Xuất hiện trang web giả mạo bill chuyển khoản của nhiều ngân hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đã có nhiều trang web "đen" cung cấp dịch vụ giả mạo bill chuyển khoản ngân hàng, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện một trang web giả mạo bill của rất nhiều ngân hàng và fintech hoạt động tại Việt Nam.

Xuất hiện trang web giả mạo bill chuyển khoản của nhiều ngân hàng Việt Nam

Trang web giả mạo này có giao diện bill chuyển khoản giống hệt bill của ngân hàng. Nó có đủ logo, mã giao dịch, ngày tháng, giờ chuyển khoản và nhiều thông tin khác.

Các trang web này cung cấp dịch vụ cho những người có nhu cầu tạo ra bill giả chuyển khoản để đánh lừa người khác. Trong các giao dịch mua bán, lợi dụng sự chủ quan của người bán, kẻ xấu hoàn toàn có thể tạo ra bill giả để đánh lừa họ. Bill này hiển thị trên màn hình điện thoại không khác gì bill thật của ngân hàng.

Vì vậy, khi giao dịch với khách hàng, người bán cần kiểm tra kỹ tài khoản của mình xem đã nhận được tiền chưa, thay vì chỉ nhìn vào màn hình điện thoại của người mua.

Anh Tiến, một chủ quán ăn nhỏ ở Cầu Giấy, chia sẻ với phóng viên VietTimes rằng anh đã là nạn nhân của chiêu lừa nói trên. Có một khách hàng nói với anh rằng mình đã chuyển khoản và cho anh xem màn hình điện thoại. Do bận phục vụ khách vào quán nên anh Tiến đã không kiểm tra lại tài khoản của mình. Thực tế là anh đã không nhận được số tiền trên, mặc dù đó không phải là khoản tiền lớn.

Hồi tháng 4 năm nay, công an huyện Nam Sách (Hải Dương) đã bắt giữ hai "nữ quái" thực hiện nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức tạo bill chuyển tiền giả. Đó là Bùi Minh Nguyệt (sinh năm 2003, trú tại khu dân cư Vũ La, phường Nam Đồng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và Khổng Thị Nga (sinh năm 1996, HKTT: tổ 3, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Công an cho biết trong tháng 3 và tháng 4, Nguyệt đã đi tới các cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang, tạp hóa trên địa bàn tỉnh để mua hàng. Đối tượng đề nghị chủ cửa hàng cho thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Khi chủ cửa hàng cung cấp thông tin tài khoản, Nguyệt gửi những thông tin này cho Nga qua Zalo để Nga tạo bill chuyển khoản giả. Hai đối tượng này đã lừa đảo được 5 nạn nhân với số tiền gần 8 triệu đồng.

lua dao bill ngan hang 2.jpg
Giao diện website cho phép tạo bill chuyển khoản giả mạo của nhiều ngân hàng

Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS, nên bạn cần đăng ký dịch vụ này để có thể nhận được thông tin ngay cả khi không có Internet. Đối với các giao dịch nhanh thì thời gian chỉ mất chưa tới 1 phút là bạn đã có thông tin biến động số dư.

Do sự phát triển của công nghệ mà các hình thức lừa đảo tài chính cũng ngày một nhiều và đa dạng hơn. Để bảo vệ tài sản của mình, người dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin tài khoản nào cho người lạ dù được yêu cầu, và thường xuyên cập nhật các thông tin trên phương tiện truyền thông về các hình thức lừa đảo trực tuyến.

cac hinh thuc lua dao.png
Các hình thức lừa đảo trực tuyến