Theo Washington Post ngày 21.10, để bảo vệ căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan khỏi các cuộc nã rocket của quân Taliban, lực lượng Mỹ tại đây đã sử dụng khẩu pháo bắn nhanh M61 Vulcan để hạ các quả rocket bắn vào căn cứ. Đó là loại súng Gatlin 6 nòng, bắn đạn 20 mm, tốc độ bắn lên tới 75 phát/giây.
Loại súng này nằm trong một hệ thống có tên là C-RAM, viết tắt của Hệ thống chống rocket, đạn pháo, đạn cối, do hãng raytheon phát triển, giúp quân đội Mỹ có thể bắn tan các quả rocket hay đạn pháo ngay từ xa, trên không, trước khi đạn rơi vào khu vực nguy hiểm.
Loại vũ khí này trước đó được sử dụng rộng rãi trên các tàu chiến hàng chục năm trước, còn gọi là hệ thống Phalanx. Tuy nhiên Lục quân Mỹ mới áp dụng loại súng này lần đầu lúc ở Iraq và nay là tại Bagram từ năm 2012.
Tại Afghanistan, quân Taliban thường sử dụng các dàn phóng rocket để bắn đi những quả rocket loại 107 mm do Trung Quốc sản xuất. Loại rocket này giá rẻ và rất phổ biến, do vậy là mối nguy cho lính Mỹ ở Afghanistan.
Bảo vệ sân bay Bagram là Lực lượng đặc nhiệm Tấm khiên sắt, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo phòng không số 265 thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Florida. Họ sử dụng hệ thống phòng thủ tầm gần C-RAM để bắn hạ các quả rocket Trung Quốc bay đến căn cứ.
C-RAM bố trí trên xe tải chuyên dụng, ngoài khẩu pháo M61 Vulcan còn có tích hợp radar và các camera dò tìm hồng ngoại (FLIR) để phát hiện đạn pháo đang bay tới và báo động cho mọi người. Điều khiển bắn chỉ cần 1-2 người, sẽ bao quát và tiêu diệt từ quả đạn pháo/rocket đầu tiên đến bất kỳ những quả tiếp theo, trung tá Michael Powers chỉ huy lực lượng đặc nhiệm cho biết.
Ông còn nói thêm: "Từ khi phát hiện đến lúc nổ súng tiêu diệt rocket xảy ra rất nhanh".
Loại súng này với 6 nòng, có thể bắn đến 75 phát trong 1 giây - Ảnh: Quân đội Mỹ |
Ảnh các quả rocket (đường bay màu đỏ) bị C-RAM tiêu diệt - Ảnh: Quân đội Mỹ |
Quân Taliban tấn công rocket vào Bagram trong quá khứ là chuyện thường ngày, nhưng Tấm khiên sắt tự hào nói rằng từ ngày họ được phái đến bảo vệ sân bay hồi đầu mùa hè 2015, chẳng còn ai bị thương hay chết vì rocket của Taliban bắn vào.
Các quan chức quân sự từ chối kể chi tiết rocket của Taliban gây thiệt hại thế nào cho căn cứ Bagram, nhưng cho phóng viên xem thành quả mà C-RAM hoạt động. Theo đó quân Taliban thường sử dụng rocket 107 mm của Trung Quốc bắn vào căn cứ. C-RAM sử dụng radar và camera hồng ngoại phát hiện đạn đang bay tới và tự động kích hoạt khẩu Vulcan 6 nòng khạc hàng loạt đạn vào rocket.
Các sĩ quan ở đây cũng cho phóng viên Washington Post xem các vỏ đầu đạn rocket bị C-RAM bắn rơi.
Hiện có ít nhất 10 khẩu C-RAM bố trí quanh sân bay Bagram ở Afghanistan, ngăn chặn tất cả các vụ pháo kích của quân Taliban, theo trung tá Powers.
Bên dưới là quả đạn rocket 107 mm của Trung Quốc sản xuất, giữa là phần còn lại của 1 quả rocket loại này sau khi nổ, và trên cùng là một quả rocket bị C-RAM bắn tan trên bầu trời - Ảnh: Lực lượng đặc nhiệm Tấm khiên sắt |
C-RAM sử dụng radar và các camera dò tìm hồng ngoại để phát hiện đạn pháo, rocket đang bay đến và kích hoạt khẩu pháo 6 nòng khai hoả diệt mục tiêu |
Lính Mỹ bên một hệ thống C-RAM trên xe tải bảo vệ căn cứ Bagram, Afghanistan - Ảnh: Quân đội Mỹ |
Xem clip C-RAM hạ rocket ở Iraq:
Theo Thanh Niên