Vào đầu tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo để giảm cân, hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm. WHO nói rằng việc sử dụng lâu dài các chất này không những không mang lại hiệu quả, mà còn có thể gây nhiều rủi ro cho sức khoẻ.
Trong khuyến nghị, WHO nêu rõ những chất thay thế cho đường này, khi hấp thụ trong thời gian dài, không hề giúp giảm lượng mỡ trong cơ thể ở cả người lớn lẫn trẻ em. Ngoài ra, việc hấp thụ liên tục những chất này còn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường Type 2, các bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong ở người lớn.
“Khuyến nghị này áp dụng cho tất cả mọi người, ngoại trừ những cá nhân đã mắc bệnh tiểu đường từ trước, và bao gồm tất cả các chất làm ngọt không dinh dưỡng tổng hợp và tự nhiên, hoặc điều chỉnh vốn không được coi là đường, có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, hoặc được bán riêng để người tiêu dùng cho thêm vào thực phẩm, đồ uống”, WHO cho hay.
Khuyến nghị của WHO được đưa ra dựa trên một bản xem xét các bằng chứng sẵn có, theo tổ chức này, và là một phần trong bộ hướng dẫn về các chế độ ăn lành mạnh đang được triển khai.
Một số ví dụ về chất làm ngọt bao gồm aspartame, saccharin, sucralose và stevia. Tuyên bố của WHO mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đây cho rằng các chất làm ngọt không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho sức khoẻ, nhưng cũng không gây hại.
Nghiên cứu về dinh dưỡng liên tục phát triển và những kết quả mới được cập nhật dựa trên lượng dữ liệu dồi dào hơn - theo Stephanie McBurrnett, chuyên gia về dinh dưỡng đến từ Uỷ ban Trách nhiệm Y học Mỹ - cho hay. Nghiên cứu ảnh hưởng của chất béo bão hoà cùng nhiều phần khác của chế độ ăn của con người có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết tổng thể về nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khoẻ mà trước nay vốn được cho là do đường.
“Tôi không ngạc nhiên khi WHO không thực sự tìm ra bất kỳ sự khác biệt nào về lợi ích sức khoẻ giữa soda thông thường và soda ăn kiêng” - bà McBurrnett cho hay. “Chúng đều là thực phẩm chế biến”. Bà thêm rằng, “nếu các bạn nhìn vào nguyên nhân gây ra những căn bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, béo phì, thì đường không phải lúc nào cũng là nguyên nhân chính”.
Khuyến nghị từ WHO không trực tiếp tác động tới chính sách của bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể tiếp nhận hướng dẫn này và đưa ra những quan ngại riêng của họ - theo bà McBurrnett. Tuy nhiên, cơ quan này không bắt buộc phải làm như vậy.
Hiệp hội Chất làm ngọt Quốc tế (ISA), một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho ngành công nghiệp này, đã gọi khuyến cáo của WHO là bất lợi cho người tiêu dùng.
“Các chất làm ngọt có lượng calo thấp hoặc không có calo là một trong số những thành phần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trên thế giới và tiếp tục là một công cụ để kiểm soát bệnh tiểu đường, béo phì và các bệnh răng miệng”, hiệp hội này nói trong một tuyên bố. “Chúng cung cấp cho người tiêu dùng một sự thay thế để giảm lượng đường và calo tiêu thụ, với hương vị ngọt ngào”.
ISA cũng nói rằng khuyến nghị của WHO hiện tại chỉ được xem là có điều kiện.
“Điều này cho thấy rằng, những quyết định chính sách dựa trên khuyến nghị đó có thể cần thêm các cuộc thảo luận dựa trên bối cảnh thực tế ở một quốc gia, ví dụ như liên quan tới mức độ tiêu thụ ở các nhóm tuổi khác nhau”, tuyên bố nói thêm.
Khuyến nghị của WHO không bao gồm các sản phẩm chăm sóc và vệ sinh cá nhân có chứa đường nhân tạo như kem đánh răng, kem dưỡng da và thuốc men, theo tổ chức này. Nó cũng không bao gồm các loại đường calo thấp hay rượu đường.
“Mọi người cần phải xem xét nhiều cách khác nhau để giảm lượng đường tự do mà họ hấp thụ, như tiêu thụ thực phẩm có chứa đường tự nhiên, ví dụ như hoa quả, hay các thực phẩm và đồ uống không đường”, Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO, cho hay.
Ông nói rằng các chất làm ngọt không có đường “không phải là nhân tố thiết yếu trong bữa ăn và không có giá trị dinh dưỡng. Người dân nên giảm độ ngọt trong khẩu phần ăn, bắt đầu sớm để cải thiện sức khoẻ của họ”.
Bé gái 8 tuổi mắc tiểu đường: Phụ huynh chớ chủ quan khi thấy trẻ uống nhiều nước, sụt cân, mờ mắt
Người tiểu đường cần lưu ý gì trong dịp Tết
Khoảng 20% dân số Việt Nam mắc bệnh béo phì - con đường dẫn đến tiểu đường, tim mạch, mỡ máu ...
Theo NYTimes