Một ngôi làng ở Nagorno-Karabakh bị tàn phá nặng nề (Ảnh: Sohu). |
Tổng thống Erdogan công khai tuyên bố ủng hộ Azerbaijan
Ngày 28/9/2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có một bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, bình luận về cuộc xung đột nổ ra ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Ông Erdogan lên án các hành động quân sự của Armenia và tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột.
Nói về nguyên nhân của cuộc xung đột, Erdogan cho rằng Armenia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chính sự chiếm đóng bất hợp pháp của Armenia đối với vùng Nagorno-Karabakh đã khiến “vấn đề Nagorno-Karabakh” giữa Azerbaijan và Armenia chậm được giải quyết.
Do đó, chìa khóa để giải quyết vấn đề do Armenia nắm giữ. Chỉ khi nào Armenia từ bỏ các lãnh thổ của Azerbaijan mà họ đã xâm chiếm trước đây và trả lại vùng Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan, thì hòa bình và yên ổn mới đến với các nước Nam Caucasus.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố ủng hộ Azerbaijan trên truyền hình (Ảnh: Sohu).
|
Ông nói: “Đã đến lúc giải quyết một loạt vấn đề do quyền sở hữu vùng Nagorno-Karabakh gây ra. Azerbaijan đã chờ đợi 30 năm và bây giờ họ đang sử dụng sức mạnh của chính mình để tự mình giải quyết vấn đề”.
Ông Erdogan đã chỉ trích nhóm OSCE Minsk do Nga, Mỹ và Pháp cùng lãnh đạo. Ông chỉ ra rằng Nhóm OSCE Minsk đã dành 30 năm để giải quyết “vấn đề Nagorno-Karabakh”, nhưng 30 năm trôi qua vô ích mà giải pháp vẫn chưa được phát huy.
Ông nói: “Azerbaijan không thể là một học sinh luôn vâng lời, khi phát hiện ra cái gọi là ‘giải pháp’ của ba nước Nga, Mỹ và Pháp chỉ là trì hoãn thời gian, làm sao có thể không nói “thôi đủ rồi” và tự mình giải quyết vấn đề kia chứ?”.
Hàng trăm quân hai bên thương vong, Armenia chuẩn bị chiến đấu trường kỳ
Theo CNS ngày 29/9, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh tiếp diễn đã khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có cả dân thường. Armenia tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu sức ép từ bên ngoài không thể ngăn chặn xung đột, chiến tranh bùng nổ là điều không thể tránh khỏi và sẽ gây ảnh hưởng lan rộng khắp Bắc Caucasus.
Chiến xa của Azerbaijan bị Armenia phá hủy (Ảnh: Sohu).
|
Ngày 28/9, Azerbaijan và Armenia tiếp tục giao tranh tại khu vực Nagorno-Karabakh - nơi hai nước tranh chấp chủ quyền. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Armenia, 28 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng trong một cuộc xung đột mới đưa tổng số binh sĩ Armenia đã thiệt mạng kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu vào ngày 27/9 lên 59 người. Phía Azerbaijan không đưa ra con số thương vong cụ thể của quân đội họ. Về dân thường, có 7 người chết ở Azerbaijan và 2 người chết ở Armenia.
Chính quyền địa phương Nagorno-Karabakh ngày 28 cho biết quân đội Azerbaijan đã sử dụng pháo hạng nặng để mở cuộc tấn công. Phía Armenia đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực bị mất hôm 27, và 43 binh sĩ Armenia khác thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Armenia ngày 28 cho biết, quân đội Armenia đã thu giữ 1 xe BMP-3 và 10 xe bọc thép khác.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 28 nói, quân đội Armenia đã pháo kích vào thành phố Tertel ở vùng Nagorno-Karabakh vào sáng hôm đó, và quân đội Azerbaijan đã phá hủy thêm hai xe tăng Armenia nữa và tiếp tục phản kích.
Azerbaijan và Armenia nằm ở Nam Caucasus và là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi Liên Xô tan rã, Azerbaijan và Armenia xảy ra chiến tranh để giành giật vùng Nagorno-Karabakh, Armenia chiếm được Nagorno-Karabakh và một số vùng lân cận. Hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994, nhưng các cuộc xung đột vũ trang vẫn thỉnh thoảng xảy ra.
