Xôn xao vụ tình cờ lộ tin quân đội Mỹ đã bí mật vào đóng ở Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một binh sĩ Đài Loan phàn nàn về việc phục vụ và ăn uống trên mạng xã hội đã vô tình tiết lộ việc quân đội Mỹ lần đầu tiên vào đóng và tham gia hoạt động chung trong doanh trại ở Đài Loan, gây xôn xao dư luận.
Tin về đơn vị quân đội Mỹ bí mật vào đóng ở Đài Loan đang gây xôn xao (Ảnh: 163.com).
Tin về đơn vị quân đội Mỹ bí mật vào đóng ở Đài Loan đang gây xôn xao (Ảnh: 163.com).

Theo trang tin Đa Chiều ngày 18/5, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng điều này đã phá hoại đường ranh cơ bản của nguyên tắc “một Trung Quốc”, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phá vỡ lằn ranh đỏ; trong khi một trang tin lớn cho rằng nếu chuyện này là đúng thì hậu quả sẽ khôn lường.

“Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng”, một trung tâm tư vấn của cơ quan Quốc phòng Đài Loan, hôm 16/5 phân tích cho rằng, để ứng phó với các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng họ phải chuyển mình thành các đơn vị nhỏ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa và thực hiện tác chiến ở các căn cứ viễn chinh phía trước.

Sau đó, mạng Tin tức Liên hợp (UDN) của Đài Loan đưa tin vào buổi tối cùng ngày 16/5 rằng một binh sĩ Đài Loan thuộc Trung tâm Kiểm tra và Thử nghiệm chung phía Bắc của Lục quân ở Hồ Khẩu, Tân Trúc, Đài Loan hồi tháng 4 đã phàn nàn trên Facebook về việc bản thân phải gia tăng công việc và cường độ, dẫn đến “không có cả giờ nghỉ trưa”. Anh ta còn nêu câu hỏi: "Rõ ràng là mức tiền như nhau, tại sao các lính Mỹ được uống sữa đóng chai mà chúng tôi lại phải uống nước pha sữa bột một cách đáng thương? Ai có thể giải thích được điều vô lý này không?".

Binh sĩ Đài Loan huấn luyện trong căn cứ Hồ Khẩu ở Tân Trúc (Ảnh: Dwnews).

Binh sĩ Đài Loan huấn luyện trong căn cứ Hồ Khẩu ở Tân Trúc (Ảnh: Dwnews).

Sau đó, các sĩ quan và binh sĩ ở căn cứ này đã xác nhận với mạng tin UDN rằng, trước khi dịch bệnh ở Đài Loan chưa gia tăng, một số lượng lớn các sĩ quan và binh sĩ của Lữ đoàn Viện trợ Lực lượng An ninh Mỹ đã tới đóng quân tại Trung tâm Kiểm tra và Thử nghiệm chung phía Bắc ở Tân Trúc để quan sát tình hình trắc nghiệm và chỉ đạo đề xuất kiến nghị cho Tiểu đoàn binh chủng hợp thành của quân đội Đài Loan với tư cách cố vấn.

Những sĩ quan này tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tham gia vào hoạt động thực địa trong doanh trại chung. Về việc liệu quân đội Mỹ có ở lại để tham gia cuộc tập trận "Hán Quang" diễn ra vào tháng 7 tới hay không, Bộ Tư lệnh Lục quân Đài Loan trả lời: "Xin được không bình luận", nhưng rõ ràng hai tin tức này rõ ràng là có liên quan đến nhau.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Diệp (Zhang Ye) nói trong một cuộc phỏng vấn: đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ đến Đài Loan để giúp quân đội Đài Loan tiến hành huấn luyện. Năm ngoái, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã đến Đài Loan để tiến hành huấn luyện cho quân đội Đài Loan. Ông nói rằng khi quân đội Mỹ đến Đài Loan để giúp tiến hành huấn luyện quân đội Đài Loan, chủ yếu có các tình huống sau: Đầu tiên là khi quân đội Đài Loan tổ chức một số cuộc tập trận tổng hợp quy mô lớn; hai là đối với một số khoa mục có tính chuyên môn cao và quân đội Đài Loan gặp khó khăn trong vấn đề này; ngoài ra còn xuất phát từ nhu cầu chính trị.

Bà Thái Anh Văn đến thị sát quân đội ở căn cứ Hồ Khẩu, Tân trúc (Ảnh: Dwnews).

Bà Thái Anh Văn đến thị sát quân đội ở căn cứ Hồ Khẩu, Tân trúc (Ảnh: Dwnews).

Về việc quân đội Mỹ vào đóng ở Đài Loan, Trương Diệp cho rằng điều này thực tế đã phá hoại ranh giới cơ bản của nguyên tắc “một Trung Quốc”. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng nhân viên được quân đội Mỹ gửi đến tương đối ít, và họ chủ yếu là những người đã nghỉ hưu, không có trang bị hoặc không có vũ khí. Ông cho rằng, trong tình huống này, theo nghĩa thực tế, nó không phải là một lực lượng quân sự được tổ chức biên chế chính quy vào đóng quân, vì vậy vẫn chưa hoàn toàn vượt qua lằn ranh đỏ.

Trước đó, trang tin Đa Chiều đã phân tích trong một bài báo có tiêu đề "Quân đội Mỹ xuất hiện ở Tân Trúc làm dấy lên thuyết về ‘Mỹ đóng quân ở Đài Loan’, Đài Loan hãy suy nghĩ cho kỹ”. Bài báo phân tích, một khi việc "quân đội Mỹ đóng ở Đài Loan" trở thành hiện thực, nguy cơ chiến tranh thực sự sẽ xuất hiện. Sự hiện diện quân sự của quân Mỹ ở Đài Loan và thậm chí đồn trú lâu dài ở Đài Loan chắc chắn sẽ gây hại nhiều hơn có lợi. Đài Loan chớ có mơ tưởng, nếu không người bị thiệt cuối cùng sẽ chính là Đài Loan”.

Trong khi đó trang tin 163.com có số lượng độc giả hàng đầu Trung Quốc ngày 18/5 đăng bài nhan đề “Một bộ phận quân đội Mỹ bí mật vào đóng ở Đài Loan? Nếu đúng là sự thật, hậu quả sẽ khôn lường”, cho rằng, về vấn đề liệu có phải một bộ phận quân đội Mỹ đã bí mật vào Đài Loan hay không, theo tiết lộ của truyền thông Đài Loan, một là tin tức có thể được kết luận từ phía bên kia, hai là tin ẩn danh chưa được xác nhận. Nói cách khác, vấn đề này cần được tiếp tục xác nhận, nhưng chắc chắn rằng nếu được xác nhận là đúng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Ông Lý Khắc Tân, Công sứ Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, người nổi tiếng với tuyên bố: “Ngày tàu chiến Mỹ đến Đài Loan chính là lúc PLA (quân đội Trung Quốc) thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" (Ảnh: 163.com).

Ông Lý Khắc Tân, Công sứ Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, người nổi tiếng với tuyên bố: “Ngày tàu chiến Mỹ đến Đài Loan chính là lúc PLA (quân đội Trung Quốc) thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" (Ảnh: 163.com).

Bài báo viết: “Ngày tàu chiến Mỹ đến Đài Loan chính là lúc PLA (quân đội Trung Quốc) thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Về lằn ranh đỏ cuối cùng của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, ngay từ năm 2017, ông Lý Khắc Tân, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, đã nói rất rõ ràng và rành mạch rằng ‘ngày tàu chiến Hoa Kỳ đến Đài Loan là lúc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thống nhất bằng vũ lực’. Do đó, Mỹ cần hiểu rõ ràng về lập trường của Đại Lục. Hôm nay, có tin tức cho biết quân đội Mỹ đã bí mật vào đóng quân. Điều này về bản chất giống như việc tàu chiến Mỹ đến Đài Loan. Đây là một bước đột phá có tính thực chất trong quan hệ chính trị và quân sự giữa Mỹ và Đài Loan và là một thách thức nghiêm trọng đối với lằn ranh của Đại Lục. Do đó, bất kể là Mỹ hay chính quyền Đài Loan phải ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình và không nên đùa với lửa trong vấn đề liên quan. Một khi tin tức được xác nhận là đúng, chắc chắn Đại Lục sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết kiên quyết nhất để giáng một đòn nặng nề vào các thế lực ‘Đài Loan độc lập’ và chống Trung Quốc”.

Bài báo viết: “Việc ôm chân Mỹ sẽ không giúp ích được gì, các nhà chức trách Đài Loan đừng tự tìm lấy con đường chết. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến chính quyền Đài Loan dám công khai đối đầu với Đại Lục và từ chối thống nhất là vì họ tin rằng có thể được Mỹ bảo vệ về quân sự vào một thời điểm then chốt, nhưng đây chẳng qua là sự ảo tưởng ngu ngốc. Cho đến nay, chính sách Đài Loan của Mỹ vẫn là cái được gọi là ‘mơ hồ chiến lược’, nhấn mạnh nhiều hơn đến việc tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan. Các học giả từ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Đài Loan đều công nhận rõ ràng rằng xác suất quân đội Mỹ can dự vào vấn đề Đài Loan cơ bản là 0; bởi vì điều này gây ra rủi ro chính trị và quân sự rất lớn cho Mỹ, đầu vào và đầu ra không tương xứng. Hơn nữa, Mỹ cũng thiếu một lý do chính đáng để can dự, đặc biệt là khi sức mạnh quân sự của Đại Lục đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, Mỹ lại càng phải thận trọng hơn. Vì vậy, việc ôm chân Mỹ là vô ích, là một ngõ cụt đối với nhà cầm quyền Đài Loan”.

Quân đội Trung Quốc diễn tập tấn công Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Quân đội Trung Quốc diễn tập tấn công Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Bài báo đe dọa: “Đại lục có đủ sức mạnh và sự tự tin để giải quyết vấn đề Đài Loan, bất kỳ hành động khiêu khích nào sẽ đẩy nhanh sự diệt vong. Ngày nay trong thế kỷ 21, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế và chính trị thứ hai, cường quốc quân sự thứ ba thế giới, và vẫn đang phát triển nhanh chóng. Ai sẽ đặt câu hỏi về sức mạnh và lòng tự tin của Trung Quốc? Ai dám thử thách? Đây chắc chắn là hành vi rất ngu ngốc. Vì vậy, không có nghi ngờ gì về khả năng giải quyết vấn đề Đài Loan của Đại Lục, sở dĩ có sự chậm trễ trong việc ra tay đương nhiên là do phải cân nhắc nhiều mặt, đồng thời cũng cho chính quyền Đài Loan một cơ hội hòa bình. Theo tiền đề này, bất kỳ hành động khiêu khích nào đều sẽ đẩy nhanh việc Đại Lục đưa ra các biện pháp cứng rắn và đẩy nhanh quá trình tự diệt vong. Vì vậy, việc quân đội Mỹ vào đóng ở Đài Loan, hy vọng là không phải là sự thật. Nếu không, họ chỉ có thể cầu nguyện cho chính mình, dù sao thì bom đạn cũng vô tình, quyết tâm và ý chí thống nhất hai bờ eo biển không thể bị thách thức”.

Chính quyền Trung Quốc hiện chưa có phản ứng chính thức. Vụ việc đang tiếp tục diễn biến, hãy chờ xem.