Cước truyền hình “bèo” hơn giá báo in

Trước thực trạng phí xem truyền hình trả tiền một tháng còn rẻ hơn tiền mua báo in, thấp nhất so với chi phí điện, nước, điện thoại, Internet, nhiều ý kiến đề nghị nhà nước cần nâng giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền lên ngang bằng với các nước ASEAN.
Giá cước truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang quá thấp.
Giá cước truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang quá thấp.

Xem truyền hình rẻ hơn mua báo in

Phát biểu tại Hội thảo về vấn đề xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền do Hiệp hội truyền hình trả tiền (VNPayTV) tổ chức vào sáng 17/6/2015, ông Phan Văn Nho, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ Sao Nam cho rằng, mức giá cước truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện “quá thấp”, chứ không còn ở mức “thấp” nữa.

Ông Nho so sánh phí xem dịch vụ truyền hình hàng tháng với phương tiện truyền thông rất phổ biến là báo in. Theo đó, giả sử đặt mua báo in mỗi số 1 tờ trong một tháng, 1 tờ Nhân Dân cũng mất 90.000 đồng/tháng, 1 tờ báo  Lao động  là 117.000 đồng/tháng, 1 tờ báo Hà Nội mới là 115.000 đồng/tháng.

Trong khi phí thuê bao truyền hình trả tiền Việt Nam có giá bình quân chỉ 60.000 - 80.000 đồng/tháng xem được từ 100-200 kênh truyền hình mỗi ngày. Truyền hình có nhiều hình ảnh, nội dung phong phú hơn báo in, khâu sản xuất nội dung truyền hình, truyền dẫn tín hiệu lại phải đầu tư tốn kém hơn sản xuất nội dung báo in gấp nhiều lần, nên mức giá cước như vậy là bất hợp lý.

Kiến nghị nhà nước quản lý giá truyền hình trả tiền

Cho rằng cước truyền hình trả tiền Việt Nam thấp nhất so với chi phí dịch vụ như điện, nước, cước điện thoại, Internet, ông Nho kiến nghị, nhà nước phải có giải pháp quản lý giá cước dịch vụ truyền hình. Đồng thời, có biện pháp nâng được ARPU truyền hình trả tiền ở Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực ASEAN, ít nhất cũng tương đương với Philippine ở mức 10 USD/tháng.

Ông Nho đưa ra giải pháp chia gói dịch vụ để quản lý giá. Theo đó, VNPayTV có thể kiến nghị nhà nước đưa ra 1 gói cơ bản (gồm vài chục kênh) và quy định một mức giá sàn có thể là 10 USD. Các nhà cung cấp dịch vụ không ai được bán dưới giá mức giá đó.  Còn lại sẽ có những gói kênh đặc biệt là những gói dịch vụ cao cấp, nhà nước không cần quản lý giá, chỉ quản lý nội dung.

Ông Nho chia sẻ: truyền hình trả tiền ở  Nhật gói phổ thông chiếm tới 71%, gói cao cấp chỉ có 29% người dùng, ở Úc và Singapore chỉ có 35% người dùng gói dịch vụ cao cấp. Do đó, gói phổ thông có giá thấp vẫn đảm bảo nhu cầu của số đông người dân.

Đồng quan điểm với ông Nho, ông Tạ Sơn Đông, Phó Tổng giám đốc VTVcab phân tích, một đặc điểm của kinh tế thị trường là khi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ hướng tới lợi nhuận, nhưng để đạt lợi nhuận tối ưu trước hết nhà đầu tư sẽ tìm cách tiêu diệt đối thủ và mở rộng thị trường một cách tối đa. Điều nay đang diễn ra phổ biến ở thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam.

Do đó, mặc dù truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục quản lý giá của nhà nước, nhưng trong bối cảnh như hiện nay rất cần có sự định hướng của nhà nước để tránh lãng phí nguồn lực. Việc tạo ra một mức giá tối thiểu đảm bảo đủ chi phí, giúp doanh nghiệp tạo được doanh thu, một mặt khác nguồn thu này đủ để tạo ra những nội dung hay, cung cấp trở lại phục vụ khán giả.

Không những thế, ông Đông còn báo động tình trạng các chương trình ngoại nhập đang chiếm lĩnh sóng truyền hình Việt.

 “Điều đáng buồn nhất hiện nay của truyền hình là những chương trình hay đều đi mua của nước ngoài. Các chương trình có nội dung, dùng chất xám và công nghệ của nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn trong truyền hình Việt, đây là điều mà cơ quan quản lý nhà nước đáng suy nghĩ. Bởi vì, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong nội dung truyền hình là vấn đề rất quan trọng”, ông Đông nói.

Ông Đông cho rằng, VNPayTV cần phải tiếp tục kiến nghị lên cơ quan nhà nước về vấn đề giữ gìn “an ninh tư tưởng”, giữ gìn văn hóa, tập quán của người Việt trên truyền hình.

Cước truyền hình nên bằng với chi phí dùng di động

Bà Nguyên Hạnh, Tổng giám đốc Q-Net cho rằng, “của rẻ là của ôi” nhiều gói kênh truyền hình có giá rẻ chưa chắc người xem đã thích. Người xem truyền hình cần cung cấp các kênh tốt, nội dung hay, lành mạnh, công nghệ sản xuất hình ảnh đẹp.

Các nhà cung cấp nên đưa ra mức giá cả hợp lý thay vì giá rẻ. Ví dụ, gói cơ bản có thể cung cấp đại trà, bao gồm các kênh thiết yếu, kênh cơ bản. Rồi chia ra làm nhiều gói chuyên biệt khác như: tài liệu, thể thao, trẻ em… Ai có nhu cầu dùng gói nào sẽ được phục vụ gói kênh đó là hợp lý nhất.

Bà Hạnh cho rằng, giá cước truyền hình nên ở mức tương đương với chi phí dùng dịch vụ di động hàng tháng (khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng) là hợp lý nhất.

Theo Ictnews