thành là vô ích. Năm 1664, kỵ binh Mãn Châu đã tràn qua trường thành và chiếm giữ thủ đô Bắc Kinh, lập lên vương triều cuối cùng của Trung Quốc là nhà Thanh. WSJ kết luận, có những bài học thực sự được rút ra từ Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc: Sức mạnh đến từ sự thỏa hiệp, ngăn trở sẽ khơi dậy sự kháng cự.