Xăng tăng bao nhiêu tùy vào mức độ xả quỹ bình ổn

Nhiều doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu nhận định, trong đợt điều chỉnh tới, xăng tăng giá bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào việc xả quỹ bình ổn còn dư ở mức nào.
Giá xăng tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ xả quỹ.Ảnh: Lê Hiếu
Giá xăng tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ xả quỹ.Ảnh: Lê Hiếu

Theo kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, tính từ thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất (4/3), sau 15 ngày tiếp theo (19/3) cơ quan điều hành sẽ thực hiện công bố giá cơ sở mới, để doanh nghiệp đầu mối thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Trước diễn biến này, theo tính toán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tuần sau, Liên Bộ Tài chính – Công Thương có thể sẽ điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu trong nước theo đà tăng của giá thế giới. Theo đó, nếu giữ nguyên mức thuế nhập khẩu xăng, dầu với giá cơ sở như hiện nay và không xả Quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng 900 – 1.200 đồng/lít.

Ông Bùi Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc CTCP Nhiên liệu Sài Gòn nhận định: “Xu hướng giá thế giới đang nhích nhẹ trong những ngày qua. Với mỗi lít xăng, chưa tính mức trích quỹ bình ổn giá, các doanh nghiệp kinh doanh đang 'tạm lỗ' gần 1.000 đồng. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ra sao còn phụ thuộc cả vào việc sử dụng nguồn từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nếu quyết định xả quỹ toàn bộ thì sẽ không tăng, nhưng theo tôi khả năng tăng thêm một chút cũng phù hợp với giá thế giới”.

Hiện mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng khoáng (RON 92, RON 95) là 370 đồng/lít. Xăng sinh học (E5) được trích quỹ là 363 đồng/lít. Mức trích từ quỹ này cho dầu diesel là 983 đồng/lít (tăng thêm 444 đồng/lít), chi cho dầu hỏa 995 đồng/lít (tăng thêm 406 đồng/lít), chi cho mặt hàng dầu madut là 69 đồng/kg (tăng thêm 34 đồng/kg).

Lần điều chỉnh giá hôm 4/3 vừa qua, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, chỉ thay đổi mức trích Quỹ bình ổn, dù theo các doanh nghiệp đầu mối, họ bị lỗ từ 200 – 750 đồng/lít, kg. Với việc tăng giá của dầu thế giới cộng với chu kỳ trước chưa tăng, rất có khả năng trong lần điều chỉnh giá này, xăng dầu sẽ tăng mạnh.

Ông Vũ chia sẻ: “Mức tăng bao nhiêu đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết chính xác, vì còn tùy vào công thức tính giá cơ sở trong kỳ điều chỉnh này như thế nào. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ra sao còn phụ thuộc cả vào việc sử dụng nguồn từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nếu công thức tính giá xăng trong kỳ điều chỉnh này không thay đổi, giá có thể được điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn. Mức chênh giá cơ sở và giá bán lẻ hiện khoảng 1.000 đồng, nhưng có thể các cơ quan quản lý sẽ xả thêm quỹ bình ổn, và lựa chọn tăng giá trong khoảng 500-700 đồng/lít”.

Theo thông báo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, Quỹ bình ổn xăng dầu trong nước còn dư gần 4.000 tỷ đồng. Dù trong lần điều chỉnh ngày 4/3, liên bộ đã cho xả quỹ với xăng, và trước đó là với dầu từ 18/2, song với việc đồng thời đều đặn trích 300 đồng mỗi lít/kg từ đầu năm, ước tính số dư của quỹ đến giữa tháng này vẫn không giảm, còn khoảng 4.300 tỷ đồng.

Theo thống kê mới nhất của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), qua nhiều lần điều chỉnh giá giảm gần đây, giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn trung bình thế giới khoảng 18%. Mức giá xăng Việt Nam trung bình tại thời điểm 14/3/2016 là 0,66 USD/lít (cao hơn so với mức 0,65 USD/lít hồi 29/2/2016). Trong khi đó, giá xăng dầu trung bình của thế giới hiện nay là 0,9 USD/lít (giữ giá so với hôm 29/2/2016).

Giá xăng tại Việt Nam hiện thấp hơn Thái Lan 0,88 USD/thùng, Trung Quốc là 0,91 USD/lít, Philippines 0,79 USD/lít, Lào 1,16 USD/lít, Campuchia 0,78 USD/lít… Theo Global Petrol Prices, thống kê giá xăng tại 200 quốc gia trên thế giới, hiện giá xăng thấp nhất là tại Kuwait, với chỉ 0,22 USD/lít, tương đương khoảng 4.900 đồng/lít. Hong Kong là nơi chịu giá xăng cao nhất, với 1,81 USD/lít, tương đương 40.400 đồng/lít.

Theo Zing