Vượt ngưỡng 2.040 USD/ounce, giá vàng tiệm cận đỉnh cũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giá vàng thế giới vụt tăng sau cú sập của ngân hàng SVB tại Mỹ, tiệm cận với vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 8/2020.

Giá vàng tiệm cận đỉnh cũ, vượt ngưỡng 2.040 USD/ounce (Ảnh: NPR)
Giá vàng tiệm cận đỉnh cũ, vượt ngưỡng 2.040 USD/ounce (Ảnh: NPR)

Theo dữ liệu của Kitco, cập nhật tới 16h chiều 14/4 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 2.040 USD/ounce (khoảng 57,4 triệu đồng/lượng) - tiệm cận vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 8/2020 (ở mức 2.069,4 USD/ounce).

Giá vàng trong nước cũng có xu hướng tăng so với phiên giao dịch hôm qua. Giá vàng SJC cập nhật tới 15h02 được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo Barron's, có 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng vọt trong thời gian qua, cụ thể là lo ngại về kinh tế, lãi suất trái phiếu giảm, và đồng USD suy yếu.

Cùng với đó, việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng cũng giúp loại kim loại quý này tăng giá.

Giá vàng thế giới đã tăng 13% so với thời điểm cuối tháng 2/2023, trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ, và tăng hơn 25% kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá các kim loại quý khác thậm chí còn tăng cao hơn: giá bạc tăng gần 30% chỉ trong một tháng.

Kể từ tháng trước, các nhà đầu tư đã bắt đầu tìm đến những tài sản an toàn, do tâm lý lo ngại bởi các vụ sụp đổ trong ngành ngân hàng và quan ngại về tầm ảnh hưởng tới hệ thống tài chính Mỹ. Vàng nằm trong số những kênh tích trữ an toàn và lâu đời nhất, và nhu cầu vàng có xu hướng tăng trong những thời điểm bất trắc.

Tuy nhiên, không chỉ nỗi lo về hệ thống ngân hàng khiến nhu cầu vàng tăng lên. Lãi suất trái phiếu giảm, đồng USD yếu hơn cùng những tín hiệu về nền kinh tế “hạ nhiệt” cũng đang khiến giới đầu tư tìm đến vàng.

Tuần trước, giới quan sát đã chứng kiến thêm bằng chứng cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sắp đạt điểm bước ngoặt: Lạm phát toàn phần trong tháng 3 giảm nhiều hơn so với kỳ vọng (theo chỉ số CPI), và biên bản họp tháng 3 của Fed, công bố ngày 12/3, chỉ ra rằng giới chức ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất. Những tín hiệu này chỉ ra rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed sắp chấm dứt, và lãi suất trái phiếu cũng điều chỉnh theo.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm từ 5,1% xuống còn khoảng 3,9% hồi đầu tháng 3. Lãi suất trái phiếu thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội khi tích trữ vàng – vốn không mang lại thu nhập. Hãng nghiên cứu Capital Economics dự báo rằng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ giảm xuống còn 3,25% vào cuối năm, so với 3,5% ở hiện tại.

Sự suy giảm lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm nay sâu hơn so với mức giảm lãi suất trái phiếu ở các nước khác, vốn dựa vào đồng USD. Một ounce vàng đổi được nhiều USD hơn khi giá trị của đồng bạc xanh suy giảm.

Bradley Saunders, chuyên gia kinh tế đến từ Capital Economics, kỳ vọng rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. “Đầu tiên, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ trượt vào suy thoái trong năm nay,” ông nhận định. “Điều này kết hợp với các điều kiện vay mượn bị siết chặt, sẽ giúp nền kinh tế hạ nhiệt đôi chút, cho phép Fed chuyển sang giảm lãi suất sớm hơn so với kỳ vọng của thị trường.”

Điều này có nghĩa rằng lãi suất trái phiếu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp và thêm dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư vàng.

Giá vàng tăng tới khi nào?

Các nhà đầu tư tư nhân không phải nhóm duy nhất tăng mua vàng trong năm nay. Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã mua vào 157 tấn vàng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhịp độ mua vào thời điểm đầu năm nhanh nhất trong vòng một thập kỷ.

Các ngân hàng trung ương thường tích trữ ngoại hối và vàng trong kho dự trữ của họ. Đồng USD vẫn đang ở thế thống trị, nhưng ngày càng có thêm nhiều quốc gia nỗ lực đa dạng hóa ngoại hối dự trữ của họ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn là bên mua vàng lớn nhất, thêm 15 tấn trong tháng 1 và 25 tấn trong tháng 2, theo WGC. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua tổng cộng 46 tấn vàng trong 2 tháng đầu năm 2023. Ngân hàng trung ương Nga tăng lượng vàng dự trữ thêm 31 tấn trong tháng 2. Dữ liệu tháng 3 hiện vẫn chưa được công bố.

“Chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục, khi mà sự đứt gãy của nền kinh tế thế giới khiến các nền kinh tế như Trung Quốc và Nga giảm sự phụ thuộc vào đồng USD,” ông Saunders nhận định.

Đương nhiên, mức giá gần sát kỷ lục của vàng ở hiện tại chỉ là trên danh nghĩa. Xét về thực tế - được điều chỉnh theo lạm phát – vẫn còn phải quan sát thêm. Vào năm 1980, giá vàng đạt đỉnh và giá đã điều chỉnh theo lạm phát tính theo USD hiện nay là khoảng 3.000 USD.

Đó là thời điểm một thập kỷ sau khi Mỹ rời bỏ Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard), lạm phát tăng cao và suy thoái.

Giá vàng khó có thể sớm đạt được mức trên 3.000 USD/ounce. Nhưng trong lúc lãi suất trái phiếu, đồng USD và tâm lý của giới đầu tư đều đang theo hướng có lợi cho vàng, giá của nó vẫn có thể tăng./.

Theo Barrons