Pháo binh Armenia bắn phá (Ảnh: Sohu).
|
Quốc tế kêu gọi ngừng bắn, quay trở lại đàm phán
Sau khi chiến sự giữa quân đội Azerbaijan và Armenia bùng phát sáng sớm 27/9, nhiều nước trên thế giới đã tỏ rõ lập trường. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Azerbaijan và cáo buộc Armenia khơi mào chiến tranh, trong khi các nước như Lebanon đứng về phía Armenia và cáo buộc Azerbaijan gây chiến trước.
Nhiều bên kêu gọi Azerbaijan và Armenia quay lại bàn đàm phán, các chuyên gia lo ngại hai bên khó rút khỏi cuộc chiến toàn diện
Vadim Mukhanov, một chuyên gia về các vấn đề Caucasus tại Học viện Quan hệ Quốc tế quốc gia Moscow, phân tích: “Những gì chúng ta thấy là sau ngày đầu tiên leo thang, đã xuất hiện xe thiết giáp, máy bay, trọng pháo và máy bay không người lái. Chứng tỏ rằng đây không phải là vụ việc đột phát mà là một hành động được lên kế hoạch cẩn thận”.
Ông Mukkhanov cho rằng: “Nếu áp lực từ bên ngoài không thể ngăn chặn cuộc xung đột này, chiến tranh sẽ nổ ra và sẽ là một thảm họa. Điều này sẽ có những gợn sóng ở khắp Bắc Caucasus, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia chủ yếu, trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nhà phân tích Olesya Vartanyan của Crisis Group cho rằng, việc triển khai các vũ khí hạng nặng như dàn phóng hỏa tiễn và pháo lớn gia tăng, làm gia tăng nguy cơ thương vong dân thường và có thể khiến cả hai bên khó ra khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hiện tại, Liên minh châu Âu, Iran, Nga, Pháp và Mỹ đều đang thúc giục hai bên ngừng chiến và quay trở lại bàn đàm phán. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga, Đức, Pháp, Iran và Mỹ đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng bắn ngay lập tức.
Xe tăng và bộ binh Azerbaijan tiến công (Ảnh: Sohu).
|
Hai bên cáo buộc bên ngoài can thiệp
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 28/9 nói với các phóng viên: “Theo thông tin tình báo, nhiều kẻ thù (Armenia) bị chết là lính đánh thuê Armenia từ Syria và các nước Trung Đông khác.”
Armenia lên án Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc chiến và hỗ trợ phía Azerbaijan. Bộ Ngoại giao Armenia ngày 28/9 nói, “các chuyên gia quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ được cử tới Azerbaijan đã chỉ huy các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công và “sát cánh chiến đấu” với Azerbaijan.
Đại sứ của Armenia tại Nga nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 4.000 người có vũ trang từ miền bắc Syria tới Azerbaijan. Lãnh đạo chính quyền địa phương Nagorno-Karabakh tuyên bố rằng quân đội Azerbaijan đã sử dụng máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện cuộc tấn công, được trang bị “vũ khí tiên tiến nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Azerbaijan nói với báo chí rằng Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào chiến sự giữa Azerbaijan và Armenia, những gì phía Armenia nói quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào là dối trá.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan, đồng minh truyền thống của nước này và cáo buộc Armenia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong một bài phát biểu ngày 28/9 “đã đến lúc chấm dứt việc Armenia chiếm đóng lãnh thổ Azerbaijan”. Ông Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 27 đã nói chuyện qua điện thoại về tình hình chiến sự ở Nagorno-Karabakh.
Máy bay Mi-8 của Azerbaijan bị tên lửa Armenia bắn rơi (Ảnh: Sohu).
|
Ngày 27/9, Thủ tướng Armenia Nicole Pashinyan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, “lên án sự tham gia của các lực lượng bên ngoài vào cuộc chiến” và nhấn mạnh không thể để tình hình leo thang hơn nữa.
Hai bên đã sử dụng vũ khí gì tham chiến
Trên Internet và trên TV, đã có những hình ảnh xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và xe bọc thép chở quân của Azerbaijan bị phá hủy bởi mìn hoặc tên lửa chống tăng, trong khi hệ thống tên lửa đất đối không SA-8 Gecko cũ của Armenia đã bị nghiền nát dưới đòn tấn công của UAV B-2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.
Ngay từ năm 1987-1996, Azerbaijan và Armenia đã xảy ra hàng loạt vu xung đột biên giới nhỏ, tất nhiên nguyên nhân vẫn là do khu vực Nagorno-Karabakh. Đây là một vùng nội địa nằm ở khu vực Nam Caucasus, kẹp giữa Armenia và Azerbaijan. Armenia và Azerbaijan đều là hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô trong thời kỳ Xô Viết. Do đó, vấn đề quy thuộc chủ quyền của Nagorno-Karabakh không có gì phải bàn cãi.
Sau khi Liên Xô tan rã, vùng Nagorno-Karabakh được trả lại cho Azerbaijan nằm ở phía tây nam của đất nước, nhưng phần lớn cư dân của nó lại là người Armenia. Sau đó, Azerbaijan và Armenia gây chiến tranh để tranh giành và Armenia chiếm đóng được vùng Nagorno-Karabakh. Hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994, nhưng các cuộc xung đột vũ trang vẫn thỉnh thoảng xảy ra.
Máy bay không người lái TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong biên chế của quân đội Azerbaijan gây nhiều thiệt hại cho phía Armenia (Ảnh: Sohu).
|
Cuộc xung đột quy mô lớn gần đây nhất giữa hai bên xảy ra vào tháng 4/2016; hai bên đã mất 30 binh sĩ và một số xe tăng chiến đấu chủ lực.
Cuộc xung đột hôm 27/9 dường như đã có triệu chứng trước. 7 ngày trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cáo buộc Armenia điều động quân đội và có thể có hành động chống lại Azerbaijan. Đồng thời, Armenia cáo buộc Azerbaijan đã sẵn sàng di chuyển, dù sao đó cũng là hiện tượng cho thấy bão táp sắp ập đến.
Hai bên thực sự đã bắt đầu chuẩn bị chiến tranh từ vài ngày trước. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 27/9, quân đội Armenia đã “pháo kích dữ dội” vào các vị trí và khu dân cư của quân đội Azerbaijan trong tuyến đối đầu quân sự giữa hai nước ở khu vực Nagorno-Karabakh từ khoảng 6 giờ sáng ngày hôm đó, khiến binh lính và dân thường Azerbaijan thiệt mạng và bị thương. Quân đội Azerbaijan đã phản kích để “chế áp các hành động khiêu khích của kẻ thù và đảm bảo an toàn cho dân thường”.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình nói rằng đối mặt với “một hành động khiêu khích quân sự khác” của Armenia, quân đội Azerbaijan đang chiến đấu trên lãnh thổ của mình và “sự nghiệp chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng”.
UAV của Azerbaijan phá hủy hệ thống tên lửa phòng không SA-8 của Armenia (Theo: Sohu).
|
Bộ Quốc phòng Azerbaijan tối hôm đó cho biết quân đội Azerbaijan đã chiếm 6 ngôi làng và “một số vùng cao điểm chiến lược” ở vùng Nagorno-Karabakh, phá hủy 12 hệ thống phòng không của Armenia; một máy bay trực thăng vũ trang của Azerbaijan đã bị bắn hạ và phi hành đoàn may mắn sống sót.
Tuy nhiên, Armenia bác bỏ và đổ lỗi cho phía Azerbaijan gây hấn. Thủ tướng Armenia Nicole Pashinyan đã viết trên mạng xã hội vào ngày 27/9 rằng Azerbaijan đã “tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và các cuộc không kích vào thành phố Stepanakert và các khu dân cư khác. Armenia đã bắn hạ 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái, phá hủy 3 xe tăng Azerbaijan “sẽ tiếp tục bảo vệ tổ quốc khỏi sự xâm lược của Azerbaijan”.
Stepanakert là thành phố lớn nhất ở vùng Nagorno-Karabakh. Chính quyền tự trị Nagorno-Karabakh, được Armenia công nhận nhưng không được cộng đồng quốc tế chấp nhận, đã tuyên bố thực hiện quân quản và “động viên toàn bộ người trên 18 tuổi”. Nội các Armenia sau đó cũng đã công bố việc quân quản toàn quốc và tổng động viên.
Không có gì để nói về việc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 bị tên lửa chống tăng phá hủy hoặc bị nghiền nát bởi mìn chống tăng. Điều đáng chú ý là hệ thống tên lửa đất đối không tầm thấp SA-8 Gecko của Armenia đã bị máy bay không người lái TB-2 của Azerbaijan phá hủy ngay khi nó đang được mở máy. Theo tuyên bố của Azerbaijan, có tổng cộng 12 hệ thống đã bị phá hủy. Bỏ yếu tố tuyên truyền sang một bên, thì đây vẫn là một kỷ lục rất đáng kinh ngạc.
Hệ thống phòng không SA-8 Gecko của Armenia bị vô hiệu hóa bởi UAV TB-2 (Ảnh: Sohu).
|
Do lực lượng phòng không Armenia đã thực sự bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ cách đây vài ngày, hình ảnh radar của hệ thống phòng không đang quay trong video cho thấy điều đó. Nhưng dù vậy, nó vẫn bị phá hủy, cho thấy lợi thế về hiệu suất của UAV TB-2 trước tên lửa đất đối không SA-8 Gecko!
SA-8 Gecko thuộc hệ thống tên lửa đất đối không di động dã chiến thế hệ thứ hai thời Liên Xô. Đây là hệ thống tên lửa tầm thấp dẫn đường phức hợp hoạt động trong mọi thời tiết. Toàn bộ hệ thống bao gồm một xe phóng bánh lốp ba trục, một bệ phóng phóng 6 quả đạn và tích hợp một radar dẫn đường. Radar dẫn đường tích hợp của nó có nhiều công dụng như tìm kiếm, theo dõi, dẫn đường và nhận dạng mục tiêu.
Khi radar dẫn đường tích hợp bị nhiễu điện tử, hệ thống quang học lắp trên đỉnh và ăng ten thứ hai có thể được sử dụng để theo dõi mục tiêu điều khiển tên lửa, có khả năng chống nhiễu điện tử tốt hơn.
Đạn tên lửa đất đối không SA-8 có chiều dài 3,2 mét, đường kính 210 mm, tốc độ tối đa Mach 2,0 và tầm bắn tối đa 12 km. Nó chủ yếu được sử dụng để đối phó với các máy bay chiến đấu và trực thăng bay thấp và cực thấp.
Nhiều người hâm mộ thiết bị quân sự đã quen thuộc với UAV TB-2. Ở Syria và Libya, loại UAV này đã gây tiếng vang lớn vì đã khiến hàng loạt vũ khí phòng không do Nga sản xuất trở thành sắt vụn,
Ngay cả hệ thống phòng không tổng hợp Pantsir-S1 do Nga sản xuất mới nhất (tất nhiên là phiên bản đầu tiên do UAE mua) cũng bị tiêu diệt bởi chiếc máy bay không người lái này. Điều này cho thấy loại máy bay không người lái này có ưu thế chế áp nhất định đối với các hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô cũ.
Cần phải nói rằng bản thân chiếc máy bay không người lái nhỏ này sử dụng vật liệu composite, diện tích phản xạ radar khá nhỏ, kích thước bên ngoài không lớn và không phải là một mục tiêu rất nổi bật trong kính ngắm quang học. Ngoài ra, máy bay sử dụng động cơ piston để dẫn động cánh quạt, không có đuôi lửa của máy bay phản lực, nên tín hiệu hồng ngoại cũng tương đối thấp.
Như thế nghĩa là, máy bay này có khả năng tàng hình tốt hơn khi đối mặt với hệ thống phòng không cũ. Ngay cả khi radar phòng không phát hiện ra UAV TB-2, nó vẫn có thể bị lọc ra do nhiễu radar! Đây có thể là lý do tại sao tên lửa đất đối không SA-8 bị máy bay không người lái TB-2 biến thành kẻ bị mù!
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Tor M2KM của Armenia mới được Nga trang bị có thể thay đổi cục diện (Ảnh: Sohu).
|
Tuy nhiên, Armenia không phải không có vũ khí có thể chế ngự được máy bay không người lái TB-2! Trước đó, Armenia đã bắt đầu trang bị hệ thống tên lửa đất đối không Tor M2KM mới nhất với sự hỗ trợ của Nga. Đây là phiên bản di động bánh lốp của tên lửa đất đối không tầm ngắn Tor M2 được phóng thẳng đứng.
Hệ thống này được lắp đặt hệ thống phóng trên xe tải, có thể cơ động nhanh chóng, trong khi bản thân Tor M2 là hệ thống phòng không dã chiến tầm ngắn thế hệ thứ tư với tính năng hiệu quả tốt, đặc biệt là đối với các mối đe dọa từ máy bay không người lái mới xuất hiện, có khả năng ứng phó mạnh mẽ. Hệ thống này có thể phát hiện chính xác các mục tiêu nhỏ ở độ cao thấp, di chuyển chậm và tiêu diệt chúng bằng tên lửa đất đối không được phóng thẳng đứng.
Phiên bản bánh xích của Tor M2 đã được triển khai tại Căn cứ Không quân Hememin của Nga ở Syria và đã đánh chặn hàng chục vụ máy bay không người lái nhỏ! Tin rằng Armenia sẽ đưa ra sát thủ này trong các trận chiến tiếp theo.
(Theo Sohu